MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗi ở người đã nằm trong quan tài

24-01-2013 - 08:47 AM | Tài chính quốc tế

Vì thế hệ đầu tiên không cần đóng góp gì cũng được hưởng lương hưu, nên các thế hệ sau đang phải còng lưng gánh tiền phúc lợi cho người cao tuổi

Nền kinh tế Mỹ đang trong tình thế bi đát, thất nghiệp cao và chương trình An sinh xã hội dành cho người cao tuổi sắp hết tiền. Ấy là năm 1981.

Để cứu chương trình rất được lòng dân này, TT Ronald Reagan thành lập một ủy ban do Alan Greeenspan lãnh đạo. Ông này sau đó được bổ nhiệm làm Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ.

Ban đầu ủy ban làm việc rất chậm chạp, nhưng sau đó nhờ các thỏa thuận kín giữa hai đảng, một nhóm 9 nghị sỹ đã đi đến đồng thuận tăng thuế bảng lương và dần dần sẽ tăng cả tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67.

Nhưng theo lời Greenspan, thỏa thuận ấy không có tính vĩnh cửu. “Tìm nguồn tài chính cho 75 năm sắp tới là tất cả những gì hệ thống chính trị sẽ làm. Còn từ năm thứ 76 trở về sau, hậu quả sẽ là thâm hụt khổng lồ.”

Một lần nữa nước Mỹ lại tê liệt vì cuộc chiến ngân sách có liên quan tới khoản thâm hụt dự tính trong dài hạn, và câu chuyện của ông Greenspan cho chúng ta biết vì sao: phúc lợi của người nghỉ hưu đang được chính phủ thanh toán bằng tiền thuế hiện tại.

Cái gọi là tài sản tích lũy không tồn tại vì Quốc hội năm 1939 đã “cho không” thế hệ hưởng lương hưu đầu tiên.

Thế hệ “baby boom” (bùng nổ dân số) đã trả tiền phúc lợi cho cha mẹ họ. Nay họ đang nghỉ hưu và kỳ vọng mình sẽ được ai đó chăm sóc.

Các nước khác cũng gặp vấn nạn ngân sách khi dân số già đi (như Nhật Bản), nhưng vì nước Mỹ luôn muốn giới hạn quy mô của chính phủ nên mọi thứ lại càng phức tạp.

Ví dụ như ngành dược là của tư nhân nhưng chương trình chăm sóc y tế cho người về hưu Medicare lại gây áp lực cực lớn với ngân sách. Đến năm 2037, Medicare sẽ lấy của nước Mỹ thêm hơn 3% GDP nữa.

Khi Obama nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ hai, thử thách thực sự của ông sẽ không phải là “vách đá tài khóa”, trần nợ công hay thâm hụt mà là có nên tiếp tục chi tiền cung phụng người cao tuổi hay không, và nếu có thì lấy tiền ở đâu.

Câu trả lời cho vấn đề này sẽ quyết định bản chất nền kinh tế Mỹ trong thế kỷ 21.

Một mặt, nếu không thay đổi các cam kết với người cao tuổi, thuế suất sẽ phải tăng thêm ít nhất 30%; nước Mỹ sẽ chẳng khác gì một nền kinh tế Âu Châu già nua.

Mặt khác, nếu thuế vẫn thấp, trừ khi có cải cách triệt để chi phí y tế, nếu không nhiều loại phúc lợi cho người nghỉ hưu sẽ phải cắt giảm, dù ở hiện tại hay tương lai, dù họ giàu hay họ nghèo.

Câu hỏi đặt ra là liệu một chính quyền liên bang nhỏ có chèo chống nổi một xã hội đang già đi.

Đó là lý do vì sao đấu đá chính trị lại dữ dội đến thế. Thắng bại sẽ không chỉ là chuyện thu của người giàu thêm một chút thuế hay cắt một chút ngân sách giáo dục, mà đó là trận đánh quyết định hình hài nước Mỹ tương lai.

Với Thống đốc bang Indiana Mitch Daniels, ông chỉ chấp nhận có một câu trả lời. “Tôi cho rằng chỉ một nền kinh tế tư nhân thực sự năng động là có thể tạo ra đủ tăng trưởng để giải quyết vấn đề nợ nần.” Daniels luôn là tiếng nói nổi trội của Đảng Cộng hòa trên lĩnh vực ngân sách.

Với Đảng Dân chủ và TT Barack Obama, rõ ràng ưu tiên của họ khác. TT Obama nói tăng thuế và giảm chi tiêu sẽ không cân bằng.

Thay vào đó, tuần trước ông tuyên bố “nhiệm vụ của chúng ta là tiến lên phía trước và thủ tiêu những cam kết trước đó về Medicare, An Sinh xã hội, Medicaid, và thay đổi một cách căn bản những cam kết ấy để đảm bảo người cao tuổi không rơi vào cảnh túng thiếu”.

Câu trả lời kể trên rõ ràng có quy mô khác hẳn việc so sánh thu ngân sách dự tính theo dự thảo của Hạ nghị sỹ Paul Ryan thuộc phe Cộng hòa và dự thảo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO).

Năm ngoái thâm hụt ngân sách khoảng 7% GDP, nhưng ngay cả với dự báo doanh thu thuế của Đảng Cộng hòa và dự báo chi tiêu của Đảng Dân chủ, đến cuối thập niên này ngân sách sẽ ở mức cân bằng cơ bản (primary balance, tức chưa tính tới lãi vay).

Có được thế là nhờ thu ngân sách phục hồi hậu suy thoái, các kích thích kinh tế chấm dứt và các biện pháp giảm thâm hụt phát huy tác dụng.

Đến thập niên 2020, thời kỳ “tốn kém” mới bắt đầu. Thế hệ “baby boomer” bước vào tuổi thất thập và bắt đầu ốm đau nhiều. Tuổi nghỉ hữu sẽ ổn định ở mức 67 vào năm 2022. Thu chi ngân sách sẽ không thể cân đối và nợ sẽ chồng chất.

Nhiều kế hoạch ngân sách hiện nay của Washington chưa hề nhận diện được các vấn đề dài hạn mà chỉ tập trung vào giai đoạn 10 năm sắp tới. Ví dụ như dự luật hạn chế chi tiêu tự định năm 2011 hay “vở kịch” trần nợ công sắp diễn ra vào tháng 2 tới đây.

Kế hoạch nào muốn giải quyết được rủi ro dài hạn (như đề xuất Simpson-Bowles của Ủy ban chống thâm hụt của Tổng thống) để phải kết hợp cả ba yếu tố: giảm chi tiêu, tăng thuế và thu hẹp Medicare. Vấn đề là sắp xếp sao cho cân đối.

Quốc Anh

tuannm

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên