MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khúc khải hoàn từ chỗ chết

25-12-2012 - 11:57 AM | Tài chính quốc tế

Dan Loeb và quỹ đầu cơ Third Point của ông thu về 500 triệu USD nhờ đặt cược vào đất nước khốn khổ mang tên Hy Lạp. Third Point đại thắng nhờ đâu?

Dan Loeb vụt sáng trên phố Wall sau khi thu về cho khách hàng 500 triệu USD từ thỏa thuận bán lại trái phiếu cho chính phủ Hy Lạp. Hàng chục quỹ đầu cơ đã sạt nghiệp vì Hy Lạp, nhưng quỹ Third Point của Loeb thì không.

Vụ đầu cơ trái phiếu Hy Lạp kể trên là chiến thắng huy hoàng nhất của giới đầu cơ trong suốt hai năm qua. Một số nhà đầu tư đã lời gấp đôi khi mà phần lớn các nhà quản lý quỹ phải vật lộn với thị trường mà lợi nhuận chẳng bao nhiêu.

Ai dám “liều”, thường là “chết”. John Paulson, người từng nổi tiếng với vụ bán khống cả thị trường nhà đất Mỹ và thu lời hàng tỷ USD, năm nay mất cả vài trăm triệu vì bán khống trái phiếu Đức.

Nhưng canh bạc Hy Lạp lại khác, những ai dám đặt cửa Athens đều thắng đậm.

“Giờ nhìn lại thì thấy đó là chuyện đương nhiên,” Hans Humes, nhà sáng lập Greylok Capital, một trong những quỹ đầu tiên đầu tư vào trái phiếu Hy Lạp, nhớ lại. “Nhưng lúc đó chúng tôi còn bị chế nhạo. Hồi tháng 6 khi tôi nói đây chính là lúc mua vào trái phiếu Hy Lạp, người ta cười ầm lên. Họ bị dọa nhiều nên sợ quá rồi.”

Khách hàng của Greylock năm nay kiếm được 30% lợi nhuận, cao gấp 6 lần so với mức trung bình ngành quỹ đầu cơ.

Third Point là người đến sau, nhưng quỹ này đầu tư mạnh tay hơn.

Với những ai đã quen với phong cách của Loeb, đây không phải điều bất ngờ. Giống như phần lớn các nhà quản lý quỹ khác, năm 2008 Loeb cũng mất tiền, nhưng vụ Hy Lạp lần này đã phục hồi danh tiếng chuyên đánh mạnh, đánh lớn suốt hai thập kỷ qua của ông.

Cuộc tiếp xúc giá trị

Các tít báo hầu như chỉ nhắc tới Loeb, nhưng Third Point không phải quỹ duy nhất kiếm bẫm trong vụ này. Một nhóm 15 nhà phân tích các quỹ đầu cơ khác đã tới Hy Lạp ngày 20/09 để tham dự một buổi hội thảo đầu tư do công ty môi giới Exotix tổ chức.

Trong chương trình, họ sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp lớn nhất Hy Lạp, cơ quan quản lý nợ và các quan chức hàng đầu chính phủ, bao gồm hai nhân vật quyền lực nhất là Bộ trường Phát triển Kostis Hatzidakis và Thứ trưởng Tài chính Christos Staikouras.

Sau những cuộc gặp này, nhiều nhà phân tích đã trở về sàn giao dịch tại London và New York với một suy nghĩ khác: Cái đất nước cùng khổ đang bị cả cộng đồng đầu tư quốc tế bỏ rơi này hóa ra lại là một cơ hội đầu tư lớn.

Sự thực là cuối mùa hè năm nay, nội các và giới ngân hàng Hy Lạp phát cuồng lên vì chuyến thăm của các nhà quản lý quỹ đầu cơ.

Chính sách của chính phủ liên minh cánh hữu là đồng ý tiếp cận với mọi nhà đầu tư, kể cả các quỹ đầu cơ. Đây là bước chuyển to lớn so với chính phủ tiền nhiệm, vốn luôn mạnh miệng lên án “lũ đầu cơ độc ác”.

Third Point nằm trong số những quỹ tới Athens đầu tiên, và bắt đầu tìm mua trái phiếu Hy Lạp trong hai tháng 7 và 8.

Quỹ đã để mắt tới Hy Lạp từ lâu nhưng các nhà phân tích vẫn phân vân không biết trái phiếu sẽ giảm đến đâu sau đợt tái cơ cấu nợ hồi tháng 3.

Khi tin đồn Hy Lạp sẽ rời khu vực đồng tiền chung Châu Âu (“Eurozone”) rộ lên, giá trái phiếu liên tục giảm.

Thật là kỳ lạ. “Chưa bao giờ tái cơ cấu nợ chính phủ mà nợ mới phát hành lại có giá thấp hơn nợ phát hành từ trước,” CEO Julian Adams của quỹ đầu cơ thị trường mới nổi Adelante Asset Management phát biểu. Quỹ này cũng thu lời lớn trong vụ đầu cơ trái phiếu này. “Sự kiện này sẽ đi vào lịch sử tái cơ cấu nợ với tư cách một trong những vụ quái lạ nhất.”

Với Third Point, chính cuộc tiếp xúc này với chính phủ Hy Lạp là yếu tố quyết định. Ấn tượng của họ là Thủ tướng Antonis Samaras đang thực hiện một kế hoạch giống hệt như Bồ Đào Nha và không ai nhắc đến chuyện rời eurozone.

Xuống tiền

Khi Third Point bắt đầu tìm mua trái phiếu Hy Lạp vào mùa hè năm nay, không thiếu người bán. Các ngân hàng Châu Âu, đặc biệt là Pháp, đang bán tống bán tháo. Rút cục, quỹ của Loeb mua được trái phiếu với giá trung bình chỉ bằng 17% mệnh giá.

Chậm mà chắc, giá trái phiếu Hy Lạp bắt đầu tăng nhờ các quỹ đầu cơ dần để mắt tới loại tài sản này.

Chính phủ Hy Lạp hỗ trợ thêm cho đà tăng khi liên tục úp mở về khả năng mua lại trái phiếu. Giải pháp này cũng từng được giới quản lý quỹ rất ủng hộ khi thảo luận với chính phủ nước này.

Khi giải pháp mua lại trái phiếu dần trở nên khả thi, các tay chơi lớn hơn trong giới quản lý quỹ đủ tự tin để nhập cuộc. Trong số đó có Moore Capital, một trong những tên tuổi đáng nể nhất nhưng cũng bí ẩn nhất trong số các quỹ đầu cơ “vĩ mô”. Moore xuống tiền mạnh trong mùa thu.

Ngày 05/12, các quỹ đầu cơ nghe được tin họ vẫn chờ đợi. Bên lề một hội thảo đầu tư do Phòng Thương mại công nghiệp Mỹ tại Hy Lạp tổ chức, Thủ tướng Samaras đã gặp một nhóm nhỏ các nhà đầu tư.

Chính phủ hé lộ kế hoạch mua lại trái phiếu trị giá lên tới 10 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là: Giá bao nhiêu?

Ban đầu các quỹ đầu cơ lo ngại giá sẽ quá thấp, nhưng họ nói thẳng với Thủ tướng Samaras là nếu thế họ sẽ không tham gia. Họ nhận được lời bảo đảm rằng giá tối thiểu sẽ vào khoảng 30% mệnh giá.

Khi thương vụ này kết thúc, chính phủ Hy Lạp mua lại nợ với giá trung bình chưa đến 34% mệnh giá, đủ để Third Point kiếm lời gấp đôi.

Quỹ này đã bán ra phần lớn, nhưng chưa phải tất cả. Third Point nay tự tin vào khả năng Hy Lạp phục hồi tới mức họ vẫn nắm giữ một lượng lớn trái phiếu nước này.

Những người biết về quỹ này đều nói chuyến viếng thăm tới Hy Lạp không giúp Third Point có thông tin nội gián, nhưng họ đã có đủ thông tin để đánh giá được môi trường đầu tư Hy Lạp.

Các nhà phân tích tại Third Point cho rằng nếu chính phủ Hy Lạp làm đúng như kế hoạch, trái phiếu nước này sẽ còn tăng thêm 40% nữa.

“Dù bạn có nhìn từ góc độ nào, vụ Hy Lạp vẫn cứ là vụ đầu cơ tốt nhất hiện nay,” CEO quỹ Dromeaus Capital, ông Achilles Risvas, nói. Quỹ này đang dự tính sẽ thu lời lớn nếu Hy Lạp phục hồi.

Câu hỏi lớn hiện nay có lẽ là vì sao nhiều quỹ đầu cơ khác lại bỏ lỡ cơ hội này đến thế. “Người ta dành thời gian cố tỏ ra thông minh nhiều hơn là thời gian để kiếm tiền,” CEO Humes của quỹ Greylock phát biểu.

Minh Tuấn

tuannm

FT

Trở lên trên