MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng kinh tế Ấn Độ đang lây lan khắp Đông Nam Á

23-08-2013 - 08:23 AM | Tài chính quốc tế

Giống như Ấn Độ, giá tiêu dùng tăng vọt, đồng tiền yếu đi, GDP sụt giảm, gánh nặng trước sự đảo chiều dòng vốn là tình hình chung mà một số nước Đông Nam Á đang phải hứng chịu.

Đối với những ai đang theo dõi biến động kinh tế ở Ấn Độ, hẳn công thức sau đã trở nên quen thuộc đến đáng buồn: thâm hụt tài khoản vãng lai cao kỷ lục, đồng tiền yếu đi, lạm phát nhảy vọt, thị trường chứng khoán tuột dốc.

Công thức gây ra cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ nay đã lây lan sang Indonesia. Tuần qua chính quyền Jakarta vừa công bố giá tiêu dùng trong tháng nhảy vọt 8,6%. Do kinh tế Trung Quốc suy thoái, lượng cầu than, cầu dầu dừa và những mặt hàng xuất khẩu khác của Indonesia đang đình trệ khiến cán cân nước này mất cân bằng trầm trọng. Indonesia đang đối mặt với thâm hụt tài khoản vãng lai trong suốt bảy quý vừa qua. Ngày 16 tháng 8, ngân hàng Trung Ương thông báo lượng thâm hụt đã chạm mức 9,8 tỉ USD. Đây là khoản thâm hụt lớn nhất của Indonesia, tương đương với 4,4% GDP trong nước.

Các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu Đông Nam Á đang khá lo lắng trước những điều tương tự từng xảy ra ở Ấn Độ. Chung số phận với Rupee, đồng Rupiah của Indonesia cũng đang chênh vênh không kém. Ngày 19/8, đồng Rupiah tụt xuống mức thấp nhất trong vòng bốn năm còn 10.500 Rp/USD. Chỉ số chuẩn so sánh Jakarta Composite Index giảm 5,6%, mức giảm cao hơn 30% so với trung bình tháng trước, đồng thời mất 8% giá trị trong hai ngày trước đó. Từ đầu tháng Bảy, thị trường tuột dốc 10%, đây là diễn biến tồi tệ nhất trong số 94 chỉ số toàn cầu xếp hạng bởi Bloomberg.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia không phải là nước duy nhất hứng chịu rắc rội. Tin xấu còn xuất hiện cả ở Bangkok khi các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy Thái Lan đang bắt đầu rơi vào suy thoái. So với ba tháng đầu, trong quý này GDP Thái Lan đã co lại 0,3%. Đây là lần sụt giảm thứ hai liên tiếp mà Thái Lan trải qua, giống như người hàng xóm Indonesia đang trầy trật vì lượng cầu Trung Quốc suy giảm.

Các nền kinh tế châu Á còn phải hứng chịu khó khăn khi các nhà đầu tư quốc tế chuẩn bị cho thời kỳ chính sách nới lỏng định lượng của FED kết thúc. Chưa rõ bao giờ FED sẽ cho giảm chính sách và giảm bao nhiêu, nhưng những thị trường mới nổi như Ấn Độ và Indonesia đang cảm nhận rõ áp lực khi các nhà đầu tư lục đục rút tiền về Hoa Kỳ. Nhà kinh tế Stephen Schawartz, Weiwei Liu và George Xu đến từ BBVA Research viết trong một bản báo cáo: "Trong số các nền kinh tế Đông Nam Á, Indonesia và Ấn Độ đang phải gánh chịu sự đảo chiều dòng vốn trước khi chính sách nới lỏng định lượng giảm dần. Các yếu tố trong nước còn khiến tình hình trầm trọng hơn".

Chính phủ Ấn Độ và ngân hàng Trung Ương đã công bố các biện pháp hỗ trợ đồng Rupee nhưng các nhà đầu tư vẫn không mấy ấn tượng khi vừa qua, đồng Rupee lại tiếp tục rơi xuống mức thấp hơn là 62,8 so với đô la. Ba nhà kinh tế tại BBVA viết: "Xét về tương lai, những cải cách cơ cấu mạnh bạo hơn như tự do hóa giá xăng dầu, cải cách giải phóng mặt bằng mạnh mẽ; tăng giới hạn đầu tư nước ngoài trong bảo hiểm; quản lý lương hưu và các ngành công nghiệp dược phẩm là những điều rất quan trọng để vực dậy đồng Rupee và lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư.

Thùy An

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên