MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Nhật Bản: Keynes, tàu hỏa và xe hơi

18-01-2013 - 13:00 PM | Tài chính quốc tế

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể tạo ra mức lợi nhuận cao hơn so với chi phí đi vay. Tuy nhiên, có vẻ như Nhật Bản đã không làm được điều này và phải trả giá đắt.

Trong suốt 35 năm, các cột thép chống đỡ của Sasago – hầm đường bộ nằm trên con đường nhộn nhịp xe cộ qua lại ở phía Tây Tokyo – không bao giờ được kiểm tra. Ngày 2/12/2012, hơn 600 cột thép không đủ sức chống đỡ và 130m hầm sụp đổ, 9 người thiệt mạng.

2 ngày sau, ông Shinzo Abe bắt đầu thực hiện chiến dịch tranh cử cho vị trí Thủ tướng với lời hứa sẽ cải tiến hệ thống cơ sở hạ tầng của Nhật Bản. Giữ đúng lời hứa, ngày 10/1, ông Abe thông qua khoản chi tiêu công khổng lồ với giá trị lên tới hơn 13.000 tỷ yên (tương đương 150 tỷ USD). Con số này còn lớn hơn cả số tiền đã được chi để tái thiết đất nước sau thảm họa động đất hồi năm 2011.

Phần lớn số tiền sẽ được dùng để xây hầm, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác. Động thái của ông Abe cũng là điều dễ hiểu. Ông cùng với đảng Dân chủ tự do LDP vốn nổi tiếng với hàng loạt công trình được xây dựng. Những người ủng hộ ông Abe tin rằng các dự án cơ sở hạ tầng có thể giúp Nhật Bản thoát khỏi suy thoái. Ngược lại, những người phản đối ông Abe lập luận rằng chính sách này chính là nguyên nhân khiến Nhật Bản trở thành nước có gánh nặng nợ công lớn nhất thế giới. 

Vị kiến trúc sư của chính sách này chính là Koichi Hamada, giáo sư đang công tác tại đại học Yale và cũng là người cố vấn chính sách cho chủ tịch của BoJ Masaaki Shirakawa. Nhiều người thậm chí gọi các chính sách tài khóa và tiền tệ của ông Abe là “Abenomics”. Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng đường lối của ông Abe bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes. 

Về lý thuyết, kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng không có gì sai trái nếu như các khoản chi của chính phủ có thể tạo ra mức lợi nhuận cao hơn so với chi phí đi vay. Theo Robert Feldman, chuyên gia đến từ ngân hàng Morgan Stanley, nếu như tiền được chi tiêu hợp lý, lợi ích đem lại là khổng lồ: nâng cao hiệu suất của nền kinh tế và nguồn thu thuế. 

Tuy nhiên, nếu như số tiền đó bị lãng phí với những dự án không hiệu quả, không những sản lượng không tăng lên mà gánh nặng ngày càng tăng và hậu quả tất yếu là tỷ lệ nợ/GDP của Nhật Bản đã vượt quá con số 200%. 

Mặc dù thâm hụt ngân sách có thể được điều chỉnh trong ngắn hạn, chính ông Abe cũng từng nói rằng Nhật Bản cần tới 200.0000 tỷ yên trong vòng 10 tháng tới nhưng lại không hề đề cập đến chuyện phải làm gì để có thể trả số nợ khổng lồ. Số tiền này lớn hơn nhiều so với mức 12.500 tỷ yên mà Nhật Bản dự kiến sẽ thu được sau khi tăng gấp đôi mức thuế tiêu dùng. Feldman cũng lưu ý rằng kế hoạch của ông Abe không hề đề cập đến nợ. 

Hiện nay, thị trường tài chính đang diễn biến khá thuận lợi. Chỉ trong vòng 1 tháng, TTCK Nhật Bản đã tăng tới 10%. Nguyên nhân là do đồng yên suy yếu (giảm từ mức 82 yên/USD xuống 88 yên/USD). Áp lực nâng mức lạm phát mục tiêu lên 2% đang đè nặng lên BoJ cũng là 1 phần nguyên nhân. Thêm vào đó, cán cân vãng lai của Nhật Bản cũng gần chạm đến mức cân bằng (xem biểu đồ bên). Giới phân tích cho rằng cán cân vãng lai của đất nước mặt trời mọc sẽ sớm thâm hụt bởi nước nhập khẩu ngày càng nhiều năng lượng. 

Rủi ro ở đây là lợi suất trái phiếu chính phủ có thể tăng lên trong khi lạm phát kỳ vọng không hề tăng. Theo bộ trưởng tài chính Taro Aso, gói kích thích kinh tế mới nhất sẽ được tài trợ bởi 5.200 tỷ yên trái phiếu xây dựng. Một số người lo sợ rằng khi nhu cầu về trái phiếu Nhật Bản yếu đi, nội các của ông Abe sẽ không thể yêu cầu BoJ mua số trái phiếu này. Khi đó, tình hình trở nên tồi tệ. 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là các chính sách tài khóa và tiền tệ như hiện nay có thể cho chính phủ lý do trì hoãn thực hiện các biện pháp nhạy cảm hơn như cơ cấu lại nền kinh tế hay mở cửa cạnh tranh bình đẳng với các nước khác thông qua các hiệp định tự do thương mại.  

Hiện nay, có một bộ phận lớn doanh nghiệp muốn chối bỏ nhu cầu cấp bách là các cải cách mang tính cấu trúc. Ông Abe có thể thực hiện một vài chính sách miễn thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, dường như ông đang kiên nhẫn đợi cho đến khi cuộc bầu cử ở thượng viện diễn ra (vào tháng 7 tới) để thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn nữa.

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên