MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng sẽ vẽ lại ranh giới giữa chính phủ và thị trường

15-10-2008 - 16:35 PM | Tài chính quốc tế

Lịch sử dạy chúng ta một bài học quan trọng: những quyết định kịp thời và mạnh tay của chính phủ sẽ giảm bớt chi phí phát sinh và tác động đối với nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng những năm 1930 đang vẽ lại những biên giới giữa chính phủ và các trường. Và cuối cùng, sau khi khủng hoảng qua đi, mọi thứ có được đặt về đúng vị trí của nó?

Sau khi thị trường chứng khoán đổ vỡ vào tháng 10/1929, phải mất hơn 3 năm chính phủ Mỹ mới triển khai một loạt những nỗ lực mạnh mẽ để chấm dứt thời kỳ Đại khủng hoảng, khởi động với tuyên bố của tổng thống Roosevelt cho các ngân hàng ngưng hoạt động 4 ngày vào tháng 3/1933.  

Trong thời kỳ này, người Mỹ đã chứng kiến sự sụp đổ nền kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Hàng ngàn ngân hàng phá sản, tỉ lệ giảm phát bắt đầu bước vào mức phá hủy, sản lượng của nền kinh tế giảm 1/3 và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25%. Cuộc đại khủng hoảng gây ra những tổn thương to lớn trên toàn cầu, nhưng trên tất cả là sự tổn thương tận gốc rễ tinh thần của nền kinh tế Mỹ. Sau đó, ranh giới giữa chính phủ và thị trường đã được vẽ lại.

Hơn một năm sau khi cơn bão tài chính chính thức bắt đầu vào tháng 8/2007, chính phủ Mỹ can thiệp mạnh tay chưa từng có vào thị trường từ năm 1930. Vào thời điểm đó, vẫn chưa chắc chắn rằng nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức 6,1%.

 

Trong hai tuần biến động, FED và Bộ Tài Chính quốc hữu hóa hai công ty cho vay thế chấp lớn nhất là Fannie Mae và Freddie Mac, tiếp quản tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Mỹ AIG; nâng mức trần bảo hiểm tiền gửi, tạm thời cấm bán khống trên đối với khoảng 900 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và cụ thể, dùng 700 tỷ USD mua lại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. FED và Bộ Tài Chính quyết tâm ngăn sự sụp đổ tệ  hại nhất của ngành ngân hàng.

 

Ngành tài chính Mỹ chứng kiến sự thay đổi lớn. Mô hình ngân hàng đầu tư độc lập trên phố Wall nay đã không còn. Ngân hàng Lehman Brothers đã phá sản, ngân hàng Bear Stearns đã buộc phải bán lại cho các ngân hàng thương mại. Chính Goldman Sachs và Morgan Stanley đã chuyển sang mô hình tập đoàn ngân hàng (kết hợp giữa hình thức hoạt động của ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại).

 

Thị trường tiền tệ, những người môi giới chứng khoán, quỹ đầu cơ và nhiều tổ chức tài chính phi ngân hàng khác đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Chỉ chưa đến 3 tuần tại chính phủ Mỹ, tổng lượng nợ lên tới khoảng hơn 1 nghìn tỷ USD, gấp đôi chi phí của cuộc chiến tại Iraq.

 

Cuối tháng 9, hỗn loạn trên thị trường tăng cao. Thị trường tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu khi các ngân hàng từ chối cho vay. 5 ngân hàng châu Âu sụp đổ và chính phủ châu Âu phải tiến hành mọi biện pháp để bảo đảm và ứng cứu cho các ngân hàng.

 

Khủng hoảng có nguyên nhân từ bong bóng nhà đất và tín dụng lớn nhất trong lịch sử. Giá nhà đất của Mỹ, tính theo mức trung bình, đã giảm 1/5. Nhiều nhà phân tích cho rằng giá nhà đất sẽ hạ thêm 10% nữa, xuống gần mức trong thời Đại Khủng Hoảng. Giá nhà đất của một số nước khác trên thực tế sẽ còn hạ nhiều.

 

Tại Anh, giá nhà đất tăng nhanh hơn và cho đến nay giảm chậm hơn.

 

Thua lỗ tín dụng nhà đất vẫn tiếp tục tăng cao. Trong tính toán mới nhất, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) cảnh báo thua lỗ toàn cầu do khủng hoảng tín dụng từ Mỹ sẽ có thể lên tới 1,4 nghìn tỷ USD, cao hơn so với dự đoán trước đây của tổ chức này là 945 tỷ USD vào tháng 4/2008.

 

Phần lớn các nước giàu trên thế giới hiện đang suy thoái, nguyên nhân phần lớn vì tín dụng thắt chặt và giá dầu tăng cao hồi đầu năm. Sản lượng đang giảm xuống tại Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản. Nếu tính đến tốc độ mất việc và sự đi xuống của chi tiêu tiêu dùng, kinh tế Mỹ cũng đang đi xuống.

 

Tuy nhiên lịch sử dạy chúng ta một bài học quan trọng: những quyết định từ kịp thời và mạnh tay của chính phủ, dù quyết định đó là cấp vốn cho các ngân hàng hay mua lại các khoản nợ xấu, sẽ giảm thiểu chi phí sau này và tác động đối với nền kinh tế.

 

Ví dụ như trước đây Thụy Điển nhanh chóng tiếp quản các ngân hàng sau khi thị trường nhà đất bùng nổ vào đầu thập niên 1990 và sau đó ngành ngân hàng đã hồi phục nhanh chóng. Ngược lại, Nhật Bản mất đến một thập kỷ để hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính, kinh phí phục hồi đất nước khỏi khủng hoảng chiếm tới 24% GDP.

 

Cho đến nay, chính phủ Mỹ đã dành 7% GDP để giải quyết cuộc khủng hoảng, đây là một số tiền lớn, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn mức trung bình 16% GDP.

 

Hiện nay vẫn có lý do để lạc quan. Sự đi lên mạnh mẽ của những nước đang phát triển tạo nên một đối trọng quan trọng, tiêu biểu nhất là Trung Quốc. Nền kinh tế của các nước này cũng chịu tác động nhất định từ biến động tại các nước giàu. Thị trường chứng khoán các nước này sụt giảm mạnh và đồng nội tệ mất giá.

 

Nhu cầu tiêu dùng tại phần lớn các nước đang phát triển đang chững lại. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF)  dự báo nền kinh tế các nước đang phát triển, đứng đầu là Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2008 và 6,1% trong năm 2009. Mức tăng trưởng trên dù khá tốt song không đủ để cứu thế giới khỏi suy thoái.

 

Giá hàng hóa hạ, tỷ lệ lạm phát hiện tại các nước giàu đang dịu bớt, ít nhất là trong ngắn hạn. Nếu giá dầu đứng ở mức hiện nay, tỷ lệ lạm phát toàn phần tại Mỹ sẽ rơi xuống dưới mức 1% vào giữa năm sau. Thay vì lo lắng về lạm phát, các nhà hoạch định chính sách nên tính đến ngăn chặn nguy cơ giảm phát.

 

Vấn đề ở chỗ thặng dư tài khoản vãng lai của Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ nước ngoài. USD có lợi thế là loại tiền tệ chính được dùng làm dự trữ trên thế giới. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng hiện nay là phép thử đối với nền tảng tạo nên lòng tin vào USD. Nếu người nước ngoài tháo chạy khỏi USD, nước Mỹ sẽ gặp phải khủng hoảng kép: khủng hoảng ngành ngân hàng và tiền tệ. Sự sụp đổ của USD, nếu xảy ra, sẽ là một thảm họa.

 

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hiện nay đối với kinh tế toàn cầu như thế nào? Việc dự đoán về hậu quả của một cuộc khủng hoảng khi nó chưa kết thúc không phải là điều hợp lý. Rõ ràng rằng ngay cả khi thảm họa trên không xảy ra, hướng toàn cầu hóa cũng sẽ thay đổi. Khi toàn cầu hóa lan rộng, vai trò của thị trường đã lớn hơn các chính phủ. Quá trình này đang bị đảo ngược theo 3 cách.

 

Đầu tiên, ngành tài chính phương Tây sẽ được điều tiết lại. Ít nhất, khu vực tự do nhất của tài chính hiện đại là thị trường tín dụng trị giá 55 nghìn tỷ USD sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Cuộc Đại Khủng Hoảng sẽ không chỉ làm cấu trúc của ngành tài chính Mỹ thay đổi mà còn có tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế.

 

Sự cân bằng giữa chính phủ và thị trường sẽ thay đổi trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ là tài chính. Đối với nhiều nước, việc giá cả hàng hóa tăng cao là một cú sốc trong vài năm qua. Giá cả tăng vọt vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008 gây biến động lớn tại 30 nước.

 

Để phản ứng lại, chính phủ nhiều nước mở rộng chương trình hỗ trợ, tăng trợ cấp, cố định giá cả, cấm xuất khẩu các loại hàng hóa chủ chốt và tại Ấn Độ, hạn chế giao dịch kỳ hạn. Sự lo lắng về an ninh lương thực, đặc biệt tại Trung Quốc và Ấn Độ là một trong những lý do chính tại sao vòng đàm phán Doha thất bại trong mùa hè này.

 

Tương lai của tài chính thế giới cũng sẽ thay đổi do các nước mới nổi đang làm thay đổi  hướng đi của thương mại toàn cầu. Điều này rất đúng với những nước giàu vốn như Trung Quốc.

 

Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên