MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nào Trung Quốc vượt Mỹ?

30-10-2013 - 09:30 AM | Tài chính quốc tế

Đã có dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2050 (thậm chí có người đưa ra mốc 2030 và 2020), để trở thành siêu cường đứng đầu thế giới.

Chuyên gia Trung Quốc Lưu Minh Phúc tin chắc trong thế kỷ 21, siêu cường nói tiếng Hoa sẽ thay thế siêu cường nói tiếng Anh dẫn dắt thế giới.

Một trong những cơ sở được dẫn ra để minh chứng là luận thuyết “chu kỳ trăm năm” của nhà chính trị học Mỹ George Modelski, cho rằng cứ 100 năm lại xuất hiện một quốc gia lãnh đạo thế giới: Bồ Đào Nha thế kỷ 16, Hà Lan thế kỷ 17, Anh thế kỷ 18-19, Mỹ thế kỷ 20. Ông Lưu khẳng định thế kỷ 21 thuộc về Trung Quốc (!?).

Thật ra, đây không phải lần đầu Trung Quốc có tham vọng vượt Mỹ. Ngay từ thập niên 1960, trong kế hoạch Đại nhảy vọt, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã đặt mục tiêu phải vượt qua Anh, đuổi kịp Mỹ. Lĩnh vực đầu tiên ông chọn để đua với Mỹ, Anh là sản xuất thép.

Để đạt kế hoạch đề ra, khắp xóm làng Trung Quốc mọc lên các lò luyện thép thủ công. Người ta đem hết nồi niêu, xoong chảo cho đến cả phương tiện, công cụ lao động như cày bừa, cuốc xẻng… ra để nấu thép cho đủ chỉ tiêu. Sản lượng thép của Trung Quốc tăng vọt, nhưng người ta lờ đi sự thật đó chỉ là những mẻ gang thép phế phẩm, không thể dùng vào việc gì. Trung Hoa đói to, hàng triệu người chết thảm.

Liệu Trung Quốc có khả năng vượt qua Mỹ không, nếu có thì bao giờ việc đó xảy ra và như thế nào? Nếu loại bỏ các yếu tố lịch sử và duy ý chí, người ta có thể phần nào tìm được câu trả lời từ thực tế.

Mỹ hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc đứng thứ hai và được dự báo chiếm ngôi đầu muộn nhất vào năm 2050. Nhưng đó mới chỉ về quy mô nền kinh tế, nếu xét thu nhập bình quân đầu người và chất lượng sống thì còn cả một khoảng cách mênh mông.

Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 4.428 USD, của Mỹ là 45.551 USD (HSBC dự báo năm 2050, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 17.759 USD, Mỹ 55.134 USD).

Trung Quốc thành công nhờ kết hợp kinh tế thị trường với hệ thống chính trị tập quyền cao độ. Mỹ đại diện cho chủ nghĩa tư bản tự do, dựa trên sự linh hoạt để thích ứng, phát triển nhờ nguyên lý “hủy diệt-sáng tạo”.

Cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng, Mỹ lại mạnh thêm. Mỹ ung dung tập trung nắm các công nghệ nguồn, luôn chễm chệ đầu chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh “outsourcing” từ sản xuất Iphone ở Trung Quốc đến việc tính hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại, thuế... cũng đẩy sang Ấn Độ thuê làm.

Kinh đô tài chính thế giới thực sự nằm trong tay các nhà tài phiệt ở Wall Street. Mỹ đúng là con nợ lớn của Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng sự thật Mỹ mới là người khống chế dòng chảy tài chính toàn cầu. Mỗi khi Mỹ hắt hơi, sổ mũi là cả thế giới cùng lo sốt vó, cứ nhìn vụ đóng cửa chính phủ Mỹ và nguy cơ vỡ nợ vẫn còn nóng hổi là đủ rõ.

Về nguồn lực chất xám, chỉ cần nhìn vào số giải Nobel khoa học người Mỹ giành được hằng năm có thể hiểu Mỹ luôn nắm ngọn cờ tiên phong và đang dẫn đầu với một khoảng cách rất xa. Hollywood và âm nhạc Mỹ đã và đang truyền bá quyền lực mềm của nước này khắp thế giới…

Mỹ lắm kẻ thù nhưng đồng minh của nước này cũng nhiều vô số, sẵn sàng hỗ trợ, đóng góp khi hữu sự. Trung Quốc có bao nhiêu bạn bè thực sự? Lịch sử thế giới chứng minh, các siêu cường từng bá chủ thế giới đều phải là những cường quốc biển, nghĩa là phải làm chủ các đại dương cả trong lĩnh vực quân sự cũng như thương mại.

Trong bối cảnh ấy, người ta mới hiểu tại sao với Mỹ, vấn đề an ninh và tự do hàng hải lại quan trọng đến thế. Ngay từ thế kỷ 19, học giả nghiên cứu Mỹ nổi tiếng Alexis de Tocqueville đã đánh giá đội tàu vận tải của Mỹ khi đó đã vô địch thế giới về tổng trọng tải cũng như giá cước rẻ nhất. Ngày nay, siêu cường quân sự Mỹ đang thống trị các đại dương với 11 nhóm tàu sân bay xung kích và thực tế dường như không có đối thủ...

Trung Quốc có vượt Mỹ trong cuộc cạnh tranh thế kỷ hay không hoặc chỉ là giấc mộng xa vời, điều đó phụ thuộc vào thực lực và những biến số trong một thế giới đầy biến động khó lường.

Theo Đặng Vương Hạnh

huongnt

Tiền Phong

Trở lên trên