MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nên quá lo lắng về ảnh hưởng của khủng hoảng nợ Dubai

29-11-2009 - 17:03 PM | Tài chính quốc tế

Khoản nợ của Dubai dù lớn nhưng là nhỏ nếu so với mức thiệt hại của ngành tài chính thế giới năm qua. Hơn thế nữa, tiềm lực tài chính các chủ nợ của Dubai đã tốt hơn.

Những người đứng đầu Dubai đã nhiều tháng nay lờ đi những lo lắng về tập đoàn đầu tư nhà nước Dubai World.

Ông Sheik Mohammad bin Rashid al-Maktoum, trong một buổi họp báo gần đây tuyên bố: “Chúng tôi không lo lắng.” Dù trên thực tế tổng giá trị các khoản nợ của Dubai tương đương ít nhất 100% GDP và có thể ở gần mốc 125% GDP.

Khi nhiều chuyên gia chỉ trích Dubai không có kế hoạch thiết thực để trả nợ, ông quát họ: “Câm mồm.” Ngày thứ Năm, khi chính phủ Dubai thông báo đang cố gắng hoãn trả nợ, không khí hết sức căng thẳng.

Quá nhiều nhà đầu tư trong tâm trạng lo lắng đã cố gắng kết nối với các trái chủ của Nakheel – một công ty bất động sản thuộc sở hữu của Dubai World, đường dây kết nối đã bị sập.

Vụ việc Dubai ngay lập tức khiến cả thế giới lo lắng về một thời kỳ bất ổn mới của ngành tài chính trên khắp toàn cầu. Các chỉ số chứng khoán trượt dốc, chi phí bảo đảm ngăn khả năng vỡ nợ của Dubai tăng lên, đồng USD mạnh lên bởi nhà đầu tư tìm đến đồng USD như một sự cầu cứu.

Phiên giao dịch chiều ngày thứ Sáu, thị trường chứng khoán thế giới phần nào hồi phục bởi các chuyên gia phân tích xem xét lại việc Dubai xin hoãn trả nợ có ý nghĩa như thế nào.

Tổng số nợ 80 tỷ USD của Dubai có thể là nhiều thế nhưng trong bối cảnh năm vừa qua, con số này không phải lớn. Và trong khi các ngân hàng như HSBC hay Barclays hiện đang nắm khoản nợ hàng tỷ USD tại Dubai, khả năng tài chính của họ cũng tốt hơn so với 1 năm trước đây vì thế cú sốc hiện nay đối với họ không phải quá lớn.

Những vấn đề hiện nay của Dubai bắt nguồn chính từ tham vọng của nước này. Dubai không có nguồn tài nguyên năng lượng lớn và vì thế cố gắng phát triển thành trung tâm kinh tế, giao thông và là trung tâm của những công trình bất động sản lớn, hiện đại nhất.

Để thu hút nhà đầu tư, Dubai quảng bá đến thế giới hình ảnh một thiên đường miễn thuế cho tầng lớp giàu và trung lưu của thế giới. Những người hoạch định chính sách của Dubai phát triển những công trình kiến trúc đồ sộ: tòa nhà cao nhất thế giới, cụm đảo hình cây cọ với những hòn đảo trên biển do con người tự xây dựng nên.

Thế nhưng khi thị trường thế giới sụp đổ vào năm ngoái, thị trường Dubai không thể là ngoại lệ, công ty bất động sản Nakheel cố gắng hoàn thành các dự án và trả tiền cho các công ty cung cấp.

Những người đầu cơ rời bỏ Dubai, hàng chục ngàn người nước ngoài nhập cư và người địa phương, người đã từng mang giấc mơ sở hữu bất động sản tại Dubai, bị bỏ lại với hàng chục căn chung cư và ngôi nhà chưa được hoàn thiện, không thể ở cũng không thể bán. Giá bất động sản chỉ trong 1 năm qua đã giảm tới 50% và ghi nhận mức giảm sâu nhất so với các thị trường bất động sản trên thế giới.

Tháng 2/2009, quốc gia láng giềng Abu Dhabi đã dành cho “người anh em” trong UAE này 10 tỷ USD. Lần này, Abu Dhabi sẽ có thể tiếp tục ra tay và chắc chắn điều kiện đi kèm sẽ là tiếng nói lớn hơn trong cách điều hành tập đoàn Dubai World.

Từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu, kinh tế nhóm nước vùng Vịnh có phần biến chuyển tốt hơn khu vực khác trên thế giới. Nguyên nhân của điều này không chỉ bởi khu vực Trung Đông chưa hội nhập với thị trường tài chính toàn cầu như các thị trường khác, yếu tố làm nên tăng trưởng kinh tế khu vực còn bởi giá dầu đã tăng trở lại sau khi giảm vào năm ngoái.

Không giống Dubai, những nền kinh tế dầu lửa khác thuộc Trung Đông vững mạnh hơn trong thời kỳ những năm bùng nổ, họ dành nhiều tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, xây dựng các tổ chức văn hóa và có dự trữ tiền mặt lớn dự phòng cho những khi kinh tế khó khăn.

Theo Dân trí/Time


ngocdiep

Trở lên trên