MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO Manchester United và thủ đoạn thoát nợ của ông chủ Glazer

14-07-2012 - 17:32 PM | Tài chính quốc tế

Đằng sau quyết định trở lại thị trường chứng khoán của đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh là cách thức thoát khỏi tình trạng nợ nần đầy khôn ngoan.

Sau khi giải ngoại hạng Anh được thành lập vào năm 1992, doanh thu từ truyền hình tăng lên và các ông chủ đội bóng kiếm được rất nhiều tiền từ nguồn thu mới này. Đến giữa những năm 1990, đã có tới 27 đội bóng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. 

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh tìm kiếm tài năng đầy khốc liệt giữa các đội bóng là dấu hiệu cho thấy chính các cầu thủ mới là người hưởng phần lớn khoản thu nhập mới chứ không phải là các cổ đông. Hầu hết các đội bóng có mặt trên sàn đều không trả cổ tức và chứng kiến giá trị thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Khi thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo vào năm 2000, các câu lạc bộ lại tiếp tục bị giáng một đòn mạnh với rất nhiều cổ phiếu phải rời sàn do gặp rắc rối về tài chính. 

Thêm vào đó, niêm yết trên sàn còn trở thành gánh nặng không mong muốn. Các cổ đông giận dữ trong khi các chi phí liên quan đến luật pháp mỗi năm có thể vượt quá 100.000 bảng (tương đương 155.000 USD). Kết quả là đầu những năm 2000, các câu lạc bộ thi nhau rời khỏi sàn chứng khoán với tốc độ còn nhanh hơn cả khi họ chạy đua niêm yết chỉ một vài năm trước đó. Sau khi Tottenham và Millwall thông báo rút niêm yết hồi tháng 11 năm ngoái, chỉ còn 2 đội Arsenal và Birmingham City ở lại.

Đầu tháng này, Manchester United, đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh, vừa thông báo sẽ niêm yết trên sàn NYSE với giá trị 100 triệu USD. Quyết định này là sự thay đổi chóng mặt của Malcolm Glazer, người đang sở hữu Manchester United bởi ông đã hủy niêm yết trên sàn London ngay sau khi mua lại đội bóng này vào năm 2005. Điều gì đã khiến Glazer thay đổi nhanh đến vậy?

Glazer đã phải vay khoản nợ lên tới 850 triệu USD với lãi suất cao để mua được Manchester United. Vào thời gian đó, việc đưa ra kết luận doanh thu của đội bóng có giá trị nhất này sẽ bù đắp các khoản nợ và Manchester United là một món hời cũng là điều hợp lý. 

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, môi trường kinh doanh bóng đá đã đổi khác với tầng lớp chủ sở hữu mới: các tỷ phú người nước ngoài. Tỷ phú người Nga Roman Abramovich đã mua Chelsea và rót hàng trăm triệu USD mua cầu thủ và nhờ đó giành được ngôi vô địch giải ngoại hạng. Thành công của Chelsea ngay lập tức làm dấy lên phong trào cho các đội bóng khác. Năm ngoái, Qatar đã mua lại Paris St Germain, câu lạc bộ của Pháp, và thay thế toàn bộ cầu thủ bằng những tài năng mới. Câu lạc bộ này đã giành được chức vô địch bóng đá Pháp 2 mùa liên tiếp.  Năm nay, chính Manchester United bị đánh bại bởi Manchester City, đội bóng cùng thành phố với đội hình đầy các ngôi sao sau khi được tỷ phú người Arab - Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan – mua lại.  

Lượng fan hâm mộ khổng lồ luôn mong muốn Manchester United giành được ngôi vương nhưng  Glazer không có đủ tiền mua cầu thủ. Thật không may, thế hệ tỷ phú mới đã đẩy giá cầu thủ lên quá cao. Mặc dù đã tỏ ra kiên cường, Manchester United vẫn thua Manchester City về hiệu số bàn thắng – dấu hiệu cho thấy câu lạc bộ này đang thiếu những ngôi sao săn bàn đẳng cấp. 

Một lý do khác khiến Manchester United phải trở lại thị trường chứng khoán là do luật lệ mới của Liên đoàn bóng đá châu Âu. Mùa giải năm ngoái, UEFA đã ban hành luật mới quy định các đội bóng niêm yết có thể mắc nợ nhiều hơn so với các đội không niêm yết. Như vậy, rõ ràng là Manchester United sẽ có được lợi thế nếu tái cấu trúc nguồn vốn. 

Thêm vào đó, thời gian cũng ủng hộ Glazer. Dù với tốc độ chậm, Manchester United cũng đang trả bớt các khoản nợ và số nợ sẽ giảm đi rất nhiều trong những năm tới.  Đến năm 2018, luật lệ mới chặt chẽ hơn sẽ được áp dụng với qui định mỗi đội bóng chỉ được phép lỗ tối đa 8,8 triệu bảng. Như vậy, thay vì phải đợi đến khi tình hình tài chính được hoàn thiện để có thể quay lại thị trường nợ, Glazer có thể vay tiền từ cổ đông.  

Manchester United cũng là một trong số ít đội bóng có thương hiệu đủ mạnh để có thể IPO thành công dựa vào những lý do không liên quan đến tài chính. Một khi tình hình tài chính của câu lạc bộ ổn định trở lại, rất có thể cổ phiếu của đội bóng này lại tiếp tục rời sàn. Không còn tranh cãi gì nữa, quay trở lại thị trường chứng khoán là một quyết định rất khôn ngoan của Glazer.  

Anh Thư

huongnt

Economist

Trở lên trên