MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng tài chính thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

09-04-2009 - 10:51 AM | Tài chính quốc tế

Trong khủng hoảng, người nghèo chịu ít tác động hơn người giàu bởi họ không sở hữu quá nhiều tài sản. Chênh lệch giàu nghèo có phần giảm bớt.

30 năm gần đây là khoảng thời gian tuyệt vời đối với người giàu. Công việc kinh doanh của họ gặt hái nhiều thành công. Giá cổ phiếu và bất động sản tăng mạnh. Người làm việc trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng hay quỹ đầu cơ (hedge fund) nhận những khoản thưởng lớn.

Thu nhập của người bình thường tăng lên, người giàu cũng kiếm được nhiều tiền hơn. 90% dân số thế giới bị bỏ lại đằng sau nhóm 10% người giàu và phần lớn trong nhóm 10% này tụt lại so với 1% những người siêu giàu.

Có nhiều nguyên nhân đằng sau sự bất bình đẳng này. Thập niên 1980, tầng lớp người nghèo ngày một thua thiệt so với tầng lớp trung lưu. Từ thập niên 1990, tầng lớp trung lưu tụt hậu. Cả hai tầng lớp này ngày một thua kém so với tầng lớp quý tộc.

Từ năm 1947 đến 1979, mức lương của 0,1% người giàu nhất Mỹ trung bình cao hơn 20 lần so với 90% người nghèo nhất xã hội. Đến năm 2006, con số này đã lên tới 77 lần.

Năm 1979, 34,2% số tiền kiếm được vào túi 1% dân số, năm 2005, tỷ lệ đó là 65,3%.

Tất cả những hiện tượng trên diễn ra trong khoảng thời gian thu nhập thực của người lao động Mỹ sụt giảm (dù giá trị danh nghĩa của khoản bảo hiểm y tế tăng nhanh). Năm 2007, theo Cơ quan thống kê Mỹ, thu nhập trung bình của một nam lao động là 45.113USD, thấp hơn mức 45.879USD (giá trị quy đổi theo tỷ giá năm 2007) của năm 1978.

Trong suốt 29 năm đó, chưa bao giờ thu nhập trung bình của một nam lao động lên tới mức 46.000USD. Các gia đình vẫn xoay xở được cho cuộc sống của họ bởi số lượng phụ nữ đi làm tăng lên (thu nhập thực tế của nữ lao động tăng), ngoài ra các gia đình có thể vay được tiền để tiêu dùng.

Công cụ thông thường để tính toán về sự bất bình đẳng là hệ số Gini. Hệ số này càng cao, xã hội càng thiếu công bằng.

Hệ số Gini thường được sử dụng để biểu thị mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân. Số 0 tượng trưng cho sự bình đẳng thu nhập tuyệt đối (mọi người đều có cùng một mức thu nhập), số 1 tượng trưng cho sự bất bình đẳng thu nhập tuyệt đối (một người có toàn bộ thu nhập, trong khi tất cả mọi người khác không có thu nhập).

Hệ số Gini cũng được dùng để biểu thị mức độ chênh lệch về giàu nghèo. Khi sử dụng hệ số Gini trong trường hợp này, điều kiện yêu cầu phải thỏa mãn không tồn tại cá nhân nào có thu nhập ròng âm.

Tại Mỹ, hệ số này tăng đều đặn từ mức 0,395 năm 1974 lên mức 0,47 năm 2006 và sau đó hạ nhẹ xuống mức 0,463 năm 2007. Tại Anh, theo Viện nghiên cứu tài chính, hệ số Gini năm 1979 là 0,25 và năm 2006 lên tới 0,35.

Theo Liên hợp quốc, hệ số Gini của Mỹ thấp hơn nhiều nước đang phát triển nhưng cao hơn so với nước theo chủ nghĩa quân bình như Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển. Hệ số này có tăng nhưng không đáng kể.

Sự bất bình đẳng tăng cao như vậy ngược lại hẳn so với thời kỳ trước. Từ thập niên 1930 đến 1970, sự bất bình đẳng về tài sản tại các nước phát triển giảm đi phần nào. Tuy nhiên giữa hai sự kiện trên, sự kiện nào được cho là bất thường: khoảng thời gian thuế tăng cao ban đầu và sự can thiệp ngày một sâu của nhà nước vào nền kinh tế, hay sự mất công bằng tăng cao trong suốt 30 năm qua?

