MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Mỹ mất vị trí đứng đầu thế giới: Được và mất

02-01-2012 - 12:55 PM | Tài chính quốc tế

Với 21 chỉ số quan trọng của một quốc gia, Trung Quốc đã vượt Mỹ đến hơn một nửa và dự kiến chỉ trong 1 thập kỷ tới sẽ chiến thắng hoàn toàn.

Mùa xuân năm 2011, Pew Global Attitudes Survey đã tiến hành khảo sát với hàng nghìn người trên khắp thế giới về quan điểm của họ rằng nước nào là nền kinh tế hàng đầu thế giới? Hơn một nửa số người Trung Quốc tham gia trong cuộc khảo sát trả lời Mỹ là số 1, con số gấp đôi so với người đưa ra câu trả lời Trung Quốc số 1.

Người Mỹ, trong khi đó, không có thái độ quả quyết đến như vậy; 43% người Mỹ tham gia trả lời cho rằng Trung Quốc đang đứng đầu, chỉ khảng 38% người Mỹ tin nước Mỹ vẫn đang ở vị trí cao nhất. Còn theo tính toán của Economist với 21 chỉ số quan trọng của một quốc gia, Trung Quốc đã vượt Mỹ đến hơn một nửa và dự kiến chỉ trong 1 thập kỷ tới sẽ chiến thắng hoàn toàn.

Nên đong đếm sức mạnh kinh tế bằng cách xem đến quy mô tổng thể chứ không phải chỉ số áp dụng với từng cá nhân. Xét trên một vài chỉ số, ví như tiêu thụ thép, sở hữu điện thoại di động và tiêu thụ bia, mốc quan trọng đã được thiết lập từ cách đây đến 1 thập kỷ.

Từ đó đến nay, Trung Quốc vượt Mỹ trên vài phương diện khác nữa. Năm 2011, xuất khẩu của Trung Quốc cao hơn 30% so với Mỹ. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, và vì vậy Trung Quốc tiêu thụ năng lượng cao hơn 10% so với Mỹ, thải ra khí thải cao hơn 40%. Mỗi năm, người Trung Quốc cũng mua xe ô tô mới nhiều hơn người dân tại bất kỳ nước nào khác.

Đất nước phát minh ra compa, thuốc súng và công nghệ in ấn cũng đang thách thức nước Mỹ trên phương diện phát minh – sáng chế. Theo ước tính, bằng sáng chế được cấp cho công dân Trung Quốc trong năm 2011 cao hơn so với Mỹ. Dù vậy, chất lượng các bằng sáng chế của Trung Quốc vẫn là một dấu hỏi nhưng chắc chắn chất lượng sẽ dần cải thiện.

Báo cáo về khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế trên thế giới của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp Trung Quốc đứng thứ 31/142 quốc gia về chất lượng giáo dục toán học và khoa học, cao hơn Mỹ ở vị trí thứ 51. Trung Quốc hiện đang nắm khoảng 2 nghìn tỷ USD tài sản nước ngoài trong khi đó Mỹ nợ ròng khoảng 2,5 nghìn tỷ USD.

Biểu đồ dưới đây cho thấy dự báo của Economist về việc khi nào Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về nhiều phương diện. Số liệu thống kê chính thức cho thấy tiêu dùng của người Trung Quốc hiện chỉ tương đương khoảng 20% so với Mỹ (con số có thể đã thấp hơn thực tế bởi hệ thống thống kê không mấy hiện đại của Trung Quốc).

Xét trên tốc độ tăng trưởng của 5 năm qua, kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn có quy mô nhỏ hơn Mỹ cho đến năm 2023. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ nhanh hơn và vượt Mỹ vào năm 2014. Trong cùng năm 2014, Trung Quốc cũng có thể sẽ trở thành nước nhập hàng hóa nhiều nhất thế giới, bước ngoặt so với năm 2000 khi nhập khẩu của Mỹ cao gấp 6 lần so với Trung Quốc.

Vậy Trung Quốc trong tương quan như thế nào với Mỹ, nếu tính theo sức mạnh kinh tế? IMF dự báo GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2016 nếu tính theo ngang giá sức mua (PPP), có tính đến việc giá cả tại các nước nghèo thấp hơn. Tuy nhiên nước Mỹ sẽ chỉ thực sự thua nếu GDP của Trung Quốc vượt Mỹ tính theo giá trị USD và theo tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định.

Năm 2011, GDP Mỹ gấp đôi so với Trung Quốc, trong khi đó con số này vào năm 2000 ở mức 8 lần. Để dự báo về việc khoảng cách sẽ bị thu hẹp khi nào, Economist tính đến tốc độ tăng trưởng GDP thực, lạm phát và tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD.

Economist dự báo tăng trưởng GDP thực trong thập kỷ tới sẽ ở mức trung bình 7,75% tại Trung Quốc (thấp hơn so với con số 10,5% của thập kỷ qua); tại Mỹ GDP trong 10 năm tới sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 2,5%. Lạm phát tại Trung Quốc và Mỹ cùng khoảng thời gian trên lần lượt ở mức 4% và 1,5%; đồng nhân dân tệ tăng giá 3%/năm. Nếu như vậy, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2018. Mốc này sớm hơn so với tính toán trước đó của Economist bởi GDP Trung Quốc tính theo USD năm 2011 tăng cao hơn so với dự báo.

Ngay cả nếu kinh tế Trung Quốc đứng đầu thế giới vào năm 2018, người Mỹ vẫn giàu có hơn nhiều, GDP bình quân đầu người tại Mỹ gấp 4 lần Trung Quốc. Ông Rupert Hoogewerf, sáng lập ra báo cáo Hurun chuyên về người giàu nhất tại Trung Quốc, nhấn mạnh Trung Quốc hiện đã có nhiều tỷ phú đôla hơn Mỹ.

Khảo sát gần nhất của ông cho thấy Trung Quốc hiện có khoảng 270 tỷ phú đôla tuy nhiên theo ông con số thực phải lên đến gấp đôi bởi người Trung Quốc rất kín đáo về tài sản của họ. Forbes tính toán nước Mỹ có khoảng 400 tỷ phú đôla.

Nước Mỹ vẫn đứng đầu và cách biệt với Trung Quốc trên nhiều phương diện. Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Mỹ cao gấp 4 lần so với Trung Quốc, số công ty Mỹ trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới theo thống kê của Fortune cao gấp đôi. Ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ cao gấp 5 lần Trung Quốc dù Trung Quốc đang ra sức chi tiêu cho quốc phòng. Ngay cả như vậy, Mỹ sẽ vẫn chiến thắng ít nhất đến năm 2025.

Việc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới mang đến nhiều lợi ích. Nó giúp đảm bảo thế thượng phong về quân sự cũng như có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Thông thường, nền kinh tế lớn nhất thế giới trở thành nước phát hành đồng tiền dự trữ chủ chốt, vì vậy cho đến nay Mỹ có thể vay tiền với chi phí thấp hơn nhiều so với nếu Mỹ không phải nước phát hành đồng tiền chủ chốt.

Tuy nhiên lãnh đạo hàng đầu của kinh tế Mỹ hẳn thật sai lầm nếu muốn ngăn sự đi lên của Trung Quốc. Sự đi lên của Trung Quốc có lợi cho toàn bộ kinh tế toàn cầu. Thà đứng ở vị trí thứ 2 trong một thế giới chuyển động nhanh còn hơn đứng đầu trong một thế giới trì trệ.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên