MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Liên minh in tiền" Mỹ - Nhật

10-04-2013 - 12:39 PM | Tài chính quốc tế

Với động thái bơm tiền ồ ạt của NHTW, thị trường tài chính Mỹ, đặc biệt là những khoản đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro nhất, sẽ được hưởng lợi, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo sau Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trong tuần trước NHTW Nhật Bản (BoJ) vừa thông báo một kế hoạch thậm chí còn ẩn chứa nhiều tham vọng hơn: nâng gấp đôi chương trình mua tài sản với hi vọng thúc đẩy được đầu tư và lạm phát.

Nhìn lại những gì Fed đã làm và nâng qui mô bảng cân đối kế toán vượt qua con số 3.000 tỷ USD, nhiều người có thể lo ngại TTCK Nhật Bản sẽ bắt đầu cạnh tranh với TTCK Mỹ để thu hút lượng vốn đầu tư. Tuy nhiên, không ít người cho rằng những nỗ lực của BoJ sẽ chỉ bổ sung chứ không làm chệch hướng chương trình kích thích của Fed. 

Theo Quincy Krosby – chiến lược gia trưởng tại Prudential Annuities, tiền sẽ đi về nơi mà nó được đối xử tốt nhất. Trong bối cảnh nhà đầu tư đang ráo riết “săn lùng” mức lợi suất cao như hiện nay, nơi đó chính là TTCK Mỹ và Nhật Bản. 

Khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ thông báo của BoJ chính là TTCK Nhật Bản. Kể từ khi bắt đầu rộ lên dự đoán về các gói kích thích, thị trường đã tăng điểm không ngừng nghỉ. TTCK, thị trường trái phiếu Mỹ và một vài thị trường khác cũng đã sẵn sàng hồi phục. 

Trong bối cảnh rất nhiều nhà đầu tư dự báo thị trường Mỹ sẽ có đợt điều chỉnh sau quý I tăng điểm mạnh mẽ, động thái của BoJ được đưa ra vào thời điểm rất thích hợp. Dự báo về mùa báo cáo tài chính quý I và thị trường lao động không mấy khả quan khiến thị trường bị chững lại. Một số chiến lược gia đã bắt đầu bàn về việc tạm rút tiền ra và chờ cho đến khi thị trường giảm điểm để có điểm khởi đầu tốt hơn. Tuy nhiên, gói kích thích vừa được BoJ thông báo lại khiến thị trường bùng nổ. 

Theo Michael Yoshikami, CEO của Destination Wealth Management (DWM), diễn biến của thị trường hiện đang dựa trên yếu tố tiền tệ và do đó đến một lúc nào đó xu hướng hiện nay sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, ít nhất thì nhà đầu tư sẽ có được kết quả khả quan trong ngắn hạn. 

“Đừng chống lại Fed”, Yoshikami nói. Ông nhận định số tiền mà các NHTW đang tung ra sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong vòng 5 – 10 năm tới. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị giảm xuống. 

Thêm vào đó, nhà đầu tư cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Có thể những gói nới lỏng định lượng khổng lồ ở Nhật Bản sẽ không tạo ra được hiệu ứng đẩy mạnh tăng trưởng và lạm phát, giống như những gì đang diễn ra ở Mỹ. Bất chấp nỗ lực của Fed, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng lên và tỷ lệ lạm phát không có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, dù sao thì trong thời gian gần đây, nhà đầu tư cũng đã cân nhắc đến những thay đổi trong dài hạn. Chính sách tiền tệ được sử dụng như một công cụ để tạo ra lực cầu và câu hỏi ở đây là liệu điều này có kết thúc trong nước mắt hay không. Không ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Thế nhưng, dù sao thì thị trường vẫn đang hân hoan chào đón các gói kích thích.  

Minh Anh

huongnt

CNBC

Trở lên trên