MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ trong năm nay

30-04-2014 - 21:58 PM | Tài chính quốc tế

Dự đoán kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 24% kể từ năm 2011 đến 2014 trong khi Mỹ chỉ tăng trưởng 7,6%, IMF cho rằng Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ trong năm nay.

Tờ báo tài chính danh tiếng Financial Times vừa có bài báo nhận định Mỹ đang đứng trước nguy cơ đánh mất vị thế nền kinh tế lớn nhất vào tay Trung Quốc ngay trong năm nay, sớm hơn tất cả các dự đoán được đưa ra trước đó. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng Trung Quốc sẽ vươn lên vị trí số 1 vào năm 2019. Mỹ đã lấy vị trí này từ tay nước Anh kể từ năm 1872. 

Đáng chú ý hơn, nhận định trên được Financial Times trích dẫn từ những số liệu của chương trình cạnh tranh quốc tế (ICP) do World Bank thực hiện, đo lường tiền có thể mua được những gì ở các quốc gia khác nhau. Các số liệu này cũng được các tổ chức nhà nước và tư nhân sử dụng rộng rãi, điển hình như IMF. 

Sau khi nghiên cứu giá cả hàng hóa và dịch vụ ở nhiều quốc gia, lần này ICP đã nâng quy mô tương đối của các nền kinh tế mới nổi. Phương pháp ngang giá sức mua (PPP) đã được nhìn nhận là cách tốt nhất để so sánh quy mô các nền kinh tế thay vì sử dụng tỷ giá hối đoái vốn biến động mạnh và không phản ánh hết giá trị thực của hàng hóa dịch vụ. Theo phương pháp tính này, IMF ước tính GDP năm 2012 của Mỹ là 16.200 tỷ USD và của Trung Quốc là 8.200 tỷ USD. 

Năm 2005, ICP cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có quy mô chưa bằng một nửa so với kinh tế Mỹ (43%). Tuy nhiên, theo cách tính mới và sự thực là nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh hơn, năm 2011, ICP cho rằng GDP Trung Quốc bằng 87% GDP Mỹ. Báo cáo của ICP có đoạn: “Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng đang bị Trung Quốc bám sát khi tính GDP theo phương pháp PPP”.
 
Dự đoán kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 24% kể từ năm 2011 đến 2014 trong khi Mỹ chỉ tăng trưởng 7,6%, IMF cho rằng Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ trong năm nay. 

Các số liệu mới được công bố cũng cho thấy sự thay đổi lớn trong bức tranh kinh tế thế giới với các quốc gia thu nhập trung bình và có quy mô lớn đóng vai trò quan trọng hơn. Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong khi trước đó đứng ở vị trí số 10. Quy mô kinh tế Ấn Độ tăng gần gấp đôi, từ 19% GDP Mỹ trong năm 2005 lên 37% trong năm 2011. 

Nga, Brazil, Indonesia và Mexico lọt vào top 12 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngược lại, tăng trưởng chậm hơn khiến Anh và Nhật bị tụt lại xa hơn so với năm 2005, trong khi Đức tiến được một bước nhỏ và Italy vẫn giữ nguyên vị trí. 

Khi sử dụng thước đo tiêu dùng thực tế bình quân đầu người, báo cáo cho thấy phương pháp mới cũng như tăng trưởng nhanh hơn ở các quốc gia nghèo đã giúp giảm đáng kể khoảng cách giàu nghèo. 

Tuy nhiên, những nước giàu vẫn chiếm 50% GDP thế giới trong khi chỉ chiếm 17% dân số thế giới. 

Báo cáo cho thấy Thụy Sĩ, Na Uy, Bermuda và Australia là 4 nước có giá cả đắt đỏ nhất thế giới, trong khi Ai Cập, Pakistan, Myanmar và Ethiopia là 4 nước rẻ nhất. 

Thiên Bình

huongnt

FT

Trở lên trên