MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc mạnh hơn người ta nghĩ?

19-10-2013 - 06:57 AM | Tài chính quốc tế

Tiêu dùng của Trung Quốc đang được thống kê ở mức thấp hơn so với thực tế và do đó quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang dựa vào tiêu dùng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Trung Quốc "nghiện" đầu tư

Câu chuyện Trung Quốc “nghiện” đầu tư không còn là điều xa lạ. Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy, đường sá, sân bay, trung tâm thương mại và các dự án nhà ở với khối lượng nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia hiện đại nào trong lịch sử. 

Ở thời kỳ đỉnh điểm, sau khi thực hiện chương trình kích thích nhằm phục hồi nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tổng đầu tư lên tới mốc cao chóng mặt 49% GDP. Tồi tệ hơn, bất cứ khi nào tăng trưởng chậm lại (như đầu năm 2013), chính phủ Trung Quốc lại tăng lượng vốn đầu tư. 

Yu Yongding – học giả nổi tiếng đến từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, rất lo lắng về vấn đề này. Theo ông, Trung Quốc đang khiến rắc rối trở nên trầm trọng hơn khi dốc vốn vào những ngành hoạt động không hiệu quả và tạo ra lượng hàng tồn kho quá lớn. Hãy lấy ngành thép làm ví dụ. Trung Quốc có hơn 1.000 nhà máy thép và chiếm gần một nửa sản lượng của toàn thế giới. Lượng hàng tồn kho quá lớn khiến tỷ suất lợi nhuận chỉ ở mức quá khiêm tốn 0,04%.   


Tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc tăng cao có liên quan đến tỷ lệ tiết kiệm lên tới 50% trong năm 2007 và đây cũng là một câu chuyện quen thuộc. Người trung Quốc tiết kiệm quá nhiều. Một trong những lý do là cần phải tiết kiệm tiền để đề phòng các trường hợp bất thường như ốm đau hoặc phải nghỉ việc.

Thêm vào đó, chính sách quản lý lãi suất được thực hiện sao cho tiền giá rẻ có thể chảy vào các khu vực được ưu tiên. Xu hướng này khiến nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế càng gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu người tiêu dùng không thể chi tiêu và xuất khẩu không còn là động lực tăng trưởng, Trung Quốc chỉ còn có thể dựa vào đầu tư. 

Theo dự báo, Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, giảm mạnh so với mức gần 12% của năm 2010. Tuy nhiên, Xi Li – trợ lý giáo sư tại ĐH Khoa học công nghệ Hồng Kông, cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ còn sụt giảm mạnh hơn nữa. Theo tính toán của ông, nếu tăng chi tiêu của các hộ gia đình (hiện đang ở mức 34% GDP) lên 50% trong 10 năm tới, đầu tư phải giảm khoảng 3% mỗi năm. Điều đó có nghĩa là GDP giảm 4%. 

Kết luận của Xi Li được đưa ra dựa trên những con số thống kê. Các số liệu chính thức được công bố mỗi năm cho thấy đầu tư chiếm khoảng 50%. Tuy nhiên, bạn có thể nhìn thấy ngay làn sóng đầu tư mạnh mẽ ở Trung Quốc khi đến thăm quốc gia này, với những dự án ngổn ngang khắp mọi miền đất nước. 

Thế nhưng, có khi nào các số liệu chính thức bị sai? Đây là lập luận được đưa ra bởi hai học giả Jun Zhang (đến từ ĐH Fudan) và Tian Zhu (đến từ trường kinh doanh quốc tế Trung Quốc châu Âu). Hai người lập luận rằng tiêu dùng ở Trung Quốc đã bị đánh giá thấp. Trong một nghiên cứu gần đây, hai học giả đã tìm ra 3 hạng mục bị tính toán nhầm. 

Sai số thống kê? 

Thứ nhất là về nhà ở. Trung Quốc thiếu chính xác khi tính toán tiền thuê ẩn tàng (imputed rent) – phần tiền mà người thuê nhà phải trả. Thứ hai, rất nhiều khoản chi cá nhân được thống kê vào hạng mục chi phí của doanh nghiệp. Ví dụ, nhiều giám đốc mua xe riêng bằng tài khoản của công ty. Trên bảng thống kê dữ liệu, phần này được thống kê là khoản đầu tư nhưng thực chất lại là tiêu dùng. 

Thứ ba và quan trọng nhất, bảng khảo sát được thực hiện trên những người có thu nhập cao nhưng không được kê khai đúng, đặc biệt là bộ phận quan chức. Nếu các hộ gia đình có thu nhập cao không tham gia khảo sát, tiêu dùng của họ cũng không được thống kê. 


Tổng hợp cả ba yếu tố trên, hai học giả này cho rằng tiêu dùng ở Trung Quốc thực ra cao hơn khoảng 10 – 12 điểm phần trăm. 

Quan điểm này cũng được nhiều nhà đầu tư ủng hộ. Jonathan Garner – chuyên gia đến từ Morgan Stanley – lâu nay vẫn lập luận rằng trên thực tế tiêu dùng của Trung Quốc ở mức cao hơn so với số liệu chính thức. Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 2, đội của ông ước tính rằng tiêu dùng chiếm 46% GDP của Trung Quốc, cao hơn 1.600 tỷ USD so với số liệu chính thức. Nếu con số này đúng (hoặc thậm chí là đúng một nửa), những câu chuyện đáng sợ về Trung Quốc sẽ trở nên ít đáng sợ hơn. Ví dụ, đầu tư (dù vẫn là quá cao so với tiêu chuẩn bình thường) không phải là hoàn toàn lãng phí. 
Garner tính toán đầu tư chiếm 41% GDP Trung Quốc trong năm 2012, chứ không phải 49%. 

Đồng thời, các số liệu cho thấy quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng đang diễn ra. Ví dụ, số xe hơi được bán ra đã tăng 13 – 14%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các cổ phiếu liên quan đến tiêu dùng cũng tăng điểm tốt hơn các cổ phiếu công nghiệp. 

Tất nhiên, nếu các số liệu về tiêu dùng là không chính xác, số liệu đầu tư cũng không thể đúng. Cần có nhiều tính toán sâu hơn để giải thích và đưa ra con số chính xác. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: phương pháp tính GDP sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. 

Thu Hương

huongnt

FT

Trở lên trên