MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó quy trách nhiệm cá nhân trong vụ GSK bị phạt 3 tỷ USD

14-07-2012 - 08:24 AM | Tài chính quốc tế

GSK đã chấp nhận phán quyết và sẽ thu xếp trả khoản tiền phạt trên, song lại không thể quy được trách nhiệm cá nhân cụ thể, nhất là các lãnh đạo cấp cao liên quan đến vụ này.

Mới đây, GlaxoSmithKline (GSK), một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới của Anh đã bị cơ quan chức năng Mỹ phạt 3 tỷ USD vì đã có nhiều sai phạm tại Mỹ kéo dài trong nhiều năm, từ năm 1993 đến năm 2007.

3 tỷ USD tiền phạt của GSK đã vượt xa số tiền kỷ lục 2,3 tỷ USD mà Tập đoàn Dược phẩm Pfizer (Mỹ) đã chấp nhận trả vào năm 2009, nhằm giải quyết ổn thoả các cáo buộc liên quan đến việc tiếp thị và bán không đúng luật 13 loại thuốc ở Mỹ.

Các sai phạm của GSK cũng tương tự như sai phạm của Pfizer. GSK thừa nhận đã quảng bá một số công dụng của thuốc chống trầm cảm Paxil và Wellbutrin không được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua. GSK cũng che giấu các số liệu về sự an toàn của thuốc chữa bệnh tiểu đường Avandia. Ngoài ra, nhiều nhân viên tiếp thị, bán hàng của GSK còn hối lộ các bác sĩ để họ kê đơn cho bệnh nhân mua nhiều loại thuốc của GSK, như Zofran, Imitrex, Lotronex, Flovent... Đổi lại, GSK đã thưởng cho các bác sỹ nhiều chuyến đi du lịch đắt tiền, mua vé thành viên sân golf… GSK còn trả tiền để một số tạp chí chuyên ngành tâng bốc quá mức và sai sự thật công dụng của các loại thuốc trên.  

Điều trớ trêu ở đây là, cho dù GSK đã chấp nhận phán quyết và sẽ thu xếp trả khoản tiền phạt trên, song lại không thể quy được trách nhiệm cá nhân cụ thể, nhất là các lãnh đạo cấp cao liên quan đến vụ này. 

Ông Andrew Witty, Giám đốc điều hành (CEO) GSK hiện tại thì phát biểu, ông mới lên nắm quyền điều hành GSK từ năm 2008, mà các sai phạm dẫn đến việc bị phạt lại xảy ra ở Mỹ trước mốc thời gian trên, nên ông không hề biết và vì thế, cũng không thể chịu trách nhiệm.

Tuy không đổ lỗi cho người tiền nhiệm, song quả thực, hiểu theo một nghĩa nào đó, ông chỉ là người phải đứng ra giải quyết hậu quả do “lịch sử để lại”.

Ông Richard Sykes, nguyên Chủ tịch GSK, hiện là Chủ tịch Tổ chức Royal Institution và National Heath Service (NHS), một trong 4 quỹ chăm sóc y tế lớn ở Anh lại từ chối trả lời báo giới và chỉ trả lời qua quít rằng, sự việc xảy ra đã lâu, nên ông không nắm được cụ thể tình hình và không biết gì về chi tiết. 

Ông này từng là CEO của Glaxo Wellcome trước khi Glaxo Wellcome sáp nhập với SmithKline Beecham với cái giá khủng 100 tỷ bảng Anh vào năm 2000 để hình thành ra GSK. Hơn nữa, các sai phạm trên chủ yếu lại tập trung ở SmithKline.

“Tôi vẫn chưa có thời gian đọc báo, nên chưa thể hiểu hết ngọn nguồn về việc gì đã xảy ra. Tình hình khá phức tạp khi xảy ra từ trước khi hình thành ra GSK. Nếu có bằng chứng cụ thể, phải đưa một số nhà quản lý cấp thấp trực tiếp gây nên scandal ra toà, thậm chí bỏ tù”, ông Richard Sykes nói.

Ông Jean - Pierre Garnier, CEO của GSK từ năm 2000 đến 2008 đã nghỉ hưu và gần như không có bằng chứng nào chứng tỏ ông này có dính líu trực tiếp đến các vụ trên. 

Thông cáo báo chí của GSK nêu rõ: “Kể từ khi ông Andrew Witty lên nắm quyền CEO, GSK đã thực hiện một cách quyết liệt những thay đổi ở mọi cấp quản lý trong Tập đoàn nhằm đảm bảo luôn hành động đúng pháp luật, một cách minh bạch và đúng chuẩn mực đạo đức”.

GSK là tập đoàn dược phẩm lớn thứ 4 thế giới, sau Pfizer, Novartis (Thuỵ Sỹ) và Sanofi  (Pháp). Với giá trị vốn hoá thị trường là 74,8 tỷ bảng Anh, GSK hiện là công ty niêm yết lớn thứ 5 tại Sở GDCK London (Anh). 

Thực ra, nếu làm quyết liệt và triệt để thì cơ quan chức năng Mỹ vẫn có thể tìm được người có trách nhiệm cao cấp của GSK từng có dính líu đến scandal này. Đó là David Stout,  nguyên CEO Chi nhánh GSK tại Mỹ và Bob Ingram, nguyên nhà quản lý cao cấp của GSK toàn cầu.

Khi bị mất việc, Bob Ingram đã tố giác với các cơ quan quản lý của Mỹ về các mánh khoé làm ăn trái luật của GSK. Điều tra gần 10 năm, cơ quan chức năng của Mỹ mới thu thập đủ bằng chứng để bắt GSK nhận tội. Nay David Stout là Giám đốc Công ty Dược phẩm Shire PLC có cổ phiếu niêm yết tại Sở GDCK London và Bob Ingram cũng là Chủ tịch Công ty Công nghệ sinh học Elan Corporation. Tức là họ đều không còn là người của GSK nữa.

Ông Sidney Wolfe, Giám đốc của Health Research Group nhận định: “Chừng nào chỉ xử lý bằng phạt tiền thì các công ty dược phẩm sẽ còn tiếp tục dối trá, sẽ còn tìm mọi cách lách luật và đe doạ sức khoẻ của hàng triệu người bệnh”. 

Theo khảo sát của Hãng IMS Health (Mỹ), GSK đã kiếm được bộn tiền từ các vụ bán thuốc không đúng luật này, chẳng hạn đã kiếm được 10,4 tỷ USD từ thuốc Avandia, 11,6 tỷ USD từ thuốc Paxil, 5,9 tỷ USD từ thuốc Wellbutrin...

“GSK chỉ phải chi ra 3 tỷ USD tiền bồi thường cho hơn 10 năm bán thuốc là quá rẻ, giống như chi phí kinh doanh mà thôi”, ông Patrick Burns, người phát ngôn của Tổ chức chống gian lận Taxpayers Against Fraud (TAF) của Mỹ bình luận.           

Theo Trung Hiếu
ĐTCK

huongnt

Trở lên trên