MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi ngân hàng đầu tư không còn hấp dẫn

23-10-2014 - 09:11 AM | Tài chính quốc tế

Đối với sinh viên tốt nghiệp từ những trường kinh tế danh giá nhất hiện nay, ngân hàng đầu tư không còn là lựa chọn hàng đầu. Vị trí số 1 giờ đây thuộc về các hãng tư vấn và công ty công nghệ.

“Nhân viên ngân hàng đầu tư là những người sở hữu tài năng và tham vọng lớn lao mà ít người có thể tưởng tượng ra được”, Michael Lewis đã viết như vậy trong cuốn sách “Liar’s Poker” (tạm dịch: Ván bài của kẻ nói dối) xuất bản năm 1989. Lewis đã vẽ nên bức tranh về nhân sự thời kỳ những năm 1980, trong đó ngân hàng đầu tư là nơi tập trung nhiều nhất các sinh viên mới tốt nghiệp đầy tài năng.

Bức tranh ấy vẫn đúng với thực tế cho tới khi khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2007. 44% người có bằng MBA của trường Harvard sẽ chọn ngành tài chính để làm việc, trong đó 12% sẽ trở thành nhân viên ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, đến niên khóa 2013, chỉ có 27% chọn tài chính và 5% lựa chọn nhóm xuất sắc mà Lewis đề cập tới.

Xu hướng này cũng đúng ở các trường kinh tế danh giá khác. Năm 2007, 46% người có bằng MBA của trường Kinh doanh London (LBS) sẽ làm việc trong ngành tài chính. Năm 2013, con số giảm xuống chỉ còn 28% và tỷ trọng làm việc trong ngân hàng đầu tư còn thấp hơn nữa. Trường Booth của ĐH Chicago cũng chứng kiến tỷ lệ giảm từ 30% trong năm 2007 xuống còn 16% trong năm nay. 

Nguyên nhân xuất phát từ các ngân hàng đầu tư. Kể từ khủng hoảng, họ đã ngừng sử dụng chiến lược tuyển dụng thông qua chương trình liên kết thẳng với các trường kinh doanh. Thay vào đó, các ngân hàng tuyển những sinh viên sáng giá nhất, tin tưởng rằng cách này sẽ hiệu quả hơn và đem về những giá trị tốt hơn nhằm phát triển đội ngũ chuyên gia phân tích sắc bén và sáng tạo thay vì những ý tưởng rập khuân theo những chương trình MBA đắt tiền. 

Một phần nguyên nhân cũng nằm ở thực trạng nhân lực của các ngân hàng đầu tư. Các ngân hàng liên tục cắt giảm nhân sự, đồng thời người lao động cũng không còn hào hứng. Đã từng có một thời ai cũng muốn vào ngân hàng đầu tư để hưởng mức lương cao chót vót. Tuy nhiên, luật lệ siết chặt khiến lương thưởng bị cắt giảm mạnh. Quan trọng hơn, người có bằng MBA thường có xu hướng nhảy việc. Trong khi các ngân hàng đầu tư muốn nhân viên gắn bó dài hạn, nhiều người coi đây là bước đệm để tiến vào các công ty vốn cổ phần tư nhân hoặc các quỹ. 

Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao ngành tư vấn lại lên ngôi. Gần 30% sinh viên tốt nghiệp các trường kinh tế danh giá muốn  tìm kiếm việc làm trong các hãng tư vấn. Năm 2007, 23% người có bằng MBA của LBS đầu quân cho các hãng tư vấn và con số tăng lên 29% trong năm ngoái. Ở Chicago, con số cũng tăng từ 24% lên 31% trong cùng kỳ. Trên thực tế, 4 hãng tư vấn lớn nhất là McKinsey, Bain, Boston Consulting Group và A.T. Kearney tuyển dụng tới 19% trong số 472 sinh viên tốt nghiệp chương trình MBA của ĐH Chicago năm ngoái. 

Bạn không nên ngạc nhiên về điều này. Trước khi các ngân hàng đầu tư "gặp nạn", tư vấn vẫn là "ngôi nhà" thu hút các sinh viên xuất sắc nhất của nhiều trường kinh tế. Phương pháp tiếp cận chung chung và cách nghiên cứu dựa trên các bài học thực tế của hầu hết các chương trình MBA tạp ra những kỹ năng phù hợp với công việc tư vấn. 

Trong khi các ngân hàng hi vọng những người có bằng MBA sẽ ở lại với họ trong ít nhất là 5 năm, các hãng tư vấn sẽ hỏi ứng viên: "Bạn cho rằng ai sẽ thuê bạn trong 5 năm tới?" Các hãng tư vấn tin rằng khuyến khích nhân viên nghĩ về cuộc sống của họ sẽ đem đến một vài lợi ích như thu hút được những ứng viên xuất sắc nhất và tạo ra mạng lưới các mối quan hệ giúp mở rộng khách hàng tiềm năng. 

Theo Julie Morton (đến từ trường Booth Chicago), đối với những người có bằng MBA, cơ hội tiếp cận với nhiều ngành và những nhà quản lý cấp cao khiến tư vấn trở thành nơi tốt nhất để gây dựng sự nghiệp. Mức lương khởi điểm của ngành này cũng cao hơn ngân hàng đầu tư. Trung bình người có bằng MBA của Booth sẽ nhận được 135.000 USD khi làm cho hãng tư vấn trong khi con số mà ngân hàng đầu tư đưa ra là 100.000 USD. 

Kể cả nếu như các ngân hàng đầu tư có thể đem lại mức lương cao như trong quá khứ, các ưu tiên của sinh viên trong quá trình lựa chọn cũng thay đổi. Theo khảo sát của The Economist, chỉ có chưa đến 5% cho rằng lương cao hơn là ưu tiên hàng đầu khi quyết định theo học kinh tế. "Mở ra những cơ hội nghề nghiệp mới" và "phát triển bản thân" là những lý do quan trọng hơn (chiếm lần lượt 58% và 15%). 

Công nghệ cũng là một ngành khác thu hút nhiều sự quan tâm của các sinh viên kinh tế mới tốt nghiệp. Trong số 8 nhà tuyển dụng hàng đầu tại INSEAD (trường kinh doanh có cơ sở ở Pháp và Singapore), một nửa là các công ty công nghệ gồm Amazon, Microsoft, Samsung và Google trong khi nửa còn lại là các công ty tư vấn. 

Tỷ lệ người có bằng MBA của trường Chicago vào làm trong các công ty công nghệ cũng đã tăng từ 6% lên 12% kể từ năm 2007 đến nay. Tại Stanford, "trái tim" của thung lũng Silicon, tỷ lệ lên tới gần 1/3. "Nhiều người muốn trở thành một phần của môi trường mang đậm chất doanh nhân và tạo nên ảnh hưởng nào đó, họ muốn có cảm giác mình đang có vai trò xây dựng và kiến tạo", Morton nói. 


Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên