MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế học, vì sao nên nỗi? (2)

15-02-2010 - 01:42 AM | Tài chính quốc tế

Các nhà lý thuyết tài chính không chấp nhận giả thuyết thị trường hiệu quả chỉ vì nó đẹp, tiện dụng và có lợi. Họ cũng tiến hành rất nhiều quan sát thống kê có vẻ cực kỳ thuyết phục...

III. NỀN TÀI CHÍNH PANGLOSS

 

(*) Pangloss: nhân vật trong tác phẩm Candice của Voltaire, thường được dùng để chỉ những người lạc quan một cách ngây thơ.

 

Trong thập kỷ 30, vì nhiều lý do hiển nhiên thị trường tài chính không dành được nhiều sự tôn trọng. Keynes từng so sánh nó với “một cuộc thi trong đó những người tham gia phải lựa chọn sáu khuôn mặt đẹp nhất từ hàng trăm tấm ảnh, giải thưởng sẽ được trao cho ai có lựa chọn gần giống nhất với tất cả những người còn lại; vì thế mỗi người tham dự không lựa chọn khuôn mặt nào mình thấy đẹp nhất mà lại chọn khuôn mặt anh ta nghĩ nhiều khả năng sẽ lôi cuốn những người cùng chơi khác nhất.”

 

Và Keynes cho rằng sẽ chẳng phải là ý tưởng hay nếu để những thị trường nơi nhà đầu cơ dành thời gian theo đuôi kẻ khác làm chủ những quyết định kinh doanh quan trọng: “Khi thị trường vốn của một quốc gia trở thành thứ phụ phẩm của một sòng bạc, nó sẽ không thực hiện được chức năng của mình.”

 

Tuy vậy, cho đến khoảng năm 1970, việc nghiên cứu về thị trường tài chính dường như đã rơi vào tay những Tiến sỹ Pangloss trong tác phẩm của Voltaire, những người cho rằng chúng ta đang sống trong thế giới tốt đẹp nhất có thể có. Những tranh luận về sự bất hợp lý của nhà đầu tư, về bong bóng, về những vụ đầu cơ phá hoại gần như biến mất khỏi những buổi trao đổi học thuật.

 

Kinh tế học bị thống trị bởi “giả thuyết thị trường hiệu quả,” do Eugene Fama từ ĐH Chicago đề xướng, theo đó với những thông tin sẵn có, giá trị tài sản trên thị trường tài chính chính là giá trị thực chất của nó. (Ví dụ như giá cổ phiếu của một công ty luôn phản ánh chính xác giá trị của công ty đó với những thông tin sẵn có như lợi nhuận doanh nghiệp, triển vọng kinh doanh,…).

 

Và cho đến những năm 1980, nhiều nhà kinh tế học tài chính, đáng chú ý có Michael Jensen từ Trường Kinh doanh Havard, lập luận rằng vì thị trường tài chính luôn định giá đúng, điều tốt nhất lãnh đạo doanh nghiệp nên làm là tối đa hóa giá trị cổ phiếu của mình, không chỉ vì lợi ích của bản thân họ mà còn của toàn nền kinh tế. Nói cách khác, các nhà kinh tế học tài chính tin rằng chúng ta nên đặt thị trường vốn của quốc gia mình vào tay thứ Keynes đã gọi là “sòng bạc.”

 

Sự chuyển biến trong giới kinh tế này không dựa trên bất kỳ sự kiện thực tế nào. Thực tế, những ký ức về năm 1929 đang phai nhạt dần, thị trường hết tăng lại đến giảm với những câu chuyện truyền kỳ về các vụ đầu cơ quá mức. Ví dụ như trong hai năm 1973-1974, cổ phiếu mất 48% giá trị. Trong vụ sụp đổ 1987, chỉ số Dow mất 23% trong chỉ một ngày mà chẳng rõ nguyên nhân. Ít nhất sau những vụ việc ấy người ta cũng nên có chút nghi ngờ về cái gọi là thị trường hợp lý.

 

Tuy vậy, những sự kiện Keynes đáng lẽ đã lấy làm bằng chứng về sự thiếu tin cậy của thị trường lại chẳng ngăn chặn nổi những ý tưởng đẹp đẽ. Các nhà kinh tế học tài chính đã phát triển một mô hình lý thuyết đẹp một cách hoàn mỹ dựa trên giả định mọi nhà đầu tư đều cân đối một cách hợp lý giữa rủi ro và lợi nhuận, Mô hình Định giá Tài sản Vốn (Capital Asset Pricing Model – CAPM).

 

CAPM không chỉ đưa ra cách chọn lựa danh mục đầu tư, mà quan trọng hơn nó còn cho biết định giá các chứng khoán phái sinh ra sao. Sự đẹp đẽ và có vẻ như rất hữu dụng của lý thuyết này mang lại hàng loạt giải Nobel cho các tác giả của nó, và những người tinh thông lý thuyết này cũng nhận được phần thưởng trần tục hơn một chút: với những mô hình mới trong tay và khả năng toán học siêu đẳng, những giáo sư tầm thường tại các trường kinh doanh có thể vụt trở thành những khoa học gia hàng đầu kiếm bộn tiền tại phố Wall.

 

Công bằng mà nói các nhà lý thuyết tài chính không chấp nhận giả thuyết thị trường hiệu quả chỉ vì nó đẹp, tiện dụng và có lợi. Họ cũng tiến hành rất nhiều quan sát thống kê có vẻ như cực kỳ thuyết phục. Nhưng những thống kê này vô cùng hạn chế. Các nhà kinh tế học tài chính hiếm khi hỏi một câu hỏi dù rất rõ ràng những cũng rất khó trả lời rằng liệu giá tài sản có tương xứng với các yếu tố cơ bản ví dụ như lợi nhuận hay không. Larry Summers, nay là cố vấn kinh tế hàng đầu cho chính quyền Obama, từng chế giễu các nhà kinh tế học tài chính là “các nhà kinh tế học cà chua” “đã chỉ ra rằng một chai nước sốt cà chua 2 quart (đơn vị đo chất lỏng của Anh ) phải được bán với giá gấp đôi chai nước sốt cà chua 1 quart,” rồi đi đến kết luận rằng thị trường nước sốt cà chua hoàn toàn hiệu quả.

 

Nhưng lời chế nhạo ấy hay những phê phán lịch sự hơn từ các nhà kinh tế như Robert Shiller từ ĐH Yale cũng chẳng có mấy tác dụng. Các nhà lý thuyết tài chính vẫn tin rằng mô hình của mình về cơ bản là đúng, và nhiều người nắm quyền lực trong tay cũng vậy. Đặc biệt trong số đó có Alan Greenspan, người sau này là Chủ tịch FED và là đã từ lâu ủng hộ việc bãi bỏ luật lệ của ngành tài chính.

 

Ông không kêu gọi khống chế cho vay dưới chuẩn cũng như phủ nhận sự tồn tại của bong bóng nhà đất với niềm tin rằng các nhà kinh tế học tài chính đã kiểm soát được mọi thứ. Năm 2005, trong buổi lễ tôn vinh nhiệm kỳ của Greenspan tại FED, một người dũng cảm tên là Raghuram Rajan (bất ngờ là ông này đến từ ĐH Chicago) đã công bố một nghiên cứu cảnh báo hệ thống tài chính đang chấp nhận quá nhiều rủi ro tới mức đáng báo động. Ông bị cả hội trường chế nhạo, kể cả Larry Summers cũng gạt lời cảnh báo này đi vì cho rằng nó “sai lầm.”

 

Tuy vậy, đến tháng 10 năm ngoái, chính Greenspan phải thú nhận rằng mình đang ở trong tình trạng “khủng hoảng niềm tin,” vì “tòa lâu đài tri thức trong tôi” đã “sụp đổ.” Vì sự sụp đổ của tòa lâu đài tri thức ấy đi kèm với sự sụp đổ của thị trường trong thế giới thực, kết quả là một cuộc suy thoái nghiêm trọng, cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái.

 

Những nhà hoạch định chính sách nên làm gì? Đáng buồn là kinh tế học vĩ mô đáng lẽ phải đưa ra những lời chỉ dẫn rõ ràng để nền kinh tế thoát khỏi bão tố thì chính nó lại đang rơi vào cơn bĩ cực của chính mình.

 

IV. VẤN ĐỀ VĨ MÔ

“Chúng ta đang vướng phải một mớ bòng bong khủng khiếp, chẳng kiểm soát nổi một cỗ máy quá phức tạp mà ngay đến họat động của nó chúng ta còn chưa tỏ tường. Kết quả là mơ ước làm giàu có thể sẽ biến mất trong một thời gian, có lẽ đó sẽ là một khoảng thời gian rất dài.” John Maynard Keynes đã viết như vậy trong bài tiểu luận nhan đề “Cuộc đại suy thoái 1930,” trong đó ông cố giải thích nguyên nhân của cơn đại nạn đang quét qua thế giới khi ấy. Và đúng là ước mơ làm giàu đã biến mất trong một thời gian quá dài và chỉ Chiến tranh thế giới II mới thực sự chấm dứt được Đại suy thoái.

 

Tại sao ban đầu phân tích của Keynes về Đại suy thoái như một “mớ bòng bong khủng khiếp” lại giàu sức hấp dẫn đến vậy? Và tại sao những nhà kinh tế vào khoảng năm 1975 lại chia rẽ khi đánh giá quan điểm của Keynes?

 

Người viết bài này muốn giải thích bản chất của kinh tế học theo Keynes bằng một câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn, một phiên bản thu nhỏ của mớ bòng bong đang tàn phá nền kinh tế.

 

Lấy ví dụ có một Hợp tác xã trông trẻ Đồi Capitol.

 

Hợp tác xã này là một tổ chức gồm 150 cặp vợ chồng trẻ đồng ý giúp người khác trông con khi họ vắng nhà vào buổi tối. Để đảm bảo mọi cặp vợ chồng đều trông trẻ như nhau, hợp tác xã đưa ra một loại “tiền” là những phiếu làm bằng bìa cứng, mỗi phiếu chứng nhận người cầm nó đã trông trẻ trong vòng nửa giờ. Khi gia nhập hợp tác xã mỗi thành viên nhận được 20 phiếu và sẽ phải trả lại đúng số lượng đó khi rời nhóm.

 

Đáng buồn là hóa ra các thành viên của hợp tác xã đều muốn dự trữ hơn 20 phiếu, có lẽ là để phòng trường hợp muốn đi vắng vài lần. Kết quả là tương đối ít người muốn tiêu “tiền” và đi chơi tối, trong khi nhiều người lại muốn trông trẻ để có thể tiết kiệm được nhiều hơn. Nhưng cơ hội trông trẻ chỉ đến khi có ai đó muốn đi chơi tối, điều đó có nghĩa là khó mà tìm được việc trông trẻ, khiến các thành viên của hợp tác xã này lại càng miễn cưỡng đi chơi tối, việc trông trẻ đã hiếm nay lại càng hiếm hơn.

 

Nói ngắn gọn là hợp tác xã rơi vào suy thoái.

 

Đừng coi câu chuyện này ngu ngốc hay vớ vẩn: kể từ thời Adam Smith ngộ ra gốc rễ của các quá trình kinh tế trong một nhà máy đinh ghim, các nhà kinh tế đã sử dụng các ví dụ quy mô nhỏ để đưa ra lời giải đáp cho những vấn đề to lớn. Câu hỏi đặt ra là liệu ví dụ cụ thể ấy có nói lên bản chất của những gì đang diễn ra trong một cuộc suy thoái, theo đó nguyên nhân của suy thoái là sức cầu không tương xứng hay không có đủ công việc trông trẻ cho tất cả những ai có nhu cầu.

 

40 năm trước đa phần các nhà kinh tế đều đồng tình với cách giải thích này. Nhưng kể từ đó các nhà kinh tế vĩ mô chia thành hai phe: các nhà kinh tế “nước mặn” (saltwater economist, chủ yếu tại các trường ĐH ven biển của Mỹ) dù ít dù nhiều cũng chia sẻ quan điểm của Keynes về suy thoái; và các nhà kinh tế “nước ngọt” (freshwater economist, chủ yếu đến từ các trường trong nội địa) phủ nhận quan điểm trên.

 

Các nhà kinh tế “nước ngọt” về cơ bản là những nhà lý thuyết thuần túy tân cổ điển. Họ tin rằng tất cả các phân tích kinh tế có giá trị phải xuất phát từ giả định cá nhân hiêu quả và thị trường luôn đúng nhưng câu chuyện hợp tác xã trông trẻ lại vi phạm giả định đó. Theo quan điểm của họ, nhìn chung là không thể có chuyện thiếu cầu, vì giá luôn thay đổi để cung tương xứng với cầu. Nếu mọi người muốn nhiều phiếu trông trẻ hơn, giá trị của những phiếu này sẽ tăng lên, vì thế chúng sẽ có giá 40 phút trông trẻ thay vì nửa tiếng chẳng hạn, hay tương ứng với chi phí của một giờ trông trẻ giảm từ 2 xuống 1,5 phiếu.

 

Vấn đề sẽ được giải quyết khi sức mua của phiếu trông trẻ trong lưu thông tăng lên nên mọi người thấy không cần phải tích trữ thêm nữa, do đó, không có suy thoái. Nhưng suy thoái không giống một giai đoạn không có đủ nhu cầu thuê mướn thêm người sẵn sàng làm việc chăng? Vẻ bề ngoài không nói lên điều gì, các nhà lý thuyết “nước ngọt” nói.

 

Theo cách nhìn của họ, những nguyên lý kinh tế có giá trị cho thấy không thể có sự thiếu hụt chung về cầu. Kinh tế học theo Keynes đã được “chứng minh là sai lầm” như Cochrane từ ĐH Chicago nói.

 

Nhưng suy thoái vẫn cứ diễn ra. Tại sao vậy?
 
(còn tiếp)
 
Paul Krugman / The New York Times
Dịch: Minh Tuấn - Hoàng Sơn

tungdn

Trở lên trên