MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế suy thoái, tầng lớp trung lưu bị đẩy vào đói nghèo?

16-02-2009 - 17:36 PM | Tài chính quốc tế

Tầng lớp trung lưu là sản phẩm của tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hoá. Khi tất cả các xu thế trên đi ngược lại, họ có thể quay về nấc thang thấp nhất của xã hội.

Sự nổi lên của tầng lớp trung lưu đã thay đổi thế giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ lại rơi vào cảnh nghèo khó?

 

Người ta thường chỉ trích tầng lớp trung lưu rằng những người này có suy nghĩ hạn hẹp, tự mãn …

 

Suốt 15 năm qua, tầng lớp trung lưu phát triển rất nhanh tại các nước mới nổi, đây được coi như một cuộc cách mạng thầm lặng của loài người, cuộc cách mạng tạo ra của cải mới.

 

Thay đổi này diễn ra thầm lặng và đó là sản phẩm của sự tăng trưởng. Khi sự tăng trưởng sụp đổ, biến chuyển họ tạo ra đối với xã hội là rất khó đoán trước.

 

Người thuộc tầng lớp trung lưu là người dành khoảng 1/3 thu nhập để chi tiêu cho các hoạt động như vui chơi, giải trí hay các hạng mục chi tiêu không thiết yếu sau khi đã dành tiền cho các nhu yếu phẩm của họ.

 

Họ không giàu nhưng có đủ tiền để không phải sống trong cảnh vật lộn để tồn tại. Một trong những đặc điểm quan trọng của tầng lớp này là nền tảng văn hoá, tri thức, nghề nghiệp và mức độ thu nhập của họ hết sức đa dạng.

 

Một báo cáo đặc biệt trước đây của Economist cho thấy số lượng người thuộc tầng lớp này không tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mà trên thực tế nhảy vọt. Điều này đã xảy ra tại Trung Quốc cách đây 10 năm và đang diễn ra tại Ấn Độ. 

 

Số người thuộc tầng lớp trung lưu tại thế giới các nước mới nổi năm 1990 chiếm 1/3 dân số thì hay đã chiếm tới hơn một nửa. Thế giới các nước đang phát triển vì thế không chỉ có toàn người nghèo.

 

Khi tầng lớp trung lưu ngày một phình ra, họ tạo ra thị trường mới. Họ suy nghĩ và cư xử khác biệt. Họ cởi mở hơn, lo lắng nhiều hơn cho tương lai của các thế hệ tương lai, họ chịu ảnh hưởng bởi những giá trị trừu tượng hơn là giá trị truyền thống.

 

Nhà xã hội học người Mỹ David Riesman nhận xét tư duy của họ hoạt động như những chiếc radar, họ nhận tín hiệu từ nơi xa và gần. Họ có xu hướng coi trọng thị trường tự do và dân chủ. Khảo sát của chúng tôi cho thấy tầng lớp trung lưu tại các nước đang phát triển hạnh phúc hơn, lạc quan hơn và ủng hộ dân chủ hơn những người nghèo.

 

Thái độ này của họ làm thay đổi đất nước và các nền kinh tế. Tầng lớp trung lưu có xu hướng đầu tư vào sản phẩm mới và công nghệ mới hơn tầng lớp thượng lưu – những người thường thích bảo vệ số tài sản hiện có của họ.

 

So với người nghèo, họ có khả năng tốt hơn trong việc khởi nghiệp, lập nên những công ty mang lại công ăn việc làm cho người khác. Tầng lớp trung lưu cũng hay đầu tư vào giáo dục và những nền tảng khác để phát triển nguồn nhân lực – hai yếu tố quan trọng đối với sự phồn vinh của xã hội.

 

Đã nhiều năm nay, các nhà hoạch định chính sách kinh tế thường cho rằng thành công của kinh tế có sự góp sức lớn từ những người giàu và người nghèo. Tuy nhiên chính tầng lớp trung lưu là động lực tăng trưởng kinh tế chính.

 

Hiện nay, rất nhiều hiểm hoạ tiềm tàng ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu phát triển mạnh ở những nước có chính sách mở cửa đối với nền kinh tế thế giới, đó là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

 

Họ là sản phẩm của toàn cầu hoá, và khi xu thế toàn cầu hoá đi ngược lại, họ rất dễ mất việc bởi họ làm việc tại các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Họ bắt đầu vay tiền nhiều hơn, và chịu ảnh hưởng mạnh từ việc tín dụng thắt chặt. Họ sở hữu nhà và nắm cổ phiếu vì thế tài sản của họ chịu ảnh hưởng nhiều bởi việc giá tài sản hạ giá.

 

Điều gì sẽ xảy ra?

 

Trên một cái thang, những người đứng ở bậc cuối cùng dù có rơi xuống thì cũng không chịu đau lắm vì khoảng cách không quá cao. Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra khi một người cố gắng leo lên được một vài bậc thang, lên một tầng lớp xã hội mới và rồi sau đó đương đầu với khả năng sẽ bị dồn xuống nấc thang cuối cùng hoặc tệ hơn thế.

 

Nếu tình trạng kinh tế đi xuống kéo dài chỉ 1 năm hay 2 năm, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ không bị đẩy khỏi vị thế mà họ đang có. Tuy nhiên nếu khủng hoảng kinh tế kéo dài lâu hơn, thành tựu mà thế giới các nước đang phát triển đạt được sẽ có thể bị mất đi khá nhiều.

 

Ngọc Diệp

Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên