MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Kinh tế Trung Quốc: Dùng “thuật” hay theo “đạo”

17-09-2015 - 09:07 AM | Tài chính quốc tế

Đã đến lúc đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC ) nói riêng và Trung Quốc nói chung cần chuyển từ ứng xử theo “thuật” (thói quen cá biệt) sang theo “đạo” (luật lệ, thông lệ quốc tế).

TS. Phạm Sỹ Thành
TS. Phạm Sỹ Thành
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES), Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
5 bài viết

Chuyên đề đặc biệt về kinh tế Trung Quốc, dưới góc nhìn của TS. Phạm Sĩ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES), thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PHẦN 1: KINH TẾ TRUNG QUỐC ĐANG GẶP VẤN ĐỀ GÌ?

Nếu những thay đổi về cấu trúc quyền lực đặt ra những lo lắng về triển vọng Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy các cải cách thị trường thì những gì diễn ra gần đây trong nền kinh tế Trung Quốc khiến những lo ngại này càng gia tăng.

Trên TTCK, với mong muốn nhanh chóng bình ổn TTCK đang trong cơn chao đảo, Trung Quốc đã để Bộ công an vào cuộc nhằm điều tra các giao dịch được cho là bán khống. Tuy nhiên, điều này có “bình thường” hay không khi mà việc điều tra này hoàn toàn có thể giao cho Ủy ban Quản lí Giám sát Chứng khoán Quốc gia (CSRC) tiến hành.

Thông thường, việc điều tra gian lận sẽ được trao cho cơ quan quản lí thị trường tiến hành, sau đó cân nhắc các dấu hiệu hình sự mới có thể chuyển sang cho Bộ Công an.

Bên cạnh đó, sự rớt giá trên TTCK Trung Quốc còn được truyền thông nước này gắn với ít thuyết âm mưu cho rằng các nhà đầu tư phương Tây đã chủ đích tấn công TTCK Trung Quốc.

Việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế không phải dấu hiệu lành mạnh đối với một quốc gia đang hướng đến điểm đích là kinh tế thị trường.

Cũng trong đợt giải cứu TTCK này, mức độ can thiệp hành chính của Trung Quốc có quy mô lớn.

Sau khi TTCK Trung Quốc chao đảo, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) có một chương đưa ra những phê phán gay gắt trước vai trò mà chính phủ Trung Quốc đã thể hiện. Nguyên văn chương này đã chỉ ra khi TTCK lao dốc, chính phủ Trung Quốc đã thể hiện các chức năng “chưa rõ ràng, trùng lặp và xung đột nhau”.

Báo cáo đã phê phán mạnh mẽ việc chính phủ Trung Quốc chưa đảm nhiệm tốt vai trò quản lí vĩ mô trên thị trường tài chính tiền tệ, ngược lại “can dự một cách phổ biến và trực tiếp vào hoạt động phân bổ nguồn lực”. Tuy nhiên chương đó về sau bị cắt bỏ.

WB giải thích rằng những bình luận như vậy không phù hợp với tiêu chuẩn thông thường của tổ chức này khi nhận định về các nước thành viên.

Bên cạnh hàng loạt dẫn chứng dễ dàng cho thấy sự can thiệp “phi truyền thống” của Trung Quốc vào TTCK, điều đáng nói hơn cả từ sự can thiệp như thể giải cứu một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện này là nó cho thấy chính phủ Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho các biến động mạnh của thị trường, trong khi đó biến động lại là bản chất của thị trường.

Trong vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ, đây luôn là một lĩnh vực thể hiện mức độ “sẵn sàng cải cách thị trường hóa” của Trung Quốc.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã tiến một bước dài trong việc thị trường hóa lãi suất và nới lỏng tỷ giá, nhưng tự do hóa tài khoán vốn vẫn là một chủ đề ít được đề cập.

Trong việc PBoC phá giá liên tiếp 3 ngày (từ 11-13/8) cảm nhận chung của thị trường toàn cầu là không ai hiểu PBoC sẽ tiếp tục làm gì và thực sự muốn gì. Nếu đối chiếu với cách làm FED, chúng ta sẽ thấy rất rõ rằng cách làm hiện nay của Trung Quốc làm gia tăng rủi ro cho kinh tế toàn cầu hơn rất nhiều chỉ bởi việc Trung Quốc đưa ra các quyết sách mang tính khó lường cao.

Khi là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có lẽ đã ý thức được rằng mỗi thay đổi chính sách của họ sẽ tác động đến nhiều nước – trước hết là các nước trong khu vực.

Cho đến nay FED chưa quyết định sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 hay không, nhưng những thảo luận này đã được ra nhiều tháng trước, qua đó giúp cho các nước xây dựng các kịch bản kinh tế phù hợp.

Ngoài ra, đối với giới phân tích kĩ thuật, họ có thể dựa vào chỉ số FedWatch của CME Group, lãi suất của các hợp đồng tương lai của FED (futures fed funds) và đường cong lãi suất của US Treasury Bond để nhận định về thay đổi chính sách của FED trong vài tháng tới.

Với PBoC, chúng ta không có nhiều công cụ như vậy.

Những người cho rằng, việc PBoC phá giá là để tiến tới việc để thị trường quyết định tỷ giá có thể sẽ phải cân nhắc lại nhận định của mình nếu họ biết rằng, vào phiên giao dịch cuối tuần trước (11/9), chỉ trong vài phút, tỷ giá đồng Nhân dân tệ giao dịch tại thị trường Hong Kong đã tăng 1% khi các ngân hàng có vốn Trung Quốc đẩy mạnh việc mua vào Nhân dân tệ.

Đã đến lúc PBoC nói riêng và Trung Quốc nói chung cần chuyển từ ứng xử theo “thuật” (thói quen cá biệt) sang theo “đạo” (luật lệ, thông lệ quốc tế). Trung Quốc đã chuyển đổi được 35 năm, quốc gia này cũng gia nhập WTO được 14 năm và đang vận động cho sự ra đời của RCEP, nên có rất ít lí do để nói rằng Trung Quốc chưa quen thuộc với hệ thống luật quốc tế.

Nếu muốn trở thành người thay đổi luật chơi (rule-maker), Trung Quốc trước hết cần là người tuân thủ luật chơi (rule-taker).

Sau khi Trung Quốc đưa ra cam kết cải cách “để thị trường đóng vai trò quyết định”, chúng ta đều ít nhiều kỳ vọng các cải cách thực chất sẽ được ban hành. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lo ngại rằng Trung Quốc chỉ tuyên bố cải cách chứ không thực sự mở cửa.

>> Phần tiếp theo: “Chọn - cho” hay “chọn - bỏ”?

TS. Phạm Sỹ Thành

PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên