MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh Olympic: Ai được, ai mất?

22-07-2012 - 10:15 AM | Tài chính quốc tế

Ngân sách mà chính phủ Anh chi cho Olympic London 2012 đã lên tới 9,3 tỷ bảng (tương đương 14,5 tỷ USD) một con số khổng lồ so với mức 2,4 tỷ bảng ước tính ban đầu.

Olympic thế vận hội mùa hè trong hơn 100 năm lịch sử có những quy định khá đặc biệt, ví dụ như không cho phép việc in thêu hình vẽ và logo các nhà tài trợ lên trang phục của các vận động viên tham dự Olympic, không có quảng cáo trong sân vận động, không có bất cứ một biểu tượng hay trang trí phù hiệu nào liên quan đến những nhà tài trợ trên bộ đồ của vận động viên.

Ngân sách mà chính phủ Anh chi cho Olympic London 2012 đã lên tới 9,3 tỷ bảng (tương đương 14,5 tỷ USD) thay vì mức 2,4 tỷ bảng ước tính ban đầu. Trong đó Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đóng góp 4,87 tỷ USD thông qua phí bản quyền phát sóng và phí tài trợ cho chu kỳ thế vận hội 4 năm bao gồm cả thế vận hội mùa đông Vancouver 2010. Ngoài ra ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic London 2012 (LOCOG) đã phải tự huy động 700 triệu bảng từ các nguồn khác như quảng cáo tài trợ, bán vé và bán đồ lưu niệm được cấp phép.

Vậy nước chủ nhà được lợi ích gì khi đứng ra tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này? Trên thực tế, đằng sau những quy định mang tính hình thức là sự ganh đua vô cùng dữ dội giữa các nhà tài trợ để có được lợi ích thương mại tại Olympic.

11 nhà tài trợ toàn cầu (TOP) được gọi là các nhà tài trợ vàng, phải chi một khoản tiền kếch sù cho IOC để có được quyền sử dụng thương hiệu Olympic. Trong đó, mỗi hạng mục thương mại sẽ chỉ có duy nhất 1 nhà tài trợ TOP, ví dụ như Coca-Cola trong hạng mục nước giải khát, Panasonic cho hạng mục tivi và màn hình chiếu…. Mô hình kinh doanh này bắt đầu xuất hiện vào những năm 1980. Trước đó, thế vận hội là sân chơi của một mớ hỗn độn các nhà tài trợ thương mại với quy mô nhỏ.

Giờ đây, IOC chuyển sang bán các hợp đồng giá trị lớn gấp hàng trăm lần và chỉ cho một số ít các nhà tài trợ TOP. Không chỉ có giá trị “khủng”, các thương vụ tài trợ này còn “khủng” về cả quy mô và phạm vi: phải kéo dài ít nhất là 8 năm và trên phạm vi toàn cầu. Giá trị của mỗi hợp đồng được giữ bí mật tuyệt đối nhưng con số tổng được IOC thông báo cho kỳ tổ chức 2009-2012 là 957 triệu USD.

Vậy lý do tại sao những doanh nghiệp này lại sẵn sàng chịu chi như thế? Rõ ràng lợi ích mà họ thu lại được chắc chắn phải lớn gấp nhiều lần con số mà họ bỏ ra.


Một hãng tư vấn đã tiến hành nghiên cứu 51 công ty Mỹ đã chi ra hơn 15 triệu USD mỗi năm để tài trợ trong lĩnh vực thể thao trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2009 và thấy rằng tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty này ở mức 7,8% trong khi mức trung bình của một công ty đại chúng thuộc S & P 500 chỉ là 6,5%/năm.

Thuyết phục hơn nữa, top 16 nhà tài trợ hàng đầu trong số đó trung bình chi khoảng 160 triệu USD/năm cho tài trợ thể thao đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng 22,1%/năm.

Không chỉ hấp dẫn về lợi nhuận, các doanh nghiệp còn nhìn vào những lợi ích vô hình mà Olympic đem lại, ví dụ như khẳng định thương hiệu, gia nhập thị trường toàn cầu và đánh bại đối thủ cạnh tranh…

Hầu hết các nhà tài trợ đẳng cấp hàng đầu như McDonald, Omega, Panasonic hay Procter & Gamble, với khả năng tài chính dồi dào phải chạy đua chi hầu bao cho IOC để có được một suất đứng sáng chói bên cạnh ban tổ chức. Và để gặt hái tối đa những lợi ích của những nhà tài trợ vàng, họ tận dụng từ mỗi giây quảng cáo trên truyền hình đến từng thanh socola bé tẹo mang biểu tượng Olympic ở bất cứ nơi nào trên thế giới để nhắc nhở với thế giới về sự có mặt của họ tại Olympic.

Một nguồn tiền khác mà nước chủ nhà có được cũng khổng lồ không kém, đó là phí bản quyền phát sóng tất cả nội dung Olympic của gần 200 đài truyền hình quốc gia các nước. Con số mà ban tổ chức thu được từ tiền bản quyền truyền hình từ năm 2009 đến 2012 là 3,91 tỷ USD, tăng gấp rưỡi so với mức 2,57 tỷ USD giai đoạn 2005-2008 với sự kiện Olympic Bắc Kinh.

Việc mua bản quyền với cái giá cắt cổ khiến rất nhiều đài truyền hình rơi vào tình trạng thâm hụt nặng bởi số tiền quảng cáo mà họ thu được khi phát sóng nhiều khi chỉ bằng 2/3 giá trị bản quyền. Nói điều đó để thấy rằng ban tổ chức có lợi thế nào từ lĩnh vực này.

Chính phủ của các nước chủ nhà thế vận hội thường tự hào rằng phi vụ đầu tư này sẽ tạo ra khối lợi nhuận lớn cho nền kinh tế. Thủ tướng Anh David Cameron đã hứa hẹn sẽ biến Olympic thành vàng cho nước Anh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ban tổ chức các sự kiện thể thao lớn có xu hướng đánh giá quá cao lợi ích và đánh giá thấp chi phí.

Nên lưu ý rằng Hàn Quốc đã thu hút rất nhiều người hâm mộ bóng đá đến với nước này trong mùa World Cup 2002, nhưng điều đó lại cản trở nhiều khách du lịch không phải fan bóng đá bởi họ muốn tránh một nơi mà chi phí sinh hoạt tăng vọt vì có quá nhiều người, dẫn đến tổng số khách du lịch năm ấy của Hàn Quốc vẫn chỉ tương đương mức mọi năm. Chưa kể rằng, lượng khách du lịch đến với Anh mùa hè này được dự báo sẽ không quá cao bởi bối cảnh kinh tế khó khăn chung khiến nhiều người thắt lưng buộc bụng.

Hồng Liên

hangnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên