MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng chính trị đẩy nền kinh tế Thái Lan tụt lùi

08-01-2014 - 22:38 PM | Tài chính quốc tế

Bất ổn chính trị tại Thái Lan đang tác động đến nền kinh tế nước này và nhiều chuyên gia tỏ ý lo ngại về những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2014.

Ngày 3/1, đồng baht đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2010, với tỷ giá 32,98 baht/USD. 

Cùng ngày, chỉ số SET của thị trường chứng khoán Thái Lan cũng giảm 5,23% xuống 1.230,77 điểm, mức thấp nhất trong hơn một năm. 

Trước tình hình này, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kittirat Na Ranong đã lên tiếng cảnh báo về tình hình kinh tế ngày một xấu đi của Xứ chùa Vàng, trong bối cảnh phe đối lập tiếp tục biểu tình đòi lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. 

Lún sâu vào khủng hoảng 

Sau khi tiến hành nhiều cuộc biểu tình, mới đây, phe đối lập tại Thái Lan ra tuyên bố sẽ thực thi hành động "phong tỏa Bangkok." Theo đó, phe biểu tình chống chính phủ dự kiến sẽ phong tỏa các địa điểm quan trọng ở thủ đô Bangkok, ngăn cản các quan chức chính phủ tới công sở, cắt điện, nước ở các cơ quan trung ương cũng như tư dinh của Thủ tướng Yingluck và Nội các của bà. 

Theo ước tính, những hành động này sẽ gây thiệt hại kinh tế lên tới 200 tỷ bath. Rõ ràng, Thái Lan đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng chính trị bất chấp những nỗ lực của bà Yingluck muốn dẹp yên sự bất ổn bằng việc tổ chức bầu cử, dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới. 

Pichai Nariphthanpan, một trong những người có trách nhiệm của đảng cầm quyền Vì nước Thái, cảnh báo nếu Bangkok bị "phong tỏa," đầu tư nước ngoài vốn đã xuống thấp sẽ tiếp tục giảm. 

Dẫn số liệu của Bangkok Post, ông Pichai cho biết tháng 12/2013 các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán ra khoảng 200 tỷ baht cổ phiếu. 

Trên thị trường tiền tệ, đồng nội tệ của Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây, trong bối cảnh nhà đầu tư tháo chạy trên thị trường chứng khoán Thái Lan do lo ngại bất ổn chính trị sẽ kéo dài. 

Một số chuyên gia kinh tế dự đoán đồng baht sẽ tiếp tục yếu đi trong thời gian tới với yếu tố chi phối mạnh nhất là chính trị. Theo ước tính, khủng hoảng chính trị đã làm nền kinh tế Thái thiệt hại 70 tỷ baht. 

Phó Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan Tanit Sorat cũng bày tỏ lo ngại, nếu thủ đô bị phong tỏa, các hoạt động ngân hàng, thương mại và du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội du lịch Thái Lan, lượng khách du lịch đã giảm hơn 20% do những bất ổn chính trị hiện nay ở nước này. 

Những hình ảnh về biểu tình, bất ổn trên đường phố và việc sử dụng hơi cay cũng như vòi rồng để giải tán người biểu tình đã khiến khách du lịch xa lánh đất nước này. 

Số liệu thống kê cho thấy có tới 400.000 khách hủy các chuyến du lịch Thái Lan thời gian qua. Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan dự báo lượng khách du lịch tới nước này sẽ tiếp tục giảm, nếu các cuộc biểu tình chống chính phủ còn kéo dài.

Năm nay, Thái Lan dự kiến chỉ đón được khoảng 26 triệu lượt du khách, thấp hơn mục tiêu 28 triệu lượt. Doanh thu dự kiến cũng chỉ đạt khoảng từ 1.150 tỷ baht đến 1.170 tỷ baht, thấp hơn mức mục tiêu 1.300 tỷ baht. 

Triển vọng xanh hay xám? 

Bế tắc chính trị tại Thái Lan đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại về sự tác động của cuộc khủng hoảng này đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2014.

Theo một số dự báo, nếu cuộc khủng hoảng chính trị vẫn tiếp diễn, Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc lại những quyết định của họ trước khi đổ tiền của vào Thái Lan. 

Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) Prasarn Trairatvorakul cho rằng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nếu xuất hiện khoảng trống quyền lực, khiến cho việc phân bổ ngân sách gặp khó khăn. 

Nếu không thành lập được một chính phủ mới vào năm tới, việc triển khai chính sách phát triển kinh tế sẽ bị tác động tiêu cực. 

Chính phủ tạm quyền hiện bị hạn chế trong những quyết định giải ngân quan trọng, như dự án phát triển hạ tầng cơ sở trị giá hơn 2.000 tỷ baht. 

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cảnh báo nếu khủng hoảng tiếp diễn, kể cả sau cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 2/2014, nền kinh tế Thái Lan sẽ chịu hậu quả, đồng thời làm xói mòn lòng tin của giới đầu tư. 

Hãng này đặt câu hỏi: Nền kinh tế sẽ ra sao nếu chính phủ mới không thể hoạt động sau khi đã nhậm chức? Mặc dù hoạt động kinh tế có thể tiếp tục bất chấp các cuộc biểu tình, nhưng vấn đề lớn hơn là liệu xung đột chính trị có thể giúp kinh tế tăng trưởng hay không? 

Những tranh cãi hiện nay khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng có một chính phủ mới theo lịch trình. 

Trong khi đó, Ngân hàng Bangkok dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn có thể đạt khoảng 4-4,5%, bởi động lực phát triển vẫn là xuất khẩu và dự kiến xuất khẩu sẽ tăng dần trong năm 2014 nhờ sự hồi phục của nền kinh tế thế giới. 

Theo ngân hàng lớn nhất Thái Lan này, đầu tư công sẽ mất nhiều thời gian và trong giai đoạn đầu chỉ là những khoản đầu tư nhỏ. Do vậy, đầu tư công bị chậm trễ do tình hình chính trị bất ổn song các khoản đầu tư tư nhân lớn sẽ không bị ngưng trệ. 

Trong kịch bản lạc quan nhất, Thái Lan sẽ có một chính phủ mới, kinh tế có thể tăng trưởng 3% trong sáu tháng đầu năm và bật tăng trong sáu tháng cuối năm nếu mọi bất đồng chính trị hiện nay được giải quyết. 

Trong trường hợp bế tắc chính trị vẫn chưa được giải quyết, song lĩnh vực xuất khẩu vẫn "làm ăn tốt", mức tăng trưởng có thể là 2,5%. 

Ở trường hợp tồi tệ nhất, chính phủ không được thành lập trong nửa đầu năm tới và xuất khẩu cũng không thuận lợi, tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ đạt 0,5%. 

huongnt

Theo TTXVN

Trở lên trên