MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

JPMorgan: Kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn "hạ cánh khó nhọc"

15-03-2012 - 11:25 AM | Tài chính quốc tế

"Trung Quốc đã thực sự bước vào giai đoạn hạ cánh khó nhọc. Doanh số bán xe giảm, sản xuất xi măng, sắt thép giảm, cổ phiếu xây dựng đi xuống. Đó không còn là một cuộc tranh cãi nữa mà là một thực tế."

Adrian Mowat, chiến lược gia về châu Á và các thị trường mới nổi của JPMorgan Chase nhận định nền kinh tế Trung đã bước vào giai đoạn “hạ cánh khó nhọc”.

Tại một hội nghị ở Singapore ngày 14/3, Mowat cho biết: "Nếu nhìn vào các dữ liệu về Trung Quốc, bạn nên ngừng tranh cãi và nhận ra rằng Trung Quốc đã thực sự bước vào giai đoạn “hạ cánh khó nhọc”. Doanh số bán xe giảm, sản xuất xi măng, sắt thép giảm, cổ phiếu xây dựng đi xuống. Nó không còn là một cuộc tranh cãi nữa mà là một thực tế".

Chỉ số Shanghai Composite giảm 2,6% ngày hôm qua, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 30/11, sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết giá nhà vẫn còn “cách xa so với mức hợp lý”. Nhận định của ông nhen lên một mối lo ngại về khả năng chính phủ sẽ tiếp tục duy trì hạn chế với thị trường bất động sản, đe dọa tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại phiên họp Quốc hội ngày 5/3 đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức 7,5% cho năm 2012, trong khi mục tiêu 8% đã được giữ trong suốt 7 năm qua. Dữ liệu tuần trước cũng cho thấy sản lượng của các nhà máy Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2012 đã tăng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 2009, trong khi doanh số bán lẻ tăng chậm hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế, khiến tỷ lệ lạm phát ở mức thấp nhất trong 20 tháng.

Tháng 5/2011, Mowat đã từng dự báo về giai đoạn “hạ cánh khó nhọc” của nền kinh tế Trung Quốc bởi mức đầu tư tài sản cố định trong lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục tăng trong khi nhu cầu nhà ở duy trì ở mức thấp.

Ngày 2/2, Gary Shilling, chủ tịch của A. Gary Shilling & Co, Springfield tại New Jersey, Mỹ, cũng cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang đương đầu với một cuộc “hạ cánh khó nhọc” trong năm nay khi nhu cầu hàng xuất khẩu từ quốc gia này sụt giảm. Shilling, người đã dự đoán chuẩn xác về suy thoái kinh tế Mỹ tháng 12/2007, đã nhận định Trung Quốc chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng  ở mức 6%.

Quan điểm của Shilling và Mowat lại ngược lại với Giáo sư Stephen Roach tại Đại học Yale, cựu chủ tịch Morgan Stanley ở châu Á, người đã nhận định việc Trung Quốc bước vào giai đoạn “hạ cánh khó nhọc” chẳng qua chỉ là “thổi phồng quá đà”.

Ông cho biết: "Tôi không nghĩ rằng hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ và bong bóng bất động sản sẽ vỡ. Tất cả chỉ là phóng đại."

Trung Quốc đang nới lỏng các hạn chế về tăng trưởng tín dụng cho 3 trong số 4 ngân hàng lớn nhất sau khi số lượng các khoản vay mới giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Nỗ lực giám sát thị trường bất động sản của Bắc Kinh trong suốt 2 năm đã giúp doanh số bán nhà giảm 25% trong 2 tháng đầu năm sau khi tăng 26% trong tháng 1 và 2/2011.

Minh Quang

huongtd

Bloomberg

Trở lên trên