MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng, nỗi sợ và lỗi giao dịch tạo ra sự hoảng loạn

07-05-2010 - 14:51 PM | Tài chính quốc tế

Một nhóm nhà đầu tư hoảng loạn, một cuộc khủng hoảng Hy Lạp và một lỗi giao dịch. Cộng với đó là sự tự mãn của Ngân hàng Trung ương châu Âu, hoảng loạn là tất yếu.

Sự kết hợp của tất cả những yếu tố trên đã khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones có ngày giao dịch tệ hại chưa từng có trong lịch sử thị trường tài chính thế giới.

Ở thời điểm xấu nhất, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới gần 1 nghìn điểm còn đồng euro rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm.

Thị trường chứng khoán nhóm nước đang phát triển cũng giảm sâu dù nền kinh tế nhóm nước này đang trong quá trình tăng trưởng nhanh. Tại thị trường nhóm nước phát triển, nỗi sợ mới về sự suy thoái trở lại.

Dù một phần nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sâu trong phiên hôm qua có liên quan đến lỗi giao dịch, thế nhưng thực tế giá chứng khoán đã giảm từ trước đó.

Có vẻ như nhà đầu tư ngày một ngại ngần trong việc sở hữu các loại tài sản có độ rủi ro cao như chứng khoán và trái phiếu, đặc biệt ở thời điểm hiện nay giá các loại tài sản trên đã đắt hơn rất nhiều so với cách đây vài tháng.

Đà phục hồi của kinh tế toàn cầu có thể bị cản trở.

Suốt 14 tháng qua, giá các loại tài sản có độ rủi ro cao trên toàn thế giới đã tăng nhanh. Sự phục hồi bắt đầu từ điểm đáy vào tháng 3/2009 ở đỉnh cao khủng hoảng Hy Lạp, sự đi lên gần đây phản ánh sự phục hồi của hoạt động kinh tế. Các công ty sản xuất tại nhiều nước công bố số lượng đơn đặt hàng tăng dần.

Có thể nói cuộc suy thoái gần đây bắt nguồn từ Mỹ nhưng xét trên phương diện rộng hơn, cũng không phải từ Mỹ.

Nếu chính thị trường thế chấp dưới chuẩn và sự thừa mứa về tín dụng đẩy thị trường đi xuống, cũng là chính phủ Mỹ, Cục dự trữ liên bang sẵn sàng và mạnh tay bơm tiền không hạn chế khi nỗi sợ ở mức đỉnh cao để giúp hồi sinh các thị trường và đưa hoạt động kinh tế trở lại trạng thái bình thường.

Nhiều tháng qua, những nỗi lo lắng về khả năng khủng hoảng tiếp theo sẽ diễn ra tại châu Âu có lúc lên cao rồi lại giảm đi. Hy Lạp đương đầu với khả năng vỡ nợ. Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lập kế hoạch giải cứu. Tại Hy Lạp, người ta phản đối mạnh mẽ về những biện pháp thắt chặt chi tiêu của chính phủ nước này.

Ngày thứ Năm, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết hội đồng đứng đầu ngân hàng này thậm chí chưa hề bàn đến khả năng mua trái phiếu chính phủ các nước. Nhà đầu tư thất vọng vì họ đã quá tin tưởng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiếp bước FED trong việc cung cấp thanh khoản dồi dào nếu mọi chuyện trở nên tệ hại hơn.

Trên thực tế, người ta lo sợ nhiều hơn về khả năng tại châu Âu Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha sẽ tiếp bước Hy Lạp hoặc kịch bản tiền khủng hoảng năm 2007 tại Mỹ lặp lại khi các quan chức liên tục trấn an rằng những vấn đề trên thị trường thế chấp dưới chuẩn đang được kiểm soát tốt, họ không đưa ra hành động mạnh tay nào để ngăn sự hoảng loạn. Suy thoái kinh tế tài chính đến như một tất yếu.

Đỉnh cao hoảng loạn đã đến sau giờ ăn trưa. Ban đầu, các đồng tiền giảm giá sâu, đồng euro giảm mạnh nhất.

Đây có thể là chỉ báo về việc một số nhà đầu tư lớn đang rời thị trường. Bao lâu nay, người ta thường vay đồng yên ở mức lãi suất thấp và sau đó dùng tiền đầu tư vào các loại tiền tệ có lợi suất cao hơn.

Sau đó, chỉ trong vài phút, thị trường chứng khoán Mỹ dường như sụp đổ. Một phân phản ánh diễn biến thực trên thị trường, một phần khác là bởi giao dịch đã bị lỗi.

Cổ phiếu Procter & Gamble và 3M “tuột dốc” khiến Dow Jones mất hơn 300 điểm. Tương tự, cổ phiếu công ty tư vấn lớn Acceture giảm từ 40USD/cổ phiếu xuống 1 xu/cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch, Dow Jones giảm 347,80USD/cổ phiếu tương đương 3,2% xuống 10.520,32 điểm.

Chỉ số chính của thị trường châu Âu và châu Á đồng loạt giảm điểm. Tại Hy Lạp, tuy nhiên, thị trường chứng khoán hồi phục nhẹ sau khi xuống mức thấp nhất trong 13 tháng vào ngày thứ Tư.

Châu Âu thực ra cũng có cái khó riêng trong việc giải quyết khủng hoảng tại đây. Ngân hàng Trung ương châu Âu, ngân hàng điều tiết chính sách tài khóa của 16 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, có ít quyền lực hơn FED và không có chính phủ chung nào của châu Âu để hành động nhanh gọn.

Ngay cả sau nhiều tháng đối thoại, gói giải cứu Hy Lạp vẫn chưa nhận được sự ủng hộ cần thiết. Phải đến thứ Sáu này, Đức mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Hơn nữa, khủng hoảng tại Mỹ bùng phát trước khi ngân sách nước này thâm hụt nặng nề. Nói đến việc giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ một số nước châu Âu, chủ tịch ECB khẳng định điều này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Việc chi tiêu lượng tiền khủng khiếp để cứu chính phủ các nước châu Âu sẽ không được cử tri nhiều nước châu Âu chấp nhận nhưng nếu không làm như vậy, nhiều tổ chức tài chính châu Âu sẽ khốn đốn.

Cách thông thường để giảm nợ là hạ giá đồng tiền. Nhóm nước khu vực đồng tiền chung châu Âu với một đồng euro thống nhất không thể làm như vậy. Hy Lạp gặp khó cũng vì thế.

Một số nhà đầu tư hy vọng cuối cùng lạm phát sẽ giúp giải quyết phần nào vấn đề nợ nần.

Hiện chưa thể biết liệu những sự hoảng loạn của tuần này có dẹp sang một bên khi thêm nhiều thông tin kinh tế tốt được công bố hay liệu những vấn đề tại châu Âu có thể tạo ra sự hoảng sợ đã nhấn chính thị trường Mỹ cách đây không lâu.

Thị trường có thể chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Mùa thu năm 2008, vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers khiến nhà đầu tư hoảng sợ. Mùa xuân sau đó, kỳ vọng vào những gói giải cứu đẩy thị trường tăng điểm mạnh.

Thị trường quá lạc quan vào năm 2006 và lại quá bi quan vào đầu năm 2009.

Thị trường như vậy nhiều khi quá kém trong việc đánh giá các loại tài sản trong một số trường hợp.




Ngọc Diệp
Theo Dân Trí/Nytimes


ngocdiep

Trở lên trên