MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế - tài chính thế giới tuần qua

30-01-2009 - 00:34 AM | Tài chính quốc tế

Giá vàng đã có lúc lập mức cao nhất trong 5 tháng, kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế của Tổng thống Obama được thông qua, chính phủ Iceland sụp đổ vì khủng hoảng tài chính...

Tổng hợp thị trường vàng dầu

 

Cuối tuần trước, lần đầu tiên trong 3 tháng, giá vàng vượt mức 900USD/thùng do nhà đầu tư liên tục tìm đến vàng khi lựa chọn cho đầu tư không còn nhiều.

 

Giá dầu giao tháng 3/2009 tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước và chốt tại mức 46,47USD/thùng.

 

Phiên giao dịch ngày 26/01, giá vàng lên mức cao nhất trong 5 tháng. Giá vàng giao vào tháng 4/2009 tăng 13USD/ounce tương đương 1,4% lên mức 910,70USD/ounce tại thị trường New York, đây là mức giá đóng cửa cao nhất từ ngày 01/08/2008

 

Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá vàng lên mức 918,20USD/ounce, mức giá cao nhất trong ngày giao dịch từ 10/10/2008.

 

Phiên giao dịch ngày 28/01, Giá vàng hạ đến ngày thứ 2 liên tiếp do các nhà đầu tư ồ ạt bán vàng ra để hiện thực hóa lợi nhuận khi giá vàng vượt mức 900USD/ounce.

 

Giá vàng giao vào tháng 4/2009 hạ 11,40USD/ounce tương đương 1,3% xuống mức 890USD/ounce tại thị trường New York.

 

Giá dầu thô giao vào tháng 3/2009 không thay đổi nhiều và đứng ở mức 42,16USD/thùng tại thị trường New York.

 

Dự đoán về giá vàng

 

Theo dự đoán của Morgan Stanley, giá vàng sẽ tăng cao trong khoảng thời gian 3 năm tới và leo lên mức kỷ lục do nhu cầu tăng cao, USD sẽ hạ giá bởi chính phủ các nước tiến hành mọi biện pháp ngăn suy thoái kinh tế toàn cầu.

 

 Báo cáo mới nhất của Morgan Stanley nhận định giá vàng sẽ ở mức trung bình 900USD/ounce trong năm 2009, tăng 20% so với dự báo trước đây. Năm 2010, mức giá vàng trung bình sẽ là 1.000USD/ounce; năm 2011 là 1.050USD/ounce và ở mức 1.075USD/ounce.

 

Thị trường chứng khoán Mỹ

 

Tuần trước tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 mất 2,1%. Chỉ số S&P 500 có tuần hạ điểm thứ 3 liên tiếp. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 2,5%.

 

Trong tuần này, thị trường có một tuần công bố lợi nhuận cực kỳ sôi động. Có 137 doanh nghiệp Mỹ thuộc chỉ số S&P 500 và 12 doanh nghiệp thuộc chỉ số công nghiệp Dow Jones thông báo kết quả kinh doanh quý 4/2008.

 

Doanh nghiệp đáng chú ý nhất bao gồm công ty sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất thế giới Caterpillar, công ty dịch vụ tài chính phức hợp American Express, hãng đồ ăn  nhanh McDonald's, Yahoo, ngân hàng Wells Fargo và tập đoàn năng lượng hàng đầu nước Mỹ Exxon Mobil

 

Phiên giao dịch ngày 28/01/2009 thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ lực đẩy từ việc kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế với tổng kinh phí 819 tỷ USD của Tổng thống Obama.

 

Thị trường châu Á

 

Tuần trước, thị trường chứng khoán châu Á mất điểm vì nỗi lo suy thoái kinh tế. Chỉ số Nikkei 225 của TTCK Nhật hạ 5,9% trong tuần bởi đồng yên tăng giá lên mức cao nhất từ năm 1995 so với USD. Công ty xuất khẩu Nhật vì thế chịu nhiều tác động tiêu cực.

 

Chỉ số chính của một loạt TTCK châu Á mất điểm ngoại trừ thị trường Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc tăng điểm bởi nhà đầu tư kỳ vọng vào kế hoạch giải cứu của chính phủ đối với nền kinh tế.

 

Tuần này, rất nhiều thị trường nghỉ Tết Nguyên Đán. Ngày thứ Hai, duy nhất chỉ có thị trường Nhật giao dịch và thị trường đã có phiên mất điểm nhẹ, mức hạ 0,2%.

 

Một loạt các kế hoạch giải cứu mới

 

Chính phủ Anh cuối tuần trước thông báo sẽ mạnh tay quốc hữu hóa ngân hàng, cụ thể ngân hàng có khả năng rơi vào trường hợp này sớm nhất là Ngân hàng Hoàng Gia Scotland (Royal Bank of Scotland) và tập đoàn ngân hàng Lloyds.

 

Chính phủ Pháp cung cấp 5 tỷ USD bảo đảm tín dụng để giúp Airbus bán máy bay cho những khách hàng đang muốn mua máy bay của hãng nhưng lại gặp khó bởi tín dụng thắt chặt.

 

Ngày thứ Ba (ngày 27/01) Bộ Tài Chính Mỹ thông báo họ đã cung cấp thêm 386 triệu USD vào 23 ngân hàng để giúp doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận với tín dụng.

 

Bộ Tài Chính Mỹ tuyên bố chương trình này có mục đích hỗ trợ các ngân hàng, ngoài ra là các khách hàng vay tiền.

 

3 ngân hàng, tổ chức tài chính nhận nhiều tiền nhất từ lần rót vốn này là 1st Source Corp (111 triệu USD), Liberty Bancshares (57,5 triệu USD) và WSFS Financial Corp (52,6 triệu USD).

 

Từ khi chương trình này bắt đầu vào tháng 10/2008, chương trình đã rót 194,2 tỷ USD vào 317 tổ chức tài chính trên khắp nước Mỹ. Số tiền lớn nhất rót vào 1 tổ chức hay ngân hàng là 25 tỷ USD và số tiền thấp nhất cho 1 tổ chức, ngân hàng là 1 triệu USD.

 

Chính phủ Anh ngày thứ Ba (ngày 27/01) thông báo kế hoạch hỗ trợ ngành ô tô nước này.

 

Cụ thể, hai hãng xe là Jaguar Land Rover và Vauxhall sẽ nhận được 2,3 tỷ bảng tiền hỗ trợ sau 3 tháng liên tiếp họ gửi khẩn cầu giúp đỡ lên chính phủ Anh.

 

Hai công ty sản xuất ô tô trên sẽ được tiếp cận với khoản vay 1,3 tỷ bảng tương đương 1,8 tỷ USD từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (European Investment Bank). Ngoài ra, họ nhận được 1 tỷ bảng từ Bộ Tài Chính Anh.

 

Chính phủ Nhật đẩy nhanh những nỗ lực để đương đầu với khủng hoảng tín dụng bằng việc đưa ra kế hoạch 16,9 tỷ USD để hỗ trợ các ngân hàng mua cổ phần tại công ty đang gặp khó khăn về tài chính.

 

Chính phủ Iceland sụp đổ vì khủng hoảng tài chính

 

Ngày 26/01, Chính phủ liên minh của Iceland đã sụp đổ trong ngày thứ Hai (ngày 26/01) sau làn sóng phản đối mạnh mẽ của công chúng.

 

Thủ tướng Iceland từ chức và từ bỏ chính phủ mà ông đã là người đứng đầu từ năm 2006.

Tình hình ở Iceland đã hết sức căng thẳng từ hồi tháng 10/2008 khi ngân hàng của nước này sụp đổ bởi số nợ quá lớn trong nhiều năm tăng trưởng nhảy vọt.

 

Gói giải cứu của Tổng thống Obama được thông qua

 

Hạ viện Mỹ chính thức thông qua kế hoạch kích thích kinh tế tăng trưởng của Tổng thống Obama.

 

Số phiếu thuận – phiếu chống đối với kế hoạch này như sau: 244-188. Kế hoạch này sau khi được thông qua tại Hạ viện sẽ được đưa lên Thượng viện. Tổng kinh phí trong bản kế hoạch được Hạ viện thông qua là 819 tỷ USD.

 

Văn phòng quản lý ngân quỹ Quốc hội Mỹ ước tính kế hoạch này sẽ có thể mang lại một cú huých quan trọng giúp kinh tế Mỹ phát triển, dự kiến sẽ giúp tăng GDP của Mỹ thêm 1,2% lên mức 3,5% vào cuối quý 4/2010 và tạo ra từ 1,2 đến 3,6 triệu việc làm.

 

IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới

 

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 xuống mức 0,5% bởi tình hình kinh tế gần đây đã đi xuống quá nhanh.

 

Điểm qua tình hình lợi nhuận doanh nghiệp

 

Lợi nhuận quý 4 của General Electric giảm 46%. Lợi nhuận của lĩnh vực tài chính sụt giảm nhiều nhất. Tổng doanh thu quý 4/2008 của GE là 46,2 tỷ USD, giảm 5% so với 2007. Sau khi đã trừ đi khoản cổ tức 1,24 USD/cổ phiếu, lợi nhuận đạt 3,45 tỷ USD (35 xu/cổ phiếu). Cùng kỳ năm 2007, con số này là 6,7 tỷ USD (66 xu/cổ phiếu).

 

Yahoo, công ty sở hữu công cụ tìm kiếm phổ biến thứ 2 trên mạng Internet, thông báo thua lỗ 303,4 triệu USD do tiêu tốn nhiều tiền cho việc sa thải nhân viên và lợi nhuận tại thị trường quốc tế giảm.

 

Ford tiếp tục thua lỗ lớn trong quý 4/2008 nhưng tuyên bố không cần hỗ trợ của chính phủ Mỹ. Ford công bố thua lỗ 5,9 tỷ USD trong quý 4/2008. Mức thua lỗ này tương đương 1,37 USD/cổ phiếu, cao hơn dự báo của các chuyên gia.

 

Ford điều chỉnh giảm dự báo doanh số năm 2009 của ngành ô tô Mỹ xuống mức 11,5 triệu xe đến 12,5 triệu xe với lý do tình hình kinh doanh sẽ ngày một khó khăn hơn.

 

Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên

 

Diễn đànvới chủ đề "Định hình thế giới sau khủng hoảng" đã khai mạc ngày 28/1 tại Davos, Thụy Sĩ.

 

Hầu hết các nhà kinh tế, lãnh đạo kinh doanh có mặt đều bày tỏ lo ngại viễn cảnh kinh tế thế giới trong năm 2009 sẽ còn tiếp tục ảm đạm.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo trước giờ khai mạc, tỷ phú Rupert Mudoch nói rằng, khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn và cần phải có những động thái tích cực, nhanh chóng để ngăn chặn.

 

Cùng chung tâm trạng với ông Mudoch là giám đốc điều hành của những tập đoàn lớn như JP Morgan, HSBC và hơn 2.500 nhân vật khác bao gồm các học giả, chính trị gia và lãnh đạo các doanh nghiệp có mặt tại sự kiện này.

 

Kinh tế Anh chính thức suy thoái

 

Ngày 24/01, Văn phòng thống kê quốc gia của Anh công bố GDP quý 4/2008 suy giảm 1,5% so với quý trước đó và thấp hơn 1,8% so với 1 năm trước. Kinh tế Anh chính thức bước vào suy thoái.

 

Ngân hàng thứ 3 của Mỹ đóng cửa trong năm 2009

 

Ngày 23/01, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đóng cửa ngân hàng First Centennial của bang California.

 

Ngày 16/01/2009, National Bank of Commerce và ngân hàng Clark County là hai ngân hàng đầu tiên của Mỹ sụp đổ trong năm 2009.

 

Ngọc Diệp

Tổng hợp

ngocdiep

Trở lên trên