MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc chưa thể đứng đầu thế giới vào năm 2030

18-08-2010 - 11:11 AM | Tài chính quốc tế

Còn rất nhiều cản trở trên con đường Trung Quốc vươn lên vị trí đứng đầu thế giới.

Hiện nay khi Nhật đã để mất vị trí thứ 2 thế giới vào tay Trung Quốc, câu hỏi tiếp theo là: Khi nào Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ vào năm 2030 và giành lại ảnh hưởng của Trung Quốc lên mọi ngóc ngách của thế giới.

Tuy nhiên nhiều điều có thể xảy ra trong 20 năm tới. Kinh tế Nhật đứng ở vị trí thứ 2 trên thế giới suốt 4 thập kỷ qua, đã có lúc người ta nói đến việc Nhật sẽ vượt qua Mỹ. Thập niên 1980, kinh tế Nhật đã gần có được vị thế này.

Thế nhưng không giống Nhật, nước có lực lượng dân số nhỏ, già và nền kinh tế tăng trưởng yếu kém trong hơn 1 thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc còn có thể tăng trưởng mạnh hơn.

Tiềm năng của Trung Quốc ở chỗ 1/5 dân số thế giới sống ở đây và gần như tất cả các công ty trên toàn thế giới mong muốn chiếm được thị phần ở đây, từ General Electric cho đến Caterpillar đều có chiến lược tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc.

Vậy điều trên có ý nghĩa thế nào khi kinh tế Trung Quốc vươn lên đứng thứ 2 trên thế giới và sau này là lên vị trí thứ 1? Điều gì sẽ cản trở Trung Quốc trong con đường trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Yếu tố nhân khẩu học

Ông Nicholas Lardy, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peter G. Peterson Institute for International Economics, nhân khẩu học tại Trung Quốc đang thay đổi theo hướng bất lợi, làm giảm nguồn cung lao động.

Dù dân số Trung Quốc gấp 4 đến 5 lần so với Mỹ, nhưng nhóm người thuộc độ tuổi lao động chủ chốt (từ 20 đến 35 tuổi) bắt đầu giảm bởi chính phủ Trung Quốc áp dụng biện pháp yêu cầu mỗi gia đình chỉ được sinh một con.

Ngoài ra, phần lớn dân số sống ở khu vực nông thôn hiện đang quá già hoặc quá trẻ. Chi phí tăng trưởng sẽ không ngừng tăng lên bởi nhu cầu đối với mọi thứ, từ không khí cho đến nước, đều tăng.

Lãnh đạo hàng đầu của kinh tế Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ giải quyết vấn đề nước này quá phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu. Dù xuất khẩu Trung Quốc vẫn mạnh trong khi kinh tế toàn cầu tồn tại nhiều bất ổn.

Tháng 7/2010, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tăng 38,1% lên 145,5 tỷ USD, thặng dư thương mại với Mỹ tăng thêm 46% lên 28,7 tỷ USD, nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giảm cùng với tăng trưởng kinh tế Mỹ và những vấn đề nợ nần tại nhiều khu vực của châu Âu.

Và nếu chúng ta nhìn vào giá trị GDP Trung Quốc, Trung Quốc chưa hẳn đã giàu hơn nhiều. Trong khoảng thời gian 3 tháng kết thúc vào tháng 6/2010, tổng GDP của Nhật đạt 1,29 nghìn tỷ USD. Tổng GDP của Trung Quốc đạt 1,34 nghìn tỷ USD. Thế nhưng cùng trong thời gian trên, GDP của Mỹ đạt 3,5 nghìn tỷ USD.

Người Mỹ và người Nhật hiện giàu nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ năm 2009 đạt 42.240USD, con số này tại Nhật là 37.800USD.

Xét với quy mô kinh tế Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng rất nhiều trong tăng thu nhập cá nhân thế nhưng nước này vẫn tụt lại rất xa với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 3.600USD. Dù Trung Quốc có thể vượt Mỹ trong 2 thập kỷ tới, thu nhập tính bình quân đầu người vẫn tụt lại phía sau.

Ảnh hưởng tăng dần

Quan điểm trên không phải để đánh giá thấp những tiến bộ của Trung Quốc hay ảnh hưởng ngày một lớn dần của nước này trên thế giới. Tại nhiều khu vực của thế giới như châu Phi hay Mỹ - Latinh, trong đó có Colombia và Peru, đã chứng kiến giá hàng hóa tăng cao do nhu cầu tài nguyên từ Trung Quốc tăng cao.

Ngay cả nhóm nước phát triển như Úc hay Canada cũng phải chịu ảnh hưởng từ việc nhu cầu đối với mọi loại hàng hóa như than đá hay dầu đều tăng. Trung Quốc là chủ nợ lớn của Mỹ và nắm dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ổn định trong tương lai gần; 10,5% trong năm 2010 và 9,6% trong năm 2011. Hiện nay, chủ đề khiến người ta tranh luận nhiều nhất chính là liệu kinh tế Trung Quốc có tăng trưởng ở mức 10% hay chỉ 8%.

Việc kinh tế Trung Quốc có vượt qua Mỹ hay không không phải điểm đáng chú ý nhất trong câu chuyện tăng trưởng thần kỳ của nước này. Trên thực tế, những mốc quan trọng cũng đáng nhớ nhưng việc kinh tế Trung Quốc sẽ vươn lên vị trí số 1 như thế nào quan trọng hơn việc kinh tế Trung Quốc vượt qua nước nào.

Ngọc Diệp
Theo Fortune


ngocdiep

Trở lên trên