MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế thế giới: Triển vọng 2008

01-01-2008 - 11:07 AM | Tài chính quốc tế

Mặc dù kinh tế thế giới năm 2008 tăng trưởng chậm hơn năm nay, vẫn nổi lên các “ngôi sao sáng”. Việt Nam xếp thứ 10/12 nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng cao nhất.

Như thường lệ, mỗi dịp cuối năm, Trung tâm Thông tin Kinh tế Economist Inelligence Unit (EIU) nổi tiếng thuộc tuần báo The Economist lại đưa ra những dự báo ngắn gọn về tình hình kinh tế thế giới trong năm mới.

Tổng quan

EIU dự báo, tăng trưởng tổng sản lượng (GDP) của thế giới trong năm 2008, tính theo sức mua tương đương (PPP) là 4,6%, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng của năm nay 2007 (5,1%).

Các nền kinh tế đang phát triển đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng này; tính bình quân nhóm các nước đang phát triển - mà dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga - đạt tốc độ 7%, trong khi nhóm các nước công nghiệp - dẫn đầu là Mỹ, EU và Nhật Bản - chỉ tăng trưởng bình quân 1,8%.

Trên bình diện toàn cầu, đáng lưu ý là nguy cơ ngày càng rõ về một cuộc suy thoái của kinh tế Mỹ do sự sụp đổ của thị trường địa ốc làm xói mòn niềm tin của người tiêu thụ. Ở nhiều nước, các ngân hàng thương mại sẽ siết chặt tiêu chuẩn tín dụng, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận nguồn vốn hơn nhưng đồng thời các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục cung ứng tiền ra thị trường để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ tài chính. Hậu quả của tình trạng này là lượng đầu tư xã hội sẽ giảm nhưng lạm phát tăng tuy vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các chính phủ.

Đồng USD yếu có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ nhưng lại gây khó cho hầu hết các nền kinh tế. Giá dầu thô sẽ dao động trong mức 69 USD/thùng, thấp hơn giá dầu năm 2007 hiện đang ở mức 91 USD/thùng; giá các mặt hàng chủ yếu, mà năm nay đã tăng 16%, sẽ chỉ tăng khoảng 1% trong năm 2008 vì cán cân cung cầu đang dần bình ổn.

Các nền kinh tế

Mặc dù kinh tế thế giới năm 2008 tăng trưởng chậm hơn năm nay, vẫn nổi lên các “ngôi sao sáng”. EIU đã chọn ra 12 nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng cao nhất, trong đó Việt Nam xếp thứ 10/12.

Đa số các nền kinh tế này (ở châu Phi, Trung Á và Trung Đông) có mức tăng trưởng cao nhưng không bền vững vì đều có điểm xuất phát thấp và phụ thuộc vào giá dầu mỏ. Theo EIU, năm 2008 Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng cao nhờ dòng vốn đầu tư sẽ chảy mạnh vào lĩnh vực dệt may và du lịch.

Trên bình diện khu vực, EIU dự báo tăng trưởng bình quân của châu Á và Úc (trừ Nhật Bản) năm 2008 là 6,6%, trong đó riêng ASEAN là 5,1%.

Hiện tượng đáng chú ý nhất là Trung Quốc. Với tốc độ tăng trưởng 10,1% Trung Quốc sẽ tạo ra tổng sản lượng 3,94 ngàn tỉ USD. Xét về GDP danh nghĩa, Trung Quốc đã gần bắt kịp Nhật (4,96 ngàn tỉ USD), vượt qua Đức (3,43 ngàn tỉ) và Anh (2,84 ngàn tỉ). Nhưng nếu tính theo sức mua tương đương PPP, GDP của Trung Quốc sẽ là 12,9 ngàn tỉ USD, gần gấp ba lần Nhật (4,48 ngàn tỉ USD) và tương đương với GDP của Mỹ (14,4 ngàn tỉ USD).

Năm 2008 Trung Quốc sẽ tận dụng Thế vận hội Bắc Kinh để đánh bóng hình ảnh đang hoen ố do nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng và lối ứng xử trên trường quốc tế. Về mặt đối nội, nền kinh tế quá nóng đang gây cho Trung Quốc nhiều vấn đề, song năm 2008 nó sẽ được làm nguội không phải do chính sách của Trung Quốc mà do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm sút.
Mặt khác, năm 2008 sẽ chứng kiến việc Trung Quốc thay thế cho Mỹ trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu của các nước trong khu vực Đông Á. Quá trình thay đổi này đã bắt đầu từ mấy năm trước và ngày càng mạnh lên, chứng tỏ mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với các lân bang ngày càng chặt chẽ.

So sánh nền kinh tế một số nước ASEAN với các nước Đông Á về triển vọng năm 2008 ở một số chỉ tiêu chủ yếu. Việt Nam đứng thứ sáu về quy mô dân số, thứ hai về tốc độ tăng trưởng GDP nhưng đứng chót về quy mô của nền kinh tế lẫn thu nhập bình quân đầu người. Khoảng cách phát triển của Việt Nam hãy còn rất xa. Thế nhưng Việt Nam lại dẫn đầu bảng về tỷ lệ lạm phát, và đây là một mối đe dọa không thể coi thường đối với sự tăng trưởng lẫn tiêu chuẩn sống của người dân.

Nhận định về Việt Nam, EIU lưu ý các tín hiệu mới là nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ và khả năng Việt Nam sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% hiện nay xuống 25% trong năm 2008 để cạnh tranh với các lân bang.

Các ngành kinh tế

EIU đã khảo sát và dự báo triển vọng của 15 ngành kinh tế chủ yếu trên toàn cầu theo 5 cấp độ từ u ám (cloudy - cấp 1) đến tươi sáng (sunny - cấp 5).

Cấp 5 là những ngành có tiềm năng tăng trưởng cao nhất, gồm nông nghiệp, thương mại điện tử và công nghệ thông tin; cấp 4 có công nghiệp quốc phòng, năng lượng, giải trí, du lịch và dịch vụ y tế. U ám nhất là ngành tài chính; khá hơn một chút là công nghiệp xe hơi trong khi các ngành viễn thông, sản xuất nguyên liệu thô, truyền thông, thực phẩm và giải khát, hàng tiêu dùng nói chung phải cố gắng để duy trì mức phát triển hiện có.

Tươi sáng nhất là lĩnh vực nông nghiệp, đáng chú ý là khối lượng gạo thương mại (trading rice) sẽ tăng. EIU cho rằng, từ năm 2008-2017, lượng gạo thương mại sẽ tăng bình quân 2,3% mỗi năm và đến lúc đó các nước sản xuất sẽ dành khoảng 8% sản lượng gạo, tương đương 36 triệu tấn, để kinh doanh và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Nhu cầu nhập khẩu gạo tăng nhanh ở các nước Indonesia, Philippines, Bangladesh, các nước Trung Đông và châu Phi sẽ khuấy động thị trường gạo - đến nay vẫn là mặt hàng được bảo hộ mạnh mẽ nhất. Giá lúa mì sẽ đứng ở mức cao chưa từng thấy vì dự trữ lúa mì đang cạn dần trong khi sản xuất gặp khó khăn do thời tiết ở Ukraine, Argentina và Úc.

Trong niên vụ kết thúc vào cuối tháng 6/2008, thế giới chỉ có thể sản xuất 607 triệu tấn lúa mì, thấp xa so với nhu cầu và có hai khả năng sẽ xảy ra, nhẹ nhất là giá bánh mì tăng cao và nặng nhất là khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nhu cầu ethanol (nhiên liệu sinh học) sẽ khuấy động ngành mía đường. Niên vụ mía đường kết thúc vào tháng 9/2008 thế giới sẽ sản xuất được 170 triệu tấn đường và Ấn Độ sẽ thay vị trí của Brazil trở thành nước sản xuất nhiều mía đường nhất. Tuy vậy, nhiều vùng đất rộng lớn sẽ chuyển sang trồng mía và các loại cây làm nguyên liệu chế biến ethanol, diện tích các vùng trồng cây ăn quả sẽ giảm tương ứng.

U ám nhất trong năm 2008 là thị trường dịch vụ tài chính. EIU nhận định sau năm năm khá dễ dãi trong chính sách tín dụng và lượng tiền lưu thông dồi dào, thị trường tài chính đang đảo chiều và ảnh hưởng của sự đảo chiều này sẽ thấy rõ trong năm 2008.

Cuộc khủng hoảng nợ tín dụng mua nhà trả góp (mortgage) bắt đầu từ bên Mỹ giữa năm 2007 buộc các chủ nợ và nhà đầu tư phải đánh giá lại rủi ro và tăng lãi suất cho vay trong năm 2008 để bù lại phần nào nợ xấu và thất thoát do khủng hoảng. Giá trị tài sản của các ngân hàng, từ Đức sang đến Trung Quốc sẽ giảm nhiều so với hiện nay.

Đáng chú ý là cuộc khủng hoảng sẽ làm cho tín dụng bị siết chặt, việc tiếp cận nguồn vốn sẽ khó khăn hơn; vay và cho vay sẽ giảm mạnh khiến các vụ mua bán, sáp nhập công ty không còn sôi động như hai năm qua; lợi nhuận từ kinh doanh tài chính do vậy sẽ bị sút giảm trầm trọng.
 
Theo Huỳnh Hoa
TBKTSG

thanhtu

Trở lên trên