MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

LG: Chật vật tìm lại ngai vàng

15-07-2015 - 15:27 PM | Tài chính quốc tế

Sau nhiều thập kỷ bị tụt hậu, LG đang có cơ hội quay trở lại vị trí dẫn đầu trong thị trường TV.

LG từng là thương hiệu dẫn đầu thị trường điện tử của Hàn Quốc. Năm 1959, Lucky Goldstar (thương hiệu đầu tiên của LG), sản xuất chiếc TV đầu tiên của Hàn Quốc, và sau đó là quạt điện và chiếc điện thoại đầu tiên.

Vào năm 1970, chiếc tủ lạnh và máy điều hòa đầu tiên do Hàn Quốc sản xuất cũng là của LG. Vang bóng một thời nhưng hiện LG lại đang phải vật lộn với khó khăn để phục hồi danh tiếng đã mất.

Đặc biệt, đối thủ đồng hương của LG là Samsung đang lấn lướt trong mọi thị trường. Thực tế trong khoảng 3 thập kỷ trở lại đây, Samsung và LG luôn rượt đuổi nhau không ngừng trên thị trường quốc tế với những sản phẩm như ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động...

Nhưng năm ngoái, Samsung đã có doanh thu gấp 4 lần và gần 15 lần lợi nhuận so với các đối thủ như LG. Đà phát triển của Samsung bật mạnh từ năm 2009 khi hãng này quyết định nhảy vào thị trường smartphone cạnh tranh trực tiếp với iPhone của Apple.

Cùng thời điểm, phản ứng của LG là chỉ đưa ra một phiên bản điện thoại Chocolate cơ bản. Kết quả là trong khi đối thủ Samsung hưởng lợi nhuận từ sự bùng nổ smartphone, LG Electronics bị thua lỗ trong kinh doanh điện thoại di động. Năm 2010, CEO của Hãng đã phải từ chức và được thay thế bằng một thành viên sáng lập của gia đình Koo.

Vì gia nhập muộn màng nên LG hiện chỉ chiếm chưa đầy 5% thị phần smartphone thế giới, so với con số hơn 25% của Samsung. Chưa kể, thị trường này còn có sự gia nhập quyết liệt của các công ty Trung Quốc như Lenovo, Huawei, Xiaomi, và Micromax của Ấn Độ. Chiến lược của LG là tiếp tục đầu tư mạnh với các phiên bản smartphone hạng sang như G4.

Nhưng các nhà phân tích hoài nghi loại smartphone có tính phô trương như vậy sẽ đi theo vết xe đổ của hãng điện thoại Đài Loan HTC, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường smartphone đang đi xuống.

Hãng tin Bloomberg cho biết, Samsung đã có quý thứ hai liên tục lợi nhuận không đạt kỳ vọng. Ngoài ra, đây còn là quý thứ 7 liên tiếp lợi nhuận của Hãng suy giảm. Theo báo cáo của Samsung, lợi nhuận của Hãng trong quý II giảm 4%, còn 6,9 nghìn tỷ won, tương đương 6,1 tỷ USD, so với mức dự báo 7,2 nghìn tỷ won mà các nhà phân tích đưa ra.

tv oled LG doanhnhansaigon
 

Đối mặt với những khó khăn trong thị trường smartphone, LG đang đặt cược vào một số công nghệ mới nổi. Đặc biệt, kể từ năm 2013, Hãng tập trung sản xuất màn hình OLED cho dù sản xuất tấm OLED lớn rất tốn kém. Năm ngoái, LG cho biết đã có bước đột phá trong kỹ thuật sản xuất màn hình OLED lớn và tăng năng suất sản xuất lên đến 80%.

Phiên bản màn hình cong OLED 55inch trong năm 2013 có giá 15.000 USD, nhưng phiên bản mới nhất chỉ có giá khoảng 2.500 USD. LG hiện đang tăng công suất tại một nhà máy sản xuất OLED thứ hai và đang xem xét đầu tư một nhà máy thứ ba.

Màn hình OLED nhẹ mỏng đang cho phép LG thử nghiệm với màn hình trong suốt, có thể gập lại và uốn cong. Đối với màn hình nhỏ hơn, LG hy vọng trong vòng 5 năm, 40% smartphone sẽ có màn hình OLED dẻo.

DisplaySearch, cho biết LG có thị phần lớn nhất (trên 90%) toàn cầu cho màn hình đồng hồ thông minh, đặc biệt là cho khách hàng Apple. Thị trường xe kết nối với nhiều thiết bị điện tử đang thịnh hành cũng tạo ra lợi thế cho LG. LG trở thành một trong bốn nhà cung cấp màn hình hiển thị trong xe hơi lớn nhất thế giới. Hãng cũng cung cấp pin xe điện cho 13 trong 20 thương hiệu ô tô lớn nhất thế giới...

Nhưng TV OLED vẫn là cuộc chiến mà LG tập trung cao độ nhất. Hiện tại, Samsung có thể vượt qua được các rào cản kỹ thuật để phát triểncông nghệ OLED WRGB. Tuy nhiên, việc nắm giữ bằng sáng chế của LG đang là hạn chế lớn nhất của Samsung trong việc tiếp cận với OLED WRGB.

Trong khi đó, Sony và Panasonic của Nhật Bản đã từ bỏ một đề xuất hợp tác để sản xuất hàng loạt OLED màn hình lớn. Kết quả là LG đang nổi lên dẫn đầu thị trường này và dự đoán LG có thể bán ra tới 10 triệu TV OLED trong vòng 4 năm tới.

Tuy nhiên, thiếu cạnh tranh lại gây khó khăn hơn cho LG vì Hãng phải tự tạo ra một thị trường lớn. Trước mắt LG là chặng đường dài để tới điểm hoàn khoản vốn đầu tư trên 3 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất OLED từ năm 2010.

Và ngay cả khi người tiêu dùng trên thế giới bắt đầu quen dùng TV OLED màn hình lớn thì lợi thế của LG có thể không kéo dài. Samsung chắc chắn sẽ tung các nguồn lực lớn hơn để bắt kịp. LG đang có một ngôi sao vàng may mắn nhưng giữ nó sẽ không dễ dàng.

Theo Hà Cúc

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên