MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc dưới thời ông Hồ Cẩm Đào (P1)

16-11-2012 - 16:27 PM | Tài chính quốc tế

Tờ Wall Street Journal đã phác họa bức tranh nền kinh tế Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào thông qua các đồ thị sinh động.

Nhiệm vụ số 1 đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc chính là họ phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế đủ mạnh để tạo ra công ăn việc làm và ổn định xã hội. Xét về khía cạnh này, có thể nhận định 2 vị lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã khá thành công khi chèo lái nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong suốt 10 năm qua. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp thấp. 

Tuy nhiên, đằng sau bề mặt ấy lại ẩn chứa những dấu hiệu căng thẳng: hoạt động xuất khẩu và thị trường bất động sản kiệt quệ, các doanh nghiệp tư nhân bị loại khỏi thị trường, bất bình đẳng và tham nhũng tràn lan. Những nỗ lực của chính phủ dường như là không đủ để tạo ra thập kỷ tăng trưởng tiếp theo. 

Mới đây, tờ Wall Street Journal đã phác họa bức tranh nền kinh tế Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào thông qua các đồ thị sinh động. 

Thập kỷ của tăng trưởng


Dưới thời Hồ Cẩm Đào, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt tốc độ trung bình là hơn 10%/năm. Trung Quốc cũng đối phó khá tốt với khủng hoảng tài chính khi giữ vững được tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế cũng như thị trường lao động và góp phần không nhỏ vào sự phục hồi của kinh tế thế giới. 

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ khiến thứ hạng của Trung Quốc trên trường quốc tế tăng vọt. Trung Quốc đã vượt qua Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản để đứng thứ 2 thế giới. Trung Quốc trở thành thị trường mục tiêu của nhiều tập đoàn quốc tế, các lãnh đạo của nước này ngày càng có được vị thế lớn.
 
Người dân Trung Quốc đã được hưởng lợi từ điều này với mức sống tăng lên mạnh mẽ. GDP bình quân đầu người đã tăng hơn gấp 3, từ mức 2.800 USD hồi năm 2002 lên 9.100 USD vào năm 2012. 
Trung Quốc đã thoát khỏi nhóm các nước nghèo và lọt vào nhóm nước thu nhập trung bình. 

10 năm tăng trưởng vượt bậc thực sự là một thành tích ấn tượng. Tuy nhiên, cũng không thể kể đến công lao của người tiền nhiệm Giang Trạch Dân. Ông Giang đã đưa ra nhiều cải cách đặt nền móng cho tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn này. 

Động lực tăng trưởng biến mất


Năm 2001, Trung Quốc gia nhập vào WTO và sự kiện này là lực đẩy lớn cho hoạt động xuất khẩu. Trong giai đoạn 2002 – 2007, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ trung bình là 30%/năm. Tuy nhiên, điều này cũng khiến khả năng phát triển cao hơn của Trung Quốc bị hạn chế.

Chi phí lao động ngày càng tăng và đồng nhân dân tệ mạnh lên khiến khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu sụt giảm.  

Giờ đây, mọi thứ không còn tốt đẹp như vậy nữa. Năm 2007 chính là mốc phân chia ranh giới. Trước năm 2007, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, tình hình ngày càng xấu đi kể từ sau năm 2007, đặc biệt là năm nay. Tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống chỉ còn 7,8% trong 10 tháng đầu năm 2012. 

Thị trường bất động sản cũng gặp phải bi kịch tương tự. Năm 1998, chính phủ quyết định mở cửa thị trường. Người dân thành thị chuyển từ khu nhà ở cho công nhân được các nhà máy xây dựng lên các căn hộ hiện đại. Từ năm 2002 đến 2010, diện tích xây mới tăng trung bình 17%/năm. Bất động sản trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy nhu cầu nội địa tăng trưởng. Tuy nhiên, do giá cả cũng tăng lên cùng với thu nhập, chính phủ buộc phải làm nguội bớt thị trường này. 

Kết quả là, nguồn cung bị dư thừa, các đô thị ma và dự án treo xuất hiện ngày càng nhiều. Trong 10 tháng đầu năm 2012, diện tích xây mới chỉ tăng 12,7%. 

Thời Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ, khu vực nhà nước hoạt động không hiệu quả bị xiết chặt và do đó các doanh nghiệp tư nhân có chỗ để phát triển. Tuy nhiên, đến thời Hồ Cẩm Đào, mọi thứ lại quay ngược trở lại. Mặc dù số doanh nghiệp nhà nước tiếp tục suy giảm, khu vực này vẫn tiếp tục thống trị nền kinh tế, chiếm 26% tổng sản lượng. 

Lực lượng lao động và vốn tư bản sụt giảm, tín dụng tăng trưởng nóng


Ông Hồ Cẩm Đào được hưởng lợi từ sự bùng nổ của lực lượng lao động và khối lượng vốn tư bản – những nhân tố làm tăng sản lượng. Tuy nhiên, thế hệ tiếp theo sẽ không may mắn như vậy.

Trong thập kỷ vừa qua, số dân trong độ tuổi lao động tăng thêm 10 triệu người. Do đó, sản lượng tăng lên và chi phí tiền lương được giữ ở mức thấp, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu. 
1 thập kỷ trước, các nhà máy Trung Quốc thiếu thốn máy móc để sản xuất, các thành phố thiếu những cơ sở hạ tầng tối thiếu như đường sá. Kể cả năm 2012, khối lượng vốn tư bản của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiệu ứng của các khoản đầu tư mới không còn mạnh mẽ. 

Theo ước tính, trong giai đoạn 2001 – 2010, mỗi đồng vốn tạo ra 0,13 đơn vị sản lượng, giảm so với mức 0,24 và 0,17 trong thời kỳ những năm 1980 và 1990. 

Cho vay bùng nổ trong giai đoạn 2009 – 2010 nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của Trung Quốc. Tỷ lệ nợ xấu/GDP tăng từ 116% trong năm 2002 lên 172% trong năm 2011. Để có thể giảm tỷ lệ này, tăng trưởng tín dụng phải ở mức thấp hơn so với tăng trưởng GDP thực. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

Trở lên trên