MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế toàn cầu trước bờ vực suy thoái

22-08-2011 - 17:16 PM | Tài chính quốc tế

Các nhà nghiên cứu đua nhau dự báo về khả năng khủng hoảng. Nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu và tài sản rủi ro để chạy sang các kênh an toàn. Nỗi lo sợ suy thoái đang rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tóm tắt:

- Hội nghị Pháp – Đức kết thúc đáng thất vọng với một tuyên bố chung chung

- Tình hình kinh tế Mỹ càng khiến giới đầu tư nản lòng hơn sau khi cơ quan thống kê Philadelphia công bố chỉ số sản xuất, doanh số bán nhà, tỷ lệ thất nghiệp và niềm tin người tiêu dùng của nền kinh tế số 1 thế giới này

- Các nước châu Á dù chịu hậu quả gián tiếp song cũng đang phải đương đầu với nguy cơ suy thoái kép

- Vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào trên phạm vi quốc tế được đề cập tới.

Không ai mong đợi nhưng “suy thoái” có lẽ là từ được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường tài chính thế giới trong khoảng một tuần qua. Mở đầu tuần với những khấp khởi hy vọng về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu khi lãnh đạo 2 nước Pháp - Đức quyết định ngồi với nhau tại Paris để kiếm tìm một lối thoát chung cho khu vực, đồng thời, cùng mang lại tia sáng nào đó cho kinh tế toàn cầu.

Thế nhưng giới đầu tư lại một lần nữa thất vọng khi tất cả những gì đạt được vẫn chỉ dừng lại ở một tuyên bố chung - giống như một lời kêu gọi hơn là gói giải pháp. Dù có cho rằng kinh tế thế giới đã đủ “bội thực” với những gói kích cầu nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng một khoản tài chính (đâu đó khoảng 600 tỷ USD) có thể giúp châu Âu, đặc biệt là những con nợ đang “khát nước” như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhưng cả Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Đức Merkel đều không đả động gì đến một gói kích cầu như thế.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, đầu tàu kinh tế thế giới - Mỹ cũng không mang lại bất cứ một tín hiệu lạc quan nào, nếu không muốn nói là chỉ làm nản lòng hơn giới đầu tư với những thống kê chẳng lấy gì làm lạc quan.

Cơ quan thống kê Philadelphia cho biết chỉ số sản xuất tại khu vực Trung và miền Đông nước Mỹ giảm thảm hại xuống mức âm 30,7 điểm trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Doanh số bán nhà giảm 3,5% trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,5%. Những con số này càng trở nên tệ hại hơn khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ thường xuyên ở mức trên 9% trong vòng nhiều tháng trở lại đây. Một cuộc điều tra gần đây cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại nền kinh tế số một thế giới đã xuống thấp nhất trong vòng 31 năm qua.

Những kết quả này, cộng với việc Mỹ bị Standard & Poor’s hạ xếp hạng tín nhiệm trước đó đã khiến giới đầu tư ngày một mất lòng tin vào nền kinh tế số một thế giới. Đà bán tháo tiếp tục tại sàn chứng khoán New York khiến chỉ số Dow Jones (hiện đứng trên ngưỡng 10.800 điểm) mất đến gần 15% trong vòng một tháng trở lại đây. Vốn hóa của các công ty niêm yết, theo đó, tiếp tục bốc hơi hàng nghìn tỷ USD sau khi đã mất 4.000 tỷ trong tuần đầu tháng 8. Giá dầu - chỉ báo của hoạt động sản xuất - mới đây cũng vừa rút xuống dưới ngưỡng 80 USD một thùng.

Tin xấu liên tiếp bay đến khiến các giới phân tích đua nhau đưa ra dự báo về khả năng suy thoái kép - thuật ngữ tồi tệ mà người ta nhắc đến suốt 2 năm qua - trở thành sự thật. Theo Morgan Stanley và Bank of America Merrill Lynch khả năng này là 30%. Cụ thể hơn, 2 nền kinh tế là Mỹ và châu Âu “đang ở rất gần suy thoái”.

Các nước châu Á cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi xuất khẩu sụt giảm.

Nhận định tương tự cũng tỏ ra có cơ sở với hàng loạt nền kinh tế châu Á, dù những nước này chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp từ những diễn biến tại Tây bán cầu.

Vốn chưa thể phục hồi kể từ sáu thảm họa động đất - sóng thần, kinh tế Nhật tiếp tục gặp khó khăn khi các thị trường xuất khẩu truyền thống của nước này sụt giảm sức mua. Kim ngạch ngoại thương của Nhật hiện đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc khi Bộ trưởng Thương mại nước này - Trần Đức Minh thừa nhận xuất khẩu nước này chắc chắn sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2011. Deutsche Bank AG mới đây cũng hạ dự báo triển vọng kinh tế năm nay của Trung Quốc từ 9,1% xuống 8,9%. Tương tự là lời cảnh báo suy thoái đối với Hong Kong.

Tại Ấn Độ, GDP quý I/2011 ở mức nhất nhất trong 5 quý do sự suy yếu của hoạt động tiêu dùng và đầu tư. Tình hình tại Singapore thậm chí còn ảm đạm hơn khi tổng sản phẩm quốc nội sụt tới 6,5% trong quý II.

Xuất hiện trong buổi phỏng vấn với kênh CBS cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã lên tiếng trấn an dư luận khi cho rằng khả năng suy thoái kép của kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung rất khó xảy ra. Tuy nhiên, tất cả những gì mà ông Obama cũng như lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới làm được cho đến lúc này mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố đơn lẻ.

Một nỗ lực cụ thể, đồng lòng ở phạm vi quốc tế vẫn chưa được đề cập tới cùng với sự im lặng của IMF - tổ chức lẽ ra phải đóng vai trò đầu tàu trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề mang tình toàn cầu này.


Theo Nhật Minh - Tuyến Nguyễn
VnExpress

thuthuy

Trở lên trên