MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro lớn

14-05-2014 - 16:43 PM | Tài chính quốc tế

Theo dự báo mới nhất của IMF, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm 2014 và 3,9% năm 2015.

Ngày 13/5, trong tuyên bố chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel được công bố sau cuộc họp tại Berlin (Đức), lãnh đạo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra nhận định rằng kinh tế toàn cầu có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, bất chấp sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế gần đây.

Theo dự báo mới nhất của IMF, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm 2014 và 3,9% năm 2015. 

Lãnh đạo của các tổ chức và định chế hàng đầu thế giới này cho rằng triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn bị chi phối bởi các nhân tố như tỷ lệ thất nghiệp cao, chênh lệch GDP lớn, đầu tư ở mức thấp, bất bình đẳng gia tăng và các nền kinh tế mới nổi tăng chậm lại.

Các quan chức này khuyến nghị Chính phủ các nước cần tiếp tục các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo ổn định tài chính, nhằm đạt được đà tăng trưởng nhanh và ổn định. Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cần đẩy mạnh cải cách để tăng cường sự ổn định cũng như khả năng cạnh tranh trong khu vực. 

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi cần duy trì các chiến lược để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững cũng như tăng cường khả năng thích nghi trước các cú sốc bên ngoài và giảm đói nghèo.

Ngày 13/5, OECD đưa ra nhận định rằng nhịp độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi có phần yếu đi, trong khi Eurozone đang trên đà phục hồi mặc dù kinh tế Đức đang xuất hiện một số dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Chỉ số của các chỉ số tổng hợp hàng đầu (CLI) của OECD vừa được công bố cho thấy kinh tế Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng chậm lại và kinh tế Nga có phần mất đà tăng trưởng tại do tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 

Tại Eurozone, CLI cho thấy nhịp độ tăng trưởng kinh tế đang mạnh lên ở Italy và khu vực đồng tiền chung xét về tổng thể. Trong đó, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Pháp và Đức duy trì được đà tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, các số liệu khác vừa công bố trong tuần này lại cho thấy Đức dường như đang chững lại sau một thời gian dài nền kinh tế lớn nhất Eurozone là điểm sáng hiếm hoi trong một khu vực đồng tiền chung điêu đứng vì khủng hoảng nợ. 

Khảo sát của Viện kinh tế ZEW công bố ngày 13/5 cho hay lòng tin đầu tư ở Đức đã xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm rưỡi qua. Mặc dù vậy, các nhà phân tích dự báo nền kinh tế này vẫn sẽ tăng trưởng vững trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Pháp dự báo kinh tế Pháp sẽ chỉ có thể tăng trưởng 0,2% trong quý II/2014.

Xét tổng thể, nhịp độ tăng trưởng của OECD, nhất là Mỹ, Canada và Nhật Bản, vẫn ổn định, riêng kinh tế nước Anh cho thấy dấu hiệu bắt đầu tăng tốc./.

Theo Như Mai

huongnt

Vietnam+

Trở lên trên