MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm thế nào để phá sản một ngân hàng nhanh nhất?

14-08-2011 - 08:06 AM | Tài chính quốc tế

Cuối năm học thứ hai tại trường Purdue University (Mỹ), ông Giáo sư khả kính đặt một câu hỏi đánh đố cho chúng tôi: “Làm thế nào nhanh và hiệu quả nhất phá sản một ngân hàng?”...

Người giỏi nói láo thập niên 1980 - 1990

Để trả lời câu hỏi, sinh viên chúng tôi đưa ra vài cách định lượng này và vài cách định hướng kia… Ông Giáo sư chỉ dẫn, những cách này mới chỉ đề cập về phần nổi chứ chưa chạm đến phần chìm và cốt lõi vấn đề. Ông gợi ý và cho rằng đây sẽ là thách thức lớn cho chúng tôi sau này: “Hãy chọn và đưa người giỏi nói láo và hay nói láo (good liar) thay cho người không giỏi nói láo và nói láo tồi (bad liar) vào những vị trí quản lý và điều hành”.

Nhớ mãi buổi học hôm đó của 35 năm trước và cho đến nay đó cũng là một trong những trải nghiệm có giá trị rất đẹp trong sự nghiệp.

7 năm và 15 năm sau buổi học về “người giỏi nói láo và hay nói láo và người không giỏi nói láo và nói láo tồi” đó, tôi đã có hai cơ hội kiểm chứng với hai ngân hàng lớn.

Thị trường tài chính Mỹ đã từng chịu đợt rung chấn bởi sự sụp đổ đầy tai tiếng của Continental Illinois National Bank...

Continental Illinois National Bank (CINB) tại thành phố Chicago, ngân hàng lớn thứ 7 của Mỹ vào cuối thập niên 1980 – tôi đã thực tập vào mùa hè năm 1978. Cuối năm 1983, tôi đang làm việc cho Bank of America tại thành phố San Francisco, đã nghe và đọc về những trục trặc thanh khoản của CINB. Đến tháng 5/1984, ngân hàng này bị phá sản. CINB đã thực hiện một kế hoạch phát triển nhanh (bành trướng tài sản) và đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng qua cách mua những khoản vay trong ngành dầu hỏa từ một ngân hàng khác (nợ xấu và nhiều rủi ro).

Vụ phá sản này được xem là lớn nhất trong lịch sử phá sản ngân hàng của Mỹ thời điểm bấy giờ. Chính phủ Mỹ, thông qua Cơ quan liên bang Bảo hiểm tiền gửi, bơm vào 4,5 tỷ Mỹ kim và kiểm soát ngân hàng này. Cổ đông của CINB hầu như bị xóa sạch giá trị cổ phiếu của họ. Gần 7 năm sau, Chính phủ Mỹ bán hết phần của mình và Bank of America mua lại CINB vài năm sau đó. Những người giỏi nói láo và hay nói láo của CINB đã lãnh những án tù.

Tập đoàn Ngân hàng Credit Lyonnais (CL) lớn nhất Pháp và thuộc hàng đầu Châu âu vào đầu thập niên 1990, tôi đã làm việc từ năm 1990 - 1993. CL gần như bị phá sản với kế hoạch phát triển (bành trướng) toàn cầu và đặc biệt nhắm vào thị trường Mỹ với vai trò ngân hàng đầu mối hàng đầu của những khoản tài trợ lớn vào lĩnh vực điện ảnh của Hollywood. Một sự cấu kết giữa một công ty trực thuộc của CL tại Bỉ và giới tài chính “bạt mạng” để bòn rút (cướp) tài sản của CL và các nhà đầu tư khác. Chính phủ Pháp can thiệp, kiểm soát CL và 6 năm sau chuyển CL thành ngân hàng cổ phần, Ngân hàng Credit Argicole mua lại CL và tái cấu trúc vào hệ thống của mình. Những người giỏi nói láo và hay nói láo có liên quan cũng đã lãnh những án tù.

Kết luận điều tra vụ phá sản của Continental Illinois National Bank và gần phá sản của Credit Lyonnais Bank đều có một mẫu số chung khá lớn: Những nhóm người quản lý điều hành “giỏi nói láo và hay nói láo” đã trực tiếp góp phần xóa tên hai ngân hàng này.

Người giỏi nói láo thập niên 2010

Cuối năm 2005, biết tôi vừa bị thất bại (lấy mất) trong một thương vụ M&A trở thành cổ đông và tham gia tái cấu trúc và quản lý một ngân hàng nhỏ, một người bạn đồng nghiệp từ London (có lẽ để an ủi và khích lệ tôi) chuyển tặng cuốn sách “Cách tốt nhất để cướp một ngân hàng là sở hữu một ngân hàng – The best way to rob a bank is to own one” do William Kurt Black, Giáo sư - Luật sư - Thanh tra liên bang về Tín dụng Nhà ở, viết và xuất bản tại Mỹ tháng 4/2005.

Trong cuốn sách của mình, Giáo sư William Black trình bày một bức tranh lớn và chi tiết cuộc khủng hoảng phá sản hàng loạt các định chế tài chính Tiết kiệm & Cho vay (Saving & Loan) tại Mỹ vào cuối thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990. Giáo sư William Black cho rằng, một trong những nguyên nhân chính đó là sự cấu kết những nhóm người hay nói láo và giỏi nói láo của giới tài chính cá mập và những chính trị gia tồi của Thượng viện Mỹ.

Trong cuộc khủng hoảng phá sản ngân hàng tại Mỹ năm 2008 - 2009 vừa qua, Ủy ban Tài chính Quốc hội Mỹ đã mời Giáo sư William Black điều trần về vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers (LB). Vụ phá sản của LB đã châm ngòi và khởi đầu cho cuộc phá sản hàng loạt của các ngân hàng khác tại Mỹ và châu Âu. Thậm chí đến thời điểm này vẩn còn nhiều ngân hàng tại Mỹ vẫn tiếp tục bị giám sát đặc biệt hoặc trong quá trình phá sản.

Giáo sư William Black cho rằng, vụ phá sản của LB là một chuỗi cấu kết của những nhóm người quản lý điều hành “hay nói láo và giỏi nói láo” tạo dựng ra hàng loạt những khoản vay nói láo (Liar Loans – phía trước giúp người vay nói láo và phía sau hợp thức hóa lời nói láo của người vay). Thông qua Công ty dịch vụ vay nợ Aurora (Aurora Loan Services) là công ty con của LB được giao nhiệm vụ của một công xưởng chế tạo và sản xuất hàng loạt các khoản vay nói láo cho thị trường vay thế chấp nhà ở. Hàng loạt khoản vay nói láo này được LB đóng gói và sản sinh ra hàng loạt công cụ phái sinh nói láo khác trong thị trường tài chính thế giới.

Cũng theo Giáo sư William Black, LB là ngân hàng hàng đầu cung ứng dịch vụ và sản phẩm các khoản vay nói láo cho các nhà đầu tư khác.

Như tựa đề cuốn sách, Giáo sư William Black đã ám chỉ những kẻ cướp ngân hàng giỏi và nhanh nhất chính là những người “hay nói láo và giỏi nói láo” trong vai trò những người chủ và quản lý điều hành của chính ngân hàng đó. Họ không chỉ chiếm đoạt (cướp) tài sản chính ngân hàng của mình mà còn sử dụng ngân hàng của họ để chế tác những loại công cụ phụ trợ cho những kế hoạch chiếm đoạt tài sản của những người đi vay và những người đầu tư khác.

Nói cách khác, một người hoặc nhóm người bên ngoài ngân hàng tổ chức cướp ngân hàng thì không thể phá sản ngân hàng bị cướp. Nhưng với cách cướp của nhóm người “giỏi nói láo và hay nói láo” bên trong ngân hàng tổ chức chắc có nhiều khả năng phá sản một hoặc hàng loạt ngân hàng.

Cho đến nay, hầu hết tất cả các vụ phá sản ngân hàng đều như thế…!

Những ngân hàng Việt Nam trong Hệ thống ngân hàng Việt Nam thì sẽ như thế nào ?!

Tác giả bài viết, tiến sĩ chuyên ngành tài chính - ngân hàng Lê Trọng Nhi là người đã có rất nhiều năm làm việc ở Mỹ, tại những ngân hàng lớn như Bank of America tại San Francisco, Credit Lyonnais Securities... Ông nguyên là giám đốc đầu tư Ngân hàng Deustche Bank, cố vấn ngân hàng đầu tư CLSA thuộc hệ thống Credit Agricode (Pháp). Hiện tại, ông đã về Việt Nam và đang là cố vấn tên tuổi cho các ngân hàng trong nước.

Theo Tiến sỹ Lê Trọng Nhi

Báo Đất Việt

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên