MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

John Kerry có vượt được cái bóng của Hillary?

31-01-2013 - 21:30 PM | Tài chính quốc tế

Bà Hillary Rodham Clinton đã trở thành một trong những ngoại trưởng nổi tiếng nhất và năng động nhất của Mỹ.

Người kế nhiệm của bà Hillary – ông John Kerry đã nhận được sự nhất trí cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và được phê chuẩn bởi Thượng viện trong ngày hôm qua (29/1). Người ta đang tự hỏi, liệu ông Kerry có khả năng vượt qua được cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm hay không. 

Mặc dù có thể không có được ảnh hưởng sâu rộng như của bà Hillary nhưng tân Ngoại trưởng Kerry được cho là đang sở hữu khá nhiều lợi thế giúp ông có thể thành công trên cương vị mới. Ông Kerry đã có tới gần 30 năm kinh nghiệm về chính sách ngoại giao và trong số các ứng cử viên cho chức ngoại trưởng quyền lực của nước Mỹ, ông này được xem là một trong những chính khách có năng lực nhất và phù hợp nhất.
 
Là con trai của một nhà ngoại giao Mỹ, tuổi thơ của ông Kerry gắn liền với cuộc sống ở nước ngoài và đi lại khắp Châu Âu. Ông này nói thông thạo tiếng Pháp. Năm 2004, Thượng nghị sĩ Kerry đã thất bại trước đối thủ George W. Bush trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng ông đã nổi tiếng khắp toàn cầu với vị trí của mình ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện – nơi ông giữ cương vị là Chủ tịch trong suốt 4 năm qua.
 
Đối mặt với những vấn đề toàn cầu gai góc, thế giới đang hy vọng ông Kerry sẽ làm tốt trên cương vị của mình. “Ông ấy được xem là hiện thân của chính sách đối ngoại truyền thống”, ông Ian Lesser – Giám đốc điều hành Văn phòng ở Brussels của Quỹ Marshall Đức, cho biết.
 
Mọi đánh giá hiện giờ đều mang tính chủ quan nhưng từ Châu Âu đến Pakistan và Trung Quốc, nhiều người đều mong chờ kinh nghiệm và kỹ năng ngoại giao của ông Kerry sẽ có lợi cho việc giải quyết các cuộc khủng hoảng và các vấn đề quốc tế.
 
Thách thức từ Pakistan
 
Trong những thách thức trước mắt mà tân Ngoại trưởng Kerry phải đối mặt có vấn đề xử lý mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan khi NATO rút quân khỏi Afghanistan. Để đảm bảo sự ổn định cho tiến trình đó, Pakistan – nước có biên giới sát với Afghanistan, đóng một vai trò vô cùng quan trọng bởi nước này nổi tiếng về các hoạt động chiến binh và giới quan chức an ninh của Pakistan bị cáo buộc có mối quan hệ thân thiết với lực lượng Taliban ở Afghanistan. Nếu không xử lý được tốt mối quan hệ với Pakistan, Mỹ sẽ dễ vấp phải thất bại ở Afghanistan cũng như trong cuộc chiến chống khủng bố.
 
Nhiều người hy vọng, ông Kerry có thể xử lý được mối quan hệ phức tạp trên.
 
"John Kerry, bản thân tôi cảm nhận, là một người chín chắn hơn và có cái nhìn tích cực về Pakistan cũng như Afghanistan. Ông ấy giành được thiện cảm của giới ngoại giao và quân sự. Tôi nghĩ, ông ấy sẽ phá được nhiều tảng băng và sẽ thúc đẩy tiến trình đi lên ở Pakistan cũng như Afghanistan”, một quan chức an ninh Pakistan giấu tên nhận định.
 
Ông Kerry từng thực hiện một sứ mệnh thành công ở Kabul năm 2009 khi thuyết phục đượcông Hamid Karzai đồng ý với một cuộc bầu cử tổng thống vòng hai. Thượng nghị sĩ Kerry cũng thường xuyên nói về việc cần thiết phải có một phương pháp tiếp cận hòa dịu hơn với Pakistan, phản đối việc Mỹ cắt viện trợ đối với nước này.
 
"Điều lớn nhất mà ông Kerry có được là ông biết rất rõ về Pakistan. Ông ấy được cho là đã trải qua những thăng trầm của chính sách ở đây. Đây là một thuận lợi lớn. Ông ấy không phải là một người cứng rắn. Trên thực tế, ông ấy được nhiều giới ở Pakistan coi là bạn”, ông Raza Rumi, Giám đốc Viện Jinnah ở Pakistan cho biết.
 
Cân bằng quan hệ giữa Châu Âu và Châu Á
 
Một trong những thách thức khác của tân Ngoại trưởng Kerry là mối quan hệ giữa Mỹ với Châu Âu. Ông Kerry có họ hàng người Pháp và nói tiếng Pháp rất hoàn hảo. Tuy nhiên, đây lại chính là điều gây bất lợi cho ông khi ông tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2004. Khi đó, những người chống đối ông thường chế nhạo ông là “Monsieur Kerry”, ám chỉ ông là người Pháp.
 
Tuy nhiên, nếu như mối liên hệ của ông Kerry với Pháp làm ảnh hưởng đến cuộc đua vào Nhà Trắng của ông năm xưa thì giờ đây, chính nó lại là một thuận lợi cho ông trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Nhờ nó, ông có thể thực hiện thành công chính sách ngoại giao của Mỹ ở Châu Âu.
 
“Điều từng chống lại ông Kerry ở Mỹ lại đóng tới 150% thành công của ông này ở Pháp”, ông Steven Ekovich, người dạy chính sách đối ngoại Mỹ của trường Đại học Mỹ ở thủ đô Paris và cũng là người viết cuốn sách “Ông John Kerry là ai?” bằng tiếng Pháp năm 2004, cho biết. Ông Ekovich cho rằng, Pháp rất vui vì có một chính khách thân thuộc với Châu Âu, đặc biệt là Pháp, làm đại diện ngoại giao của Mỹ.
 
Tuy nhiên, ông Kerry tiếp cận nhiệm vụ Ngoại trưởng vào đúng thời điểm Mỹ thực hiện chính sách “hướng trọng tâm vào Châu Á”. Điều này đã gây lo ngại đối với nhiều người ở Châu Âu. “Một trong những thách thức lớn nhất của ông Kerry là ông phải thuyết phục được người Châu Âu tin rằng, khu vực này vẫn quan trọng với Washington”, một nhà phân tích cho hay.
 
Mỹ luôn coi Châu Âu là đối tác tự nhiên trên một loạt vấn đề quan trọng, gần đây nhất là cuộc xung đột ở Mali, cùng với các vấn đề như vũ khí hạt nhân ở Iran, các vấn đề năng lượng và biến đổi khí hậu. Bất chấp việc Mỹ hướng trọng tâm sang Châu Á, thương mại giữa Mỹ và Châu Âu vẫn thống trị toàn cầu.
 
Chính sách hướng trọng tâm vào Châu Á
 
Không rõ liệu tân Ngoại trưởng Kerry có tiếp tục duy trì chính sách hướng trọng tâm vào Châu Á như người tiền nhiệm Hillary của ông đã làm hay không. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên mà ông này phải đối mặt trong khu vực đã nổi lên khi Triều Tiên đe dọa sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân thứ ba như hành động thách thức cộng đồng quốc tế.
 
Tuy nhiên, ngoài việc đã từng tham chiến ở Việt Nam và đã từng thực hiện một số cuộc công du đến khu vực, ông Kerry được cho là không có sự hiểu biết đặc biệt nào về Châu Á.
 
“Bà Hillary đã biến chính sách hướng về Châu Á của Mỹ thành di sản của bà trên cương vị Ngoại trưởng. Ông Kerry có thể muốn chọn một vấn đề khác làm di sản của ông”, bà Bonnie Glaser – một nhà phân tích cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở thủ đô Washington cho biết.
 
Theo bà Glaser, nhiều nước ở Châu Á đã bắt đầu tỏ ra lo lắng, chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc Mỹ sẽ giảm mức độ chú ý vào khu vực này.
 
Mặc dù vậy, tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ không thể phớt lờ mối quan hệ với đồng minh thân thiết Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh nước này có tranh chấp lãnh thổ đầy nguy hiểm với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, khi xử lý mối quan hệ đó, ông Kerry “sẽ phải giữ một sự cân bằng mỏng manh” trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc để tránh gây ra những hậu quả đáng .
 
Ngoài các thách thức ở trên, ông Kerry sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức mà bà Hillary chưa giải quyết được trong nhiệm kỳ của mình bao gồm vấn đề hạt nhân Iran và hòa bình ở Trung Đông. Đây chắc chắn sẽ tiếp tục là những vấn đề đứng đầu trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Kerry.

Theo Kiệt Linh
VnMedia

huongnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên