MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng lương thực càn quét châu Á

27-03-2008 - 10:44 AM | Tài chính quốc tế

Nhiều người dân tại châu Á đang phải quay lại tình trạng nghèo đói mà họ mới thoát khỏi cách đây không lâu, quả là “ngày vui ngắn chẳng tày gang”.

Giá gạo tăng cao và trữ lượng gạo giảm dần đang khiến người dân khắp châu Á hết sức lo lắng. Tại Philippin, tình hình không sản xuất đủ gạo để tiêu thụ nhiều khả năng sẽ gây ra nhiều bất ổn.

Trang nhất các báo tại Manila – Philippin gần đây đều mang nội dung chính là cuộc khủng hoảng lương thực sắp xảy ra, các nhà hoạch định chính sách đau đầu tìm giải pháp. Nông dân tại Thái Lan trong thời gian gần đây khi chưa kịp vui vẻ về việc giá gạo tăng cao đã phải lo lắng thuê người canh các ruộng lúa để ngăn tình trạng mất trộm gạo.

Thủ tướng của Philippin, bà Arroyo, vào tháng trước đã chính thức đề nghị Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, giúp đỡ để bảo đảm lượng cung gạo cho nước này. Hai nước này đã ký hiệp định hợp tác ngày 26/03 để giải quyết vấn đề trên. Việt Nam và Ấn Độ mới đây đã thống nhất giảm bớt lượng xuất khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa và chặn bớt đà tăng giá lương thực tại hai nước này.

Điều này sẽ khiến một số nước nhập khẩu gạo tại châu Phi cũng như châu Á sẽ không thể có đủ gạo cho người dân của mình. Tình trạng khan hiếm lương thực là không thể tránh khỏi.

Cho tới một vài năm trước đây, tình hình sản xuất và mùa màng thuận lợi đã tạo nên thành công vang dội trong xuất khẩu lương thực, xóa đói giảm nghèo và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi dân số châu Á bùng nổ.

Tuy nhiên tình hình không thuận lợi gần đây trong việc sản xuất gạo đã khiến trữ lượng thực phẩm của thế giới đang ở mức thấp nhất từ năm 1970. Giá gạo tăng cao đang đẩy nhiều người dân vừa thoát nghèo quay trở lại tình trạng cùng cực hơn xưa. Nhiều cuộc bạo loạn chết người vì thực phẩm đã nổ ra ở Ai Cập và Cameroon.

Một trong những nguyên nhân đẩy giá lương thực lên là giá dầu, bởi nó tác động đến giá phân bón cũng như phí vận chuyển. Nhu cầu tăng về thịt và sữa ở các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ cũng khiến giá ngũ cốc tăng.

Tính đến cuối năm vừa rồi, 37 quốc gia đã lâm vào khủng hoảng lương thực, 20 nước khác áp đặt các hình thức kiểm soát giá thực phẩm. Đây quả là một thảm họa. Chương trình Lương thực thế giới hiện thiếu 500 triệu USD để mua đồ ăn cho 89 triệu người cần cấp bách.

Tại Ai Cập, giá bánh mì tăng 35%, dầu ăn 26%, chính phủ quyết định cắt trợ cấp lương thực và chuyển thành tiền mặt tài trợ cho những người thực sự cần thiết. Nhưng kế hoạch này bị hủy do sự tức giận phản đối của người dân.

Tại Trung Quốc, giá tăng vọt vừa là gánh nặng vừa là cơ hội kiếm tiền cho một số người. Sáu tháng trước, anh Zhou Jian quyết định bỏ nghề bán phụ tùng ôtô để chuyển sang bán thịt lợn. Giá thịt tăng 58% kể từ năm ngoái, nhưng các cửa hàng thực phẩm ở Thượng Hải mỗi sáng vẫn đông đúc các bà nội trợ.

Điều kiện địa lý và thời tiết đang ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất lương thực trên toàn thế giới. Một nguyên nhân khác đó là khả năng lãnh đạo của các chính phủ. Một ví dụ lớn nhất đó là Myanmar, trước đây nước này là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và còn sản xuất lượng lương thực dư thừa cho nhu cầu trong nước. Tuy nhiên điều này hiện nay không còn nữa.

Tổ chức Lương - Nông thế giới cho rằng tình trạng giá lương thực đắt đỏ sẽ còn kéo dài ít nhất 10 năm và các quốc gia nghèo nhất vẫn là nơi ẩn náu nguy cơ đói lớn nhất. Nhiều cuộc bạo loạn chết người vì thực phẩm đã nổ ra ở Ai Cập và Cameroon.

Một chuyên gia của Viện Nghiên Cứu Gạo Quốc Tế nhận định một trong những nguyên nhân chính khiến ngành sản xuất thực phẩm châu Á tăng trưởng nhanh trước đây chính là cuộc cách mang Xanh vào những năm 1960.

Tuy nhiên trong những năm gần đây khi việc nghiên cứu nông nghiệp, tuới tiêu và biện pháp hỗ trợ người nông dân không còn được chú trọng. Tình trạng mất đất sản xuất nông nghiệp, chất lượng đất, nước và nhân công trong nông nghiệp đã khiến tình trạng thiếu lương thực xảy ra trên toàn châu Á.

Và theo ông, châu Á cần một cuộc cách mạng Xanh mới nếu không muốn người dân châu lục này sống trong tình trạng thiếu thực phẩm trầm trọng.

Ngọc Diệp
Tổng hợp

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên