MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Là giỏi thật hay chỉ ăn may?

28-12-2012 - 10:01 AM | Tài chính quốc tế

Cách kiểm tra nhanh nhất và dễ nhất là hỏi xem liệu có cố tình thua được không.

Có nhiều điều thật thú vị trong cuốn sách mới của Michael Mauboussin, “Phương trình thành công: Gỡ rối khả năng và may mắn trong kinh doanh, thể thao và đầu tư”, nhưng sau đây là một vài điểm đáng chú ý nhất.

Phân biệt kỹ năng và may mắn thế nào? Tác giả viết:

“Cách kiểm tra nhanh nhất và dễ nhất là hỏi xem liệu có cố tình thua được không. Nếu có thực tài, ro ràng là bạn có thể tự mình thất bại, còn nếu đánh bạc hay chơi xổ số thì làm sao bạn cố tình thua được.”

Bìa cuốn "The Success Equation: Untangling Skill and Lick in Business, Sports and Investing"
Vấn đề của kích thước mẫu: Bây giờ bạn cho mọi người thông tin rằng khu vực có tỷ lệ ung thư thận thấp nhất là các cộng đồng nhỏ ở nông thôn, thế là họ sẽ sáng tác ra vô số lời giải thích như: lối sống lành mạnh, không ô nhiểm,… Nhưng nếu nói ngược lại, chính các cộng đồng nông dân nhỏ lại là nơi có tỷ lệ ung thu thận cao nhất, họ sẽ “hòa giọng” bằng các lý do như: thu nhập thấp, không tiếp cận được dịch vụ y tế,…

Phải nói là cả hai thông tin trên đều đúng cả. Nguyên nhân là kích thước mẫu nhỏ thì kết quả sẽ biến thiên với khoảng rộng hơn, tỷ lệ sai số cũng lớn hơn.

Tác giả Mauboussin chỉ ra rằng chính cái sai số này khiến các nhà hoạch định chính sách đinh ninh trường càng nhỏ điểm số càng cao. Nhưng “các quan” lại quên mất trong danh sách các trường tệ nhất, các trường nhỏ cũng chiếm đa số.

Thiên kiến kẻ sống sót (survivorship bias): Các nhà khoa học hay tập trung tìm hiểu cách xây dựng các doanh nghiệp thành công thông qua nghiên cứu đặc điểm của các “đại doanh nghiệp” trên thị trường.

Một ví dụ là ý kiến cho rằng công ty muốn lớn là phải “liều”. Nhưng khi nghiên cứu các công ty trong quá khứ đã từng “liều”, chúng ta quên mất những công ty cũng “liều” nhưng đã biến mất khỏi thị trường. Muốn có kết quả khách quan, mẫu nghiên cứu phải bao gồm cả những công ty này.

Logic khiến chúng ta vất vả: Hãy thử làm câu đố sau, trước khi nhìn đáp án, người viết bài này cũng làm sai.

Jack đang nhìn Anne nhưng Anne đang nhìn George. Jack đã lấy vợ, còn George thì chưa. Một người đã kết hôn có đang nhìn một người chưa kết hôn không? A) Có; B) Không; C) Chưa thể kết luận.

80% người trả lời câu hỏi này chọn C. Người viết cũng thế. Vì chúng ta có biết Anne đã kết hôn hay chưa đâu. Nhưng nếu Anne đã kết hôn, cô ấy đang nhìn anh George độc thân, còn nếu Anne độc thân, anh Jack đã lấy vợ lại đang nhìn cô này. Thế nên câu trả lời là A.

Trong đời thực, lập luận sai logic gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Một ví dụ nổi tiếng là chẩn đoán sai bệnh nhân mắc ung thư. Các bác sỹ rất hay mắc lỗi logic khi đoán xác suất bệnh nhân bị ung thư.

Nhà đầu tư sử dụng các công cụ đánh giá sai: Nghiên cứu cho thấy lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) là phương pháp đánh giá hiệu quả doanh nghiệp phổ biến nhất và thường được lấy làm căn cứ trả lương cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Các nghiên cứu trên còn đưa ra một kết luận nữa, đó là “phần lớn các công ty đang sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế dài hạn để tăng lợi nhuận ngắn hạn”. Đương nhiên, vì động cơ để “các quan” làm việc đâu có phải lâu dài. Tính theo các giai đoạn ba năm, nếu EPS trong giai đoạn này tăng trưởng càng cao, thì trong giai đoạn tiếp theo tăng càng thấp. Có thể “thổi” số liệu trong một thời gian nhưng kết quả cuối cùng có xu hướng sẽ quay trở về giá trị trung bình.

Quỹ đầu tư “quay về với giá trị trung bình”: Với mẫu nghiên cứu gồm 1.500 quỹ đầu tư, tương quan giữa lợi nhuận vượt mức trong giai đoạn ba năm này với giai đoạn ba năm tiếp theo cũng âm. Các nhà quản lý quỹ cũng có xu hướng “quay về với giá trị trung bình” [tức lợi nhuận vượt mức sẽ có xu hướng tiệm cận mức trung bình ngành].

Tuy vậy, kỹ năng cũng là một yếu tố quan trọng. Nếu chỉ có may mắn không thôi thì trong cơ sở dữ liệu không ghi lại nhiều chuỗi thành công liên tiếp của một cá nhân nhà quản lý quỹ đến thế.

Minh Tuấn

tuannm

The Economist

Trở lên trên