Bình thường và bất bình thường

Cải cách của Ronald Reagan và Thatcher

Ngày 4 tháng 5 năm 1979, Thatcher trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh với sự ủy nhiệm của cử tri nhằm đảo ngược tình trạng suy thoái kinh tế của đất nước cũng như thu nhỏ vai trò của nhà nước trong các chức trách về kinh tế. 

Thatcher là hình ảnh biểu trưng cho các chính trị gia cánh hữu hoạt động năng nổ trong Đảng Bảo thủ, với chủ trương phát triển tính độc lập cá nhân và hạn chế sự can thiệp của chính quyền.

Lập trường của Thatcher về kinh tế và chính trị tập chú vào việc giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước, mở rộng thị trường tự do, và phát triển doanh nghiệp. Bà cam kết chấm dứt điều bà cho là sự can thiệp thái quá của chính phủ vào nền kinh tế, và sẽ hành động để tư hữu hóa các doanh nghiệp quốc doanh, và bán nhà công cho người thuê mướn. 

Triết lý sống của Thatcher có nhiều điểm tương đồng với Ronald Reagan, người đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 1980 và, ở mức độ thấp hơn, với Brian Mulroney, người được bầu làm Thủ tướng Canada năm 1984.  

Thatcher mở đầu chính sách kinh tế bằng cách nâng lãi suất nhằm kìm hãm mức gia tăng nguồn cung ứng tiền tệ, nhờ đó làm giảm mức lạm phát. Bà thích sử dụng các biện pháp đánh thuế gián tiếp trên thuế lợi tức, và nâng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) lên đến 15%, gây khó khăn cho các doanh nghiệp – đặc biệt là khu vực sản xuất – chỉ số thất nghiệp vượt quá hai triệu, gấp đôi con số một triệu trong chính phủ Lao động tiền nhiệm.

Bao lâu nay, trong xã hội luôn có người giàu và người nghèo. Ngay cả như vậy, cũng cần có một lý giải cho những gì đã xảy ra trong thập niên 1980 và cho việc tại sao bất bình đẳng xã hội tại một số nước lại tăng lên nhanh hơn so với nhiều nước khác. Mức độ chênh lệch giàu nghèo tại Mỹ và Anh khác rất nhiều so với các nước khác.

Điều này khiến một số lời giải thích cho việc bất bình đẳng tăng cao có phần chưa thỏa đáng. Người ta viện dẫn đến công nghệ - thứ có lợi cho những công nhân nào biết ứng dụng nó. Nền kinh tế các nước Bắc Âu đã có công nghệ rất tốt ví như Phần Lan, quê hương của Nokia.

Thay đổi về công nghệ có thể là lời lý giải tại sao công nhân thiếu tay nghề để mất việc làm vào tay những lao động giỏi hơn. Thế nhưng điều này không đủ để giải thích tại sao trong nhóm thu nhập cao nhất, khoảng cách cũng ngày một rộng ra, có 0,1% nhóm người thu nhập cao vượt trội hơn so với tất cả những người còn lại.

Khi mức thuế cao được áp dụng thịnh hành vào thập niên 1970 được bãi bỏ, người giàu lại càng giàu hơn. Thế nhưng công trình nghiên cứu của hai học giả Thomas Piketty và Emmanuel Saez cho thấy sự bất bình đẳng thể hiện cả ở thu nhập trước và sau thuế. Vậy tại sao ban đầu chính phủ lại đưa ra mức thuế này?

Thập niên 1970, mô hình phát triển kinh tế thời kỳ hậu chiến chịu ảnh hưởng từ việc lạm phát tăng cao và cú sốc giá dầu mỏ. Yếu tố này dọn đường cho cải cách của thời kỳ cựu Tổng thống Ronald Reagan và cựu Tổng thống Anh Magaret Thatcher.

Khi sự bất bình đẳng giảm bớt, nghiên cứu của Robert Gordon và Ian Dew Becker viện dẫn đến việc công đoàn thương mại giảm xuống chỉ còn 14% vào năm 2005 so với 27% năm 1979. Công đoàn thương mại giảm, các nhà hoạch định chính sách chấp thuận mức thuế thấp và giảm điều tiết.

Các đảng phái chính trị không còn phụ thuộc vào đóng góp từ các công đoàn. Thay vào đó, họ phải “chăm chút” cho những người giàu với quyền hạn ngày một lớn. Nghiên cứu vào cuối thập niên 1990 cho thấy khoảng 81% người đóng góp cho hoạt động chính trị kiếm được hơn 100 nghìn USD/năm, chỉ 5% trong số này kiếm được ít hơn 50 nghìn USD/năm.

Khi chính trường phương Tây ngày một chuộng xu thế thị trường tự do, người nghèo ngày càng nhận ra sự thật, họ hiểu họ không nhiều sự lựa chọn đối với các chính sách kinh tế. Vì thế họ kém hào hứng bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử.

Chính trị rõ ràng không phải là yếu tố duy nhất. Nhiều người sẽ viện dẫn đến toàn cầu hòa, đặc biệt là khi thị trường Ấn Độ và Trung Quốc ngày một mạnh lên, lực lượng lao động toàn cầu đông đảo hơn, nguồn cung sức lao động tăng, mức lương đối với lao động không có tay nghề chịu áp lực giảm. Nghiên cứu cho thấy đây không phải là yếu tố lớn làm giảm lương của lao động không có tay nghề những năm gần đây.

Toàn cầu hóa có thể là nguyên nhân đằng sau một số thay đổi ở nhóm lao động cao cấp nhất xã hội. Nhu cầu của thị trường toàn cầu đối với nhân lực chất lượng cao ngành ngân hàng, luật có thể giải thích tại sao nhóm 0,1% nhận được nhiều ưu đãi đến như vậy.

Lợi nhuận từ lĩnh vực tài chính đóng góp ngày một nhiều lợi nhuận cho thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian từ thập niên 1980 đến năm 2006. Tỷ lệ chấp thuận nợ cao hơn cho phép công ty chứng khoán và quỹ đầu cơ đặt cược và kiếm lời khi giá tài sản tăng lên bằng tiền vay, đây là một cách làm giàu nhanh chóng khi mọi chuyện trên thị trường diễn ra êm xuôi.

Nhiều người dám chấp nhận rủi ro và hy vọng rằng người khác sẽ phải chịu hậu quả cho những gì họ làm khi có vấn đề xảy ra. Việc các Ngân hàng Trung ương sẵn sàng hạ lãi suất để cứu thị trường tài chính chỉ khiến tham vọng đầu cơ tăng lên.

Học giả Messrs Gordon và Dew-Becker đề cập đến sự phát triển ngày một nhiều của những thị trường lao động đẳng cấp trong đó những người tài yêu cầu trả lương rất cao. Ví dụ điển hình nhất có thể thấy trong lĩnh vực giải trí và thể thao.

Khi tên tuổi và tài năng đã được thừa nhận, thu nhập của siêu sao như Madonna hay David Beckham tăng chóng mặt, những cái tên này đủ khiến công chúng tán thưởng, doanh số hàng lưu niệm và nhiều khoản doanh thu khác tăng vọt.

Trên thị trường tài chính, những ai làm chủ được các công cụ tài chính tinh vi (chẳng hạn như phái sinh) phát triển chóng mặt trong thời kỳ tự do hóa, cũng đã kiếm được nhiều tiền.

Hiệu ứng hào quang (the halo effect)

Một nhóm hưởng lợi khác chính là giám đốc điều hành. Đây là một phạm trù khác, họ hưởng lợi từ quyền mua cổ phiếu tại Mỹ, vì thế họ thu lợi nhiều trong suốt thời kỳ thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh thập niên 1980 và 1990. Messrs Gordon và Dew-Becker không chắc chắn liệu số tài sản lớn mà các giám đốc điều hành có được là nhờ tài năng của họ hay khả năng kiểm soát ban giám đốc và vì thế nhận được nhiều quyền lợi.

