MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Khủng hoảng nhận diện" của Apple

23-04-2013 - 19:27 PM | Tài chính quốc tế

Thực sự thì Apple là một công ty phần cứng hay phần mềm?

Apple chuẩn bị báo cáo kết quả kinh doanh quý I và nhiều nhà phân tích dự báo “quả táo cắn dở” sẽ có quý suy giảm đầu tiên trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Trong khi đó, diễn biến của cổ phiếu Apple trong thời gian gần đây không mấy tốt đẹp: 280 tỷ USD vốn hóa thị trường đã bốc hơi kể từ khi đạt đỉnh 702,10 USD/cổ phiếu vào tháng 9 năm ngoái. 

Phần lớn những lo lắng của nhà đầu tư có nguyên nhân xuất phát từ việc phố Wall đánh giá Apple là một công ty sản xuất phần cứng truyền thống. Và, một nhóm các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư cho rằng rõ ràng là Apple nên được đánh giá theo góc nhìn khác: một “đứa con lai” giữa phần cứng và phần mềm. 

Góc nhìn ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của Apple? Nếu như Apple tiếp tục được nhìn nhận là công ty kinh doanh phần cứng, vận may của Apple – vốn được dẫn dắt bởi các sản phẩm như iPhone và iPad – có thể biến mất ngay lập tức nếu như smartphone và máy tính bảng trở nên thông dụng và cuối cùng thì thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi. Bài học này có thể được rút ra từ RIM - nhà sản xuất dòng điện thoại BlackBerry đã bị Apple vượt mặt. 

Trong khi đó, nếu Apple được đánh giá là một nhà sản xuất kết hợp phần cứng và phần mềm, cách định giá sẽ giống với các công ty sản xuất phần mềm. Các công ty này thường có tỷ lệ P/E cao hơn so với các công ty phần cứng. 

Theo Katy Huberty - chuyên gia phân tích đến từ Morgan Stanley - thị trường đang nhìn nhận Apple như một công ty phần cứng gắn chặt với vòng đời sản phẩm, dẫn đến hệ quả là doanh thu và lợi nhuận có xu hướng biến động mạnh. Tuy nhiên, quan điểm đó là chưa hoàn thiện. Người tiêu dùng mua sản phẩm của Apple là bởi thương hiệu này đem lại nhiều tiện ích, giống như Amazon.com hay NetApp.

Nhìn nhận Apple là một công ty sản xuất phần cứng, tỷ lệ P/E của Apple – hãng kiếm được khoảng 13 tỷ USD lợi nhuận trong quý kết thúc vào tháng 12 năm ngoái – là 8,6. Trong khi đó, HP – hãng sản xuất máy tính chỉ có lợi nhuận 1,2 tỷ USD trong cùng kỳ - có tỷ lệ P/E là 5,6. Dell – công ty đang gặp rắc rối và buộc phải “bán mình” – có tỷ lệ P/E ở mức 8,5. 

Hệ số biên lợi nhuận gộp (gross margin) – thước đo quan trọng về khả năng tạo tiền của doanh nghiệp - của Apple vào khoảng 40%. Đây là con số cao gần gấp đôi so với HP và Dell. 

Apple có rất nhiều đặc điểm khác biệt so với các công ty sản xuất phần cứng khác. Hàng năm, khách hàng đều nâng cấp sản phẩm Apple. Trong khi đó, một chiếc máy tính có chu kỳ nâng cấp lên tới 4 năm. 

Trong khi HP và Dell cố gắng tăng cường các sản phẩm phục vụ giới doanh nhân, hệ điều hành của Apple và phần mềm iTunes đã trở nên phổ biến. Apple có tới hơn 500 triệu tài khoản đăng kí trên App Store. Apple ghi nhận doanh thu 3,7 tỷ USD từ iTunes, phần mềm và các dịch vụ khác. 

CEO Tim Cook của Apple cũng đã lobby phố Wall để thay đổi quan điểm của nhà đầu tư. Trong hội nghị nhà đầu tư được tổ chức trong tháng 2, Cook đã phát biểu “bởi vì chúng tôi không phải là một công ty phần cứng, chúng tôi có những cách khác để kiếm tiền và thưởng cho cổ đông”. Ông còn bổ sung thêm rằng mối quan hệ của công ty với khách hàng không chấm dứt khi sản phẩm được bán ra mà đó mới là khởi đầu.

Tuy nhiên, quan điểm của nhà đầu tư thay đổi không thể đặt dấu chấm hết cho những rắc rối mà Apple gặp phải. Lịch sử cho thấy các công ty sản xuất phần cứng vươn lên vị trí dẫn đầu thông qua phần mềm thường có tương lai không bền vững. Ví dụ, Sony đã thua cuộc trước Apple khi Walkman không thể cạnh tranh iTunes và iPod. RIM cũng gặp phải tình trạng tương tự. 

Giờ đây, một số người nhận định đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Google có thể làm điều tương tự với các dịch vụ trực tuyến của Apple. Đồng thời, trong khi người dùng vẫn trung thành với Apple (80 – 90% số người được hỏi cho biết chiếc điện thoại tiếp theo của họ sẽ là iPhone), có vẻ như mọi thứ sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới. 

Rất nhiều nhà phân tích tin rằng sản phẩm gây tiếng vang tiếp theo của Apple sẽ liên quan đến dịch vụ thanh toán. Tuy nhiên, kết quả sẽ chỉ đến trong một vài năm tới và Apple đang phải chịu áp lực buộc phải tăng lợi nhuận. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

Trở lên trên