MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Thái Lan trước thềm cuộc bầu cử vào ngày mai (03/07)

02-07-2011 - 08:33 AM | Tài chính quốc tế

Ngày mai (ngày 03/07/2011), khoảng 70% trong số 67 triệu người Thái Lan đủ điều kiện bỏ phiếu. Các cuộc bỏ phiếu sẽ kết thúc lúc 3h chiều.

Ngày Chủ nhật (03/07), cử tri Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu, nhiều chuyên gia đánh giá thế mạnh đang thuộc về đảng Vì người Thái (Pheu Thai) của cựu Thủ tướng Thaksin.

Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy đảng Pheu Thai đang có phần được lòng cử tri Thái Lan hơn đảng cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Một chính trị gia có tiếng nói dự báo vào tối ngay mai, kết quả bầu cử dự kiến sẽ cho thấy đảng Pheu Thai chiếm thế đa số trong nghị viện có 500 ghế.

Ông Chalerm Yoobamrung, cựu Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan và là một ứng viên của Đảng Pheu Thai, nói: “Chúng tôi đã chiến thắng, thế nhưng chúng tôi muốn giành được khoảng từ 280 đến 320 ghế để chiến thắng được cách biệt”

Tuy nhiên hiện tại Thái Lan tồn tại không ít lo lắng về việc có thể sẽ có bạo động xảy ra sau cuộc bầu cử, thị trường chứng khoán Thái Lan tuần qua mất điểm trong tuần qua. Ngoài ra người ta còn lo lắng bất ổn sẽ tác động xấu đến ngành du lịch Thái Lan hiện đang đóng góp 7% vào GDP của Thái Lan.

Chỉ số SET của thị trường chứng khoán Thái Lan trong tháng 6/2011 hạ 3% và như vậy có tháng giảm điểm sâu nhất tính từ tháng 1/2011. Cổ phiếu hãng hàng không nhà nước Thái Lan Thai Airways International hạ 18%.

Đồng bath hạ 1,4% trong tháng 6/2011 và như vậy có 2 tháng mất giá liên tiếp tính từ khi các cuộc biểu tình xảy ra trên đường phố Thái Lan khiến 91 người thiệt mạng.

Tháng 6/2011, lạm phát tại Thái Lan duy trì ở mức cao nhất trong 32 tháng bởi giá thực phẩm tăng.

Tháng 6/2011, Ngân hàng Trung ương Thái Lan nang lãi suất cơ bản lên 3% và phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế giá cả tăng nóng.

Ngày mai (ngày 03/07/2011), khoảng 70% trong số 67 triệu người Thái Lan đủ điều kiện bỏ phiếu. Các cuộc bỏ phiếu sẽ kết thúc lúc 3h chiều, kết quả không chính thức được công bố vào khoảng 8h tối. Ủy ban bầu cử Thái Lan sẽ công bố chính thức ứng viên thắng cử trong vòng 30 ngày và sau đó nghị viện sẽ chọn ra Thủ tướng.

Thái Lan kể từ sau khi Thaksin bị lật đổ

Theo VnExpress, dưới đây là những sự kiện đáng chú ý ở Thái Lan kể từ khi cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong cuộc đảo chính 5 năm trước.

19/9/2006: Quân đội Thái Lan giành quyền kiểm soát chính phủ trong cuộc đảo chính bất ngờ. Thủ tướng lúc đó là Thaksin Shinawatra đang có mặt tại New York, Mỹ, thì đảo chính diễn ra. Quân đội lãnh đạo nước này hơn một năm sau đó.

6/2007: Ủy ban chống tham nhũng phong tỏa tài sản của Thaksin.

12/2007: Đảng Quyền lực của Nhân dân, gồm các đồng minh của Thaksin, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và thành lập chính phủ liên minh.

5/2008: Phe áo vàng, gồm phần lớn là những người trí thức và bảo hoàng và lo ngại các chính sách dân túy của ông Thaksin, đổ xuống đường biểu tình phản đối chính phủ thân cựu thủ tướng. Cũng chính lực lượng này được cho là hậu thuẫn chính biến năm 2006 lật đổ Thaksin.

9/2008: Tình trạng khẩn cấp được ban bố khi hai phe ủng hộ và phản đối chính phủ giao tranh khiến một người chết và hàng chục người bị thương.

Tòa án hiến pháp tước quyền lực của thủ tướng Samak Sundaravej, đồng minh của Thaksin. Họ nói rằng ông đã phạm luật vì nhận tiền để dẫn một chương trình nấu ăn trên truyền hình. Em rể của Thaksin - Somchai Wongsawat - lên thay thế.

10/2008: Giao tranh giữa cảnh sát và người biểu tình làm hai người chết và gần 500 người bị thương. Tòa án xử Thaksin vắng mặt, tuyên án 2 năm tù vì tội tham nhũng.

11-12/2008: Hàng nghìn người biểu tình áo vàng bao vây sân bay Bangkok để phản đối chính phủ của Somchai. Tình trạng khẩn cấp kéo dài trong vòng gần hai tuần.

12/2008: Tòa án Hiến pháp giải tán đảng của ông Somchai, buộc ông từ chức. Chính trị gia Abhisit Vejjajiva của đảng Dân chủ trở thành thủ tướng dẫn đầu liên minh 6 đảng.

1-3/2009: Lực lượng áo đỏ trung thành với Thaksin tiến hành cuộc biểu tình quy mô lớn ở thủ đô chống lại chính phủ của ông Abhisit.

4/2009: Áo đỏ xông vào hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN ở Pattaya, buộc lãnh đạo các nước phải sơ tán. Bạo động khiến hai người thiệt mạng. Tình trạng khẩn cấp ban bố ở Bangkok trong 12 ngày.

2/2010: Tòa án Tối cao Thái Lan tịch thu 1,4 tỷ USD tài sản của Thaksin vì tội lạm dụng quyền lực.

3/2010: Hàng chục nghìn người áo đỏ bắt đầu biểu tình, kêu gọi chính phủ của ông Abhisit từ chức. Thủ tướng và các bộ trưởng phải trốn trong những trại lính.

4-5/2010: Một loạt cuộc giao tranh trên đường phố giữa phe áo đỏ và binh sĩ khiến 90 người thiệt mạng, phần lớn là dân thường, trong vụ bạo động tồi tệ nhất nước này trong vài thập kỷ trở lại đây.

Cuộc biểu tình kết thúc khi binh sĩ bắn đạn thật và xe bọc thép của quân đội xông vào doanh trại của phe áo đỏ, buộc thủ lĩnh áo đỏ phải đầu hàng. Nhiều tòa nhà lớn ở Bangkok, bao gồm cả trung tâm chứng khoán bị đốt cháy.

9/2010: Hàng nghìn người áo đỏ xuống đường kỷ niệm 4 năm ngày đảo chính lật đổ Thaksin. Họ trở lại đường phố Bangkok ít nhất một lần mỗi tháng sau đó trong một loạt các cuộc biểu tình hòa bình kéo dài một ngày.

5/2011: Chính phủ tuyên bố bầu cử diễn ra ngày 3/7. Em gái của Thaksin Yingluck Shinawatra nổi lên là ứng viên của phe đối lập cho vị trí thủ tướng. Các cuộc trưng cầu cho thấy bà đang dẫn trước đương kim thủ tướng Abhisit.


Ngọc Diệp
Theo VnExpress,Vietnamplus, Bloomberg

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên