MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên hiệp quốc không công nhận Crimea ly khai khỏi Ukraine

28-03-2014 - 16:41 PM | Tài chính quốc tế

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về Crimea có thể được sử dụng như một bằng chứng để chống lại Nga.

Hơn một nửa số thành viên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc bỏ phiếu không công nhận cuộc trưng cầu dân ý mà Crimea tổ chức để tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga.

Trong khi đó, gần một nửa số thành viên còn lại bỏ phiếu trắng, phiếu chống hoặc không bỏ phiếu.

Theo tin từ Bloomberg, ngày 27/3, 193 thành viên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã bỏ phiếu về cuộc trưng cầu dân ý của Crimea. Kết quả, có 100 phiếu thuận và 11 phiếu chống. Với kết quả này, Đại hội đồng thông qua một nghị quyết coi cuộc trưng cầu dân ý của Crimea là không hợp lệ, tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia và tổ chức không công nhận “bất kỳ sự thay đổi tình trạng nào” của Crimea. 

58 thành viên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu này, 24 thành viên khác vắng mặt.

Nghị quyết trên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc không mang tính ràng buộc pháp lý mà chỉ là sự thể hiện quan điểm của các thành viên về vấn đề Crimea. Nghị quyết này cũng không đề cập tới việc Nga đưa quân vào Crimea hay sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga. 

Mặc dù vậy, trước khi cuộc bỏ phiếu, các nước đứng về phía Ukraine đã mong muốn có được tỷ lệ áp đảo phản đối cuộc trưng cầu dân ý của Crimea nhằm thể hiện sự cô lập của quốc tế đối với nước Nga trong cuộc khủng hoảng này. Mong muốn này của các quốc gia ủng hộ Ukraine đã không thể trở thành hiện thực khi nhiều nước thành viên đảo ngược cam kết trước đó, do sự vận động hành lang quyết liệt của Nga.

“Nhiều thành viên Liên hiệp quốc tránh bỏ phiếu về những cuộc tranh chấp nhạy cảm không liên quan tới họ tại Đại hội đồng”, ông Richard Gowan, một chuyên gia từ Trung tâm Hợp tác quốc tế thuộc Đại học New York, đánh giá. “Chẳng hạn, các nước châu Phi đặc biệt tránh bỏ phiếu thuận hoặc chống các nghị quyết về nhân quyền ở Iran hay Triều Tiên”.

Đối với các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, các nước thành viên không có nghĩa vụ phải tuân thủ, trái ngược với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an có ràng buộc pháp lý. Đầu tháng này, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an để ngăn cản một nghị quyết về vấn đề Ukraine. Trong Đại hội đồng, không nước nào có quyền phủ quyết.

Tuy nhiên, nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về Crimea có thể được sử dụng như một bằng chứng để chống lại Nga, trong quá trình tìm kiếm sự công nhận quốc tế đối với việc Crimea trở thành lãnh thổ của nước này. Chuyên gia Gowan cho rằng, việc Mỹ và đồng minh huy động được 100 phiếu thuận trong cuộc bỏ phiếu này “ít nhất là một sự cải thiện” so với thời điểm năm 2008, khi chỉ có 14 nước ủng hộ một nghị quyết liên quan tới cuộc chiến tranh của Nga ở Georgia.

Ông Gowan cũng nói rằng, vào năm 2008, chỉ có 11 nước bao gồm Nga bỏ phiếu chống nghị quyết nói trên, bởi phần lớn thành viên Liên hiệp quốc không muốn “dính vào” cuộc đối đầu Đông-Tây.

Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vitaly Churkin nói rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine là sự gây hấn của Mỹ và EU nhằm phá vỡ những mối ràng buộc giữa Crimea và Nga. 

“Cuộc khủng hoảng này phần lớn được gây hấn bởi những hành động phiêu lưu của những lực lượng chính trị hiện nay muốn phá vỡ những mối ràng buộc kéo dài hàng thế kỷ giữa Nga và Ukraine. Chính sách này được thực hiện với sai lầm chưa từng có tiền lệ”, ông Churkin nói trước cuộc bỏ phiếu.

Ông Churkin coi kết quả bỏ phiếu trên là một “thắng lợi về đạo đức” đối với nền ngoại giao Nga. “Tôi nghĩ, việc gần một nửa thành viên Liên hiệp quốc từ chối ủng hộ nghị quyết này là rất đáng khuyến khích”, ông Churkin nói.

Theo một nhà ngoại giao của Liên hiệp quốc, trong một tuần qua, ông Churkin đã ra sức vận động các thành viên tổ chức này để có được con số nhiều nhất có thể các thành viên bỏ phiếu trắng hoặc vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu ngày 27/3. Khi gặp đại diện các nước châu Phi và Trung Á, ông Churkin đã nhắc lại việc Nga đã từng thể hiện sự ủng hộ đối với họ như thế nào.

Cũng theo nhà ngoại giao trên, một số nước thông cảm với Ukraine quyết định bỏ phiếu trắng vì không muốn “dính” vào cuộc xung đột. Một số khác lo sẽ phá hỏng quan hệ kinh tế với Nga.

Về phần mình, 28 nước thành viên EU và Mỹ cũng mở một chiến dịch ngoại giao nhằm chống lại những nỗ lực vận động hành lang của Nga.

Những nước cùng Nga bỏ phiếu chống nghị quyết lần này của Đại hội đồng Liên hiệp quốc gồm Armenia, Belarus, Bolivia, Cuba, Triều Tiên, Nicaragua, Sudan, Syria, Venezuela và Zimbabwe. Các nước Serbia, Iran, Bosnia và Yemen không bỏ phiếu. Các nước bỏ phiếu trắng bao gồm Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iraq, Mông Cổ, Myanmar... và các nước châu Phi khác. 

Cuba và Triều Tiên nói rằng, Mỹ và các nước đồng minh đã can thiệp để lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của Tổng thống Viktor Yanukovych. Trung Quốc thì nói, họ bỏ phiếu trắng là do lập trường chính sách ngoại giao không tham gia vào công việc nội bộ của các nước khác, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.

Trước cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia phát biểu rằng, nước này tìm đến Đại hội đồng Liên hiệp quốc để gửi đi “một thông điệp quan trọng rằng, cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép những gì xảy ra ở Crimea trở thành một tiền lệ cho những thách thức sau này đối với khuôn khổ luật pháp quốc tế. Tôi tin rằng, một cuộc bỏ phiếu mạnh mẽ hôm nay sẽ giúp chặn đứng những động thái gây hấn tiếp theo”.

Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về Crimea, nói rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine có ảnh hưởng vượt xa khỏi châu Âu.

“Đây không chỉ là một vấn đề của riêng Ukraine hay châu Âu. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đều là thách thức nghiêm trọng đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế”, Đại sứ Nhật tại Liên hiệp quốc Motohide Yoshikawa nói.

Theo An Huy

huongnt

VnEconomy

Trở lên trên