Một số giám đốc điều hành có uy tín lớn vì thế ban giám đốc sẽ cho họ “tắm” trong khoản lương thưởng lớn ngay cả khi có một người khác năng lực tương đương nhưng kém nổi tiếng hơn sẵn sàng làm công việc tương tự với mức lương thấp hơn rất nhiều.

Một điều ám ảnh các giám đốc điều hành là nỗi lo sợ tăng những khoản lương thưởng lớn sẽ khiến giới truyền thông phẫn nộ. Vì thế, người ta có thể dùng nhiều cách che giấu những khoản tiền kếch xù này bằng việc tăng số quyền chọn cổ phiếu, hạn chế thưởng và phúc lợi.

Bất bình đẳng trong xã hội

Bỏ qua những vấn đề về đạo đức, liệu việc bất bình đẳng có mang lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào không? Thập niên 1970, người ta tranh luận về việc liệu mức thuế cao có làm chững lại đà tăng trưởng kinh tế. Các doanh nhân cần phải nhận được hỗ trợ để mở rộng công việc kinh doanh và tạo ra công ăn việc làm. Các chuyên gia kinh tế lại không tìm thấy sự tương quan nào giữa sự bất bình đẳng với tăng trưởng kinh tế các nước.

Nhiều người cho rằng việc bất bình đẳng về thu nhập tăng cao có thể khiến nhiều người đi học đại học hơn, chất lượng lao động vì thế cũng tăng lên. Tuy nhiên giáo sư Lawrence Mishel của viện chính sách kinh tế chỉ ra ở một số nước chủ nghĩa quân bình phát triển mạnh, tỷ lệ người đi học đại học còn cao hơn tại Mỹ.

Người ủng hộ sự bất bình đẳng về tài sản cho rằng nếu xã hội có tính linh động cao, con trai, con gái của những người quét dọn cuối cùng có thể vươn lên làm giám đốc điều hành.

Tuy nhiên tại xã hội Anh và Mỹ, phong cách sống của người Ănglo Saxôn phát triển thịnh hành, mối tuơng quan liên thế hệ tồn tại mạnh mẽ nhất, vấn đề vị thế trong xã hội sẽ luôn đi theo hướng “cha truyền con nối”. Mối tương quan này thấp nhất tại những nước theo chủ nghĩa quân bình như Nauy hay Đan Mạch.

Cộng đồng người da đen còn chịu nhiều thiệt thòi hơn. Có tới 42% khả năng một đứa trẻ Mỹ da đen thuộc tầng lớp dưới cùng của xã hội tính theo thu nhập sẽ không thể thoát ra khỏi tầng lớp đó khi nó trưởng thành. Con số này đối với người Mỹ da trắng chỉ là 17%.

Tài năng đã không được tính đến. Khi học hết lớp 8, chỉ có 29% số học sinh đến từ các gia đình thu nhập thấp sẽ học đến đại học trong khi có 74% số trẻ nhà giàu sẽ tiếp tục học bậc đại học. Người giàu có tiền cho con đi học lên cấp cao hơn, người nghèo thì không. Phá vỡ quy luật khắc nghiệt trên của cuộc sống là điều cực kỳ khó.

Người Mỹ có thể đã quen với việc này bởi họ ảo vọng về khả năng thành công của họ. Một nghiên cứu cho thấy chỉ 2% người Mỹ cho rằng hiện nay họ đang giàu nhưng có tới 31% tin họ sẽ giàu. Chỉ 2% đến 3% số người ở tầng lớp dưới cùng của xã hội có cơ hội trở nên giàu có (thu nhập hàng năm khoảng hơn 340 nghìn USD).

Hơn 1 nửa số người Mỹ kiếm được hơn 75 nghìn USD/năm tin họ sẽ trở nên rất giàu có, thực tế cho thấy chỉ 12% đến 17% có thể làm được điều này.

Người ta còn nhìn thấy sự mất cân bằng ngay cả trong sức khỏe của người dân, khoảng cách tuổi thọ giữa 10% người giàu nhất xã hội và 10% người nghèo nhất tăng từ 2,8 năm lên 4,5 năm trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến năm 2000.

Như vậy định nghĩa về một xã hội công bằng của chuyên gia tâm lý học John Rawls không mang tính thực tế. Theo định nghĩa đó, một đứa trẻ sẽ cảm thấy thật hạnh phúc khi đã được sinh ra ngay cả khi nó không biết vị thế xã hội sau này của nó là gì.

May thay, sự mất cân bằng nay đã giảm đi phần nào. Thập kỷ này chứng kiến sự đi xuống thảm hại của thị trường chứng khoán – yếu tố đóng vai trò quan trọng tạo ra của cải. Trong khoảng thời gian 10 năm tính đến hết năm 2008, lợi nhuận thực từ cổ phiếu giảm trung bình 4,1%.

Thời thế thay đổi

Giá nhà đất đang hạ mạnh, nhân viên ngân hàng đầu tư mất việc hàng loạt, bị giảm thưởng, nhà quản lý các quỹ đầu cơ gặp cực kỳ nhiều khó khăn trong kinh doanh. Khi chính sách thắt chặt tín dụng ngày một tệ hại, người ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vay tiền đầu tư để tăng thu nhập. Lợi nhuận doanh nghiệp – nguồn quan trọng đóng góp vào thu nhập của người giàu giảm nhanh chóng.

Chắc chắn khi kinh tế suy thoái, người nghèo cũng khó khăn hơn. Dù họ mất việc và không thể trả được nợ, họ sẽ không gặp nguy khi giá tài sản hạ bởi họ không sở hữu tài sản. Giáo sư Edward Wolff của đại học New York chỉ ra số lượng người Mỹ sở hữu một số loại cổ phiếu tăng từ mức 32% năm 1983 lên 51% năm 2001.

Chỉ 32% người trong nhóm này sở hữu lượng cổ phiếu có giá trị hơn 10 nghìn USD và nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu chịu ảnh hưởng nhẹ khi giá tài sản hạ. 10% người giàu nhất Mỹ sở hữu 85% tất cả các loại cổ phiếu.

Chuyên gia chiến lược Ajay Kapur tại Mirae Asset Management chỉ ra 6 yếu tố đằng sau hiện tượng này: sự tồn tại của chính phủ thân tư bản và chế độ thuế; sự phát triển của các thị trường tài chính phức hợp, sự đổi mới và thiếu điều tiết; nguyên tắc trọng pháp tối cao (the paramount rule of law), tòan cầu hóa; công nghệ mới và bảo về quyền sáng chế.

Một số yếu tố trên đây đã thay đổi do suy thoái kinh tế. Chính phủ đã không còn thân tư bản như trước và khung điều tiết đang được thắt chặt. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế và người đứng đầu các ngân hàng trung ương lập tức thay đổi hệ thống.

Dư luận hiện nay đang giận dữ với những nhà tài phiệt, thâm hụt ngân sách tăng cao, chính phủ sẽ buộc phải tính đến các khỏan thuế đối với người giàu. Tuy nhiên, việc lấy được tiền của họ cũng không phải đơn giản.

Ý niệm Pháp Trị của Trung Hoa (rule by law)

Quan điểm "pháp trị" cổ của Trung Quốc và Thomas Hobbes xem Luật pháp như một công cụ để cai trị, vì họ đặt vai trò của chính quyền ở trên luật pháp; có nghĩa là chính quyền nắm trong tay cả 3 chức năng; vừa làm luật, giải thích và áp dụng luật pháp trong việc cai trị nước.

Nguyên tắc trọng pháp (rule of law)

Đối nghịch với quan điểm dùng pháp luật như một công cụ để cai trị (rule by law) là nguyên tắc thượng tôn pháp luật (rule of law) nhằm giới hạn quyền năng của chính quyền.

Nguyên tắc trọng pháp nhấn mạnh sự bình đẳng của mọi người trước luật pháp. Theo đó, ngoài ý niệm không một ai đứng ở trên pháp luật, nó còn bao hàm ý niệm bình đẳng mà tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, quan điểm chính trị...đều có những quyền hạn tương tự như nhau trước pháp luật. Không một ai được đối đãi khác hơn vì những lý do về địa vị, đặc quyền hay chức tước của họ trong xã hội.



Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên