MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng nhà đất Mỹ là gì?

26-04-2008 - 12:21 PM | Tài chính quốc tế

Khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn (subprime mortgage crisis) là tên một đợt rối loạn tài chính xảy ra ở Mỹ từ 7/2007 và đang lan ra toàn cầu.

Đợt rối loạn này cho đến nay chưa được dập tắt tuy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã dùng nhiều biện pháp để tăng tính thanh khoản trên thị trường tín dụng.

Cuộc khủng hoảng này có nguyên nhân từ sự xẹp hơi của bong bóng thị trường nhà ở của Mỹ. Thị trường nhà ở của Mỹ phát triển thành bong bóng từ năm 2001. Người Mỹ tích cực đi vay mua nhà ở cho dù lãi suất các khoản vay đã được đẩy lên rất cao vào những năm 2004–2005. Khi tình hình kinh tế khó khăn, giá nhà hạ mạnh. Từ cuối năm 2005, bong bóng nhà ở bắt đầu xẹp hơi.

Năm 2007, sự điều chỉnh của thị trường nhà ở kéo dài hơn và ảnh hưởng tiêu cực cũng lớn hơn so với dự tính hồi cuối năm 2005 đầu 2006. Các cá nhân gặp khó khăn trong việc trả nợ. Nhiều tổ chức tín dụng cho vay mua nhà gặp khó khăn vì không thu hồi được nợ.

Khi nền kinh tế hoạt động không hiệu quả, lãi suất tăng tạo nên gánh nặng trả nợ với những người thu nhập thấp, thất nghiệp gia tăng thì rủi ro cho vay nợ dưới chuẩn bị ảnh hưởng nhanh nhất.

Không trả được nợ, hàng loạt người mua nhà bị xiết nợ và phát mại tài sản. Cleveland (Ohio) là thành phố đầu tiên châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lan rộng ra toàn nước Mỹ và thế giới. Theo số liệu thống kê, khoảng 1/10 số nhà tại Cleveland bị thu hồi để phát mại. Những người nhập cư với giấc mơ mua nhà lại trở về tay trắng. Giá nhà tại Mỹ giảm thảm hại trong Qúy 3 năm 2007, mức tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1930.

Một số tổ chức tín dụng của Mỹ như New Century Financial Corporation phải tuyên bố phá sản. Một số khác thì rơi vào tình trạng cổ phiếu của mình mất giá mạnh như Countrywide Financial Corporation. Nhiều người gửi tiền ở các tổ chức tín dụng này đã lo sợ và đến rút tiền khiến cho các tổ chức đó càng thêm khó khăn. Nguy cơ khan hiếm tín dụng hình thành.

Từ Mỹ, rối loạn này lan sang các nước khác. Ở Anh quốc, ngân hàng Northern Rock bị chao đảo vì người gửi tiền xếp hàng đòi rút tiền gửi của mình ra. Sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ đang lan ra và trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Giá nhà đất trên khắp thế giới hạ, từ miền quê của Ireland, miền bờ biển Tây Ban Nha cho đến vịnh Baltic cũng như một số vùng phía Bắc Ấn Độ.

Tình hình nhà đất đi xuống trên khắp thế giới hiện đang ảnh hưởng đến kinh tế cũng như tăng tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước. Tại Ireland, Tây Ban Nha và Anh, giá nhà đất sau khi tăng cao trong thập kỷ qua hiện đang sụt giảm mạnh. Nhiều chuyên gia dự báo một số nước sẽ phải trải qua thời kỳ giá nhà đất điều chỉnh xuống còn mạnh hơn tại Mỹ. Tất cả những hiện tượng trên sẽ tạo ra xu hướng giá nhà đất sụt giảm trên toàn cầu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tiến hành các biện pháp nhằm tăng mức độ thanh khoản của thị trường tín dụng chẳng hạn như thực hiện nghiệp vụ thị trường mở mua vào các loại công trái Mỹ, trái phiếu cơ quan chính phủ Mỹ và trái phiếu cơ quan chính phủ Mỹ đảm bảo theo tín dụng nhà ở.

Bắt đầu từ ngày 18/09/2007, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành giảm lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng để cứu thị trường, tổng mức cắt giảm cho đến nay là 3%, mức lãi suất hiện nay là 2,25%.

Đồng thời chính phủ Mỹ đã tiến hành một thông qua kế hoạch hoàn thuế cho người dân để kích thích tăng trưởng tiêu dùng trị giá 152 tỷ USD. Thị trường tiêu dùng đóng góp tới 70% cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Kế hoạch này dự kiến sẽ được bắt đầu tiến hành vào thứ Hai tuần tới, ngày 28/04, tổng số tiền hoàn thuế đợt này là 50 tỷ USD cho đến cuối tháng Năm. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, kế hoạch này dự kiến sẽ không mang lại nhiều hiệu quả bởi người dân sẽ ngay lập tức dùng khoản tiền hoàn thuế để chi trả các hóa đơn điện, nước hoặc trả lãi ngân hàng. Tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay không cho phép họ nghĩ nhiều đến tiêu dùng.

Như vậy tính đến thời điểm này, cuộc khủng hoảng của thị trường nhà đất Mỹ vẫn chưa qua đi, nhiều khả năng thị trường sẽ chỉ phục hồi trở lại vào đầu năm 2009.

Ngọc Diệp
Tổng hợp từ CNN, Bloomberg, NyTimes

ngocdiep

Trở lên trên