MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lột mặt nạ thiên đường tài chính bằng một cú nhấp chuột (P1)

25-04-2013 - 19:20 PM | Tài chính quốc tế

Trong nhiều năm, Panama nổi tiếng là một thiên đường tài chính trơ trẽn và kín đáo. Nó thích hợp với những trò rửa tiền, các băng đảng tội phạm, bọn lừa đảo tài chính và những tên xảo quyệt còn đang hợp pháp.

Trong cái im lặng gần như hoàn toàn, những ngón tay nhỏ nhắn lướt nhanh trên bàn phím máy laptop, nhẹ nhàng như không hề chạm vào. Rồi Daniel O’Huiginn xoay chiếc máy vi tính lại để mọi người có thể nhìn thấy. Đó là ngôn ngữ lập trình, người ta không biết những mệnh lệnh, biểu tượng, và hàng loạt chữ, số có ý nghĩa như thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn: bằng hành động này, Daniel O’Huiginn đã “làm khó” cho những siêu đại gia hàng đầu của nước Đức. Quả vậy, ứng dụng lên trang web của nó cho phép bất kỳ ai khám phá được tất cả những gì chứa đựng tại thiên đường tài chính Panama, nổi tiếng là một nơi rửa tiền của thế giới nhà giàu.  

Nó giống như một trò chơi: gõ một cái tên vào thanh tìm kiếm, nhấp chuột vào chữ search, và người ta la lên: “Không thể nào tin được!”. Chẳng hạn, đã tìm thấy tên gia đình Porsche, Piech (liên kết giữa Porsche, Volkswagen và Audi) và Quandt (BMW), của nhà xuất bản Hubert Burda, của tập đoàn Jacobs (làm giàu bằng cà phê) và gia tộc ngân hàng Finck. Tất cả đều là tỉ phú. Những tên hoàng gia đặc biệt cũng hiện lên hàng loạt, từ Habsbourg đến Stauffenberg, qua Wittgenstein và Furstenberg. Còn chưa kể các ông chủ lớn, những nhà ngân hàng lừng danh và nhà sưu tập nghệ thuật nổi tiếng. 

Trong nhiều năm, Panama nổi tiếng là một thiên đường tài chính trơ trẽn và kín đáo. Nó thích hợp với những trò rửa tiền, các băng đảng tội phạm, bọn lừa đảo tài chính và những tên xảo quyệt còn đang hợp pháp. Với thời gian, Panama nằm trong hầu hết danh sách đen của các thiên đường tài chính và rửa tiền. Sớm hay muộn nó cũng phải bị trừng phạt. Để giảm bớt áp lực quốc tế, Panama đã tiến hành sửa đổi. Chẳng có gì nhiều lắm, nhưng dù sao cũng có lệ. Một trong các giải pháp là công bố trên mạng internet sổ sách thương mại của quốc gia. Động cơ tìm kiếm chỉ cho phép gặp được công ty, không gặp được con người. Vì thế cơ sở dữ liệu đó không hữu ích cho nhà điều tra hay nghiên cứu. Tuy nhiên, nó vẫn có sẵn trên mạng. 

Ngày nay, một số người tự cho mình có trách nhiệm cóp nhặt các thông tin giá trị nằm rải rác trên mạng để công chúng có thể tiếp cận được. Lý tưởng của họ là: mọi việc đều phải trong sáng. Daniel O’Huiginn, 29 tuổi, con mọt sách người Anh, một hacker có lý tưởng, là một trong số đó. Chúng tôi gặp anh ta ở Sarajevo đang làm việc cho một Hội nhà báo điều tra. Đêm xuống, thành phố bốc mùi gỗ ẩm bị đốt cháy. Khủng hoảng kinh tế khiến người ta chẳng quan tâm cái gì có thể đốt lò sưởi. Văn phòng của Daniel O’Huiginn thật thảm thương: một tấm thảm cũ màu xám, một cái bàn, một cái ghế và một laptop. Một thanh niên xanh xao, tóc dài, ốm đói đang làm việc ở đây. Ngay cả tiếng nói của anh ta cũng thiếu hơi. 

Cách nay năm năm, một bằng hữu làm trong tổ chức bảo vệ quyền con người, nói cho anh ta biết: Panama là quốc gia duy nhất công bố hồ sơ thương mại trên mạng. Daniel O’Huiginn cười nói: Không dễ ăn đâu! Quả vậy, muốn tìm thấy một tên người nào đó, phải chọn lựa trong số hàng chục ngàn hồ sơ. Cách nay không lâu, quy trình chán ngắt này cho phép các chiến binh của một tổ chức tranh đấu, tìm thấy một công ty Panama đăng ký bằng tên của tay buôn lậu vũ khí người Syria Monzer Al-Kassar. 

Thế là Daniel O’Huiginn lập ra một chương trình gom thu thông tin của khoảng 600.000 công ty xuất hiện trong khối dữ liệu này một cách hoàn toàn hợp pháp. Những thông tin như: ai cầm đầu công ty và nó được thành lập ngày nào. Đưa tất cả lên trang blog của mình để mọi người truy cập đều có thể tiếp cận thông qua một hình thức tìm kiếm. Từ đó, chỉ cần hai giây là đủ để tìm ra dấu vết của tên buôn lậu vũ khí Monzer Al-Kassar và công ty của hắn.

PIECH và PORSCHE

Dĩ nhiên, có những lý do rất đơn giản để thành lập một công ty ở Panama. Chẳng hạn Red Bull và Adidas đã có những chi nhánh ở đó để giám sát hoạt động của mình trong vùng: bán giày thể thao và nước uống tăng lực. Trái lại có nhiều ông chủ xí nghiệp người Đức xuất hiện trong dữ liệu của Daniel O’Huiginn lại không kiếm được tiền tại Panama. Chỉ riêng hai gia tộc Piech và Porsche  đã đứng đầu 6 công ty ở đây, tất cả thành lập trong khoảng 2005 - 2007.

Vậy tại sao phải thành lập? Theo một cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ, khi nhà độc tài Omar Torrijos lên cầm quyền tại Panama vào năm 1968, xứ này trở nên lý tưởng cho tất cả những ai... có cái gì đó để cất giấu! Nhà buôn vũ khí người Đức Karl-Heinz Schreiber không phải là người duy nhất dùng nơi đây để làm chuyện mờ ám. Hoạt động của y tấp nập đến mức không thể kể hết được. Ở đây có hai lý do tuyệt vời nhất để thành lập một công ty: được miễn thuế thu nhập kiếm được từ nước ngoài và giấu kín được tên tuổi của mình. Theo dữ liệu trên mạng, tên chủ công ty chẳng bao giờ là ông chủ thật. Với giá 50 USD/năm người ta có thể thuê một cư dân địa phương làm giám đốc công ty của mình. 

Như trường hợp Silvia Quandt, con gái người vợ thứ nhất của Herbert Quandt, từ lâu là chủ tịch tập đoàn Quandt. Hồ sơ đăng ký nói bà là chủ một công ty thành lập vào năm 1980, nay đã giải thể mang tên Corvey Trading SA. Nhưng bà lại nói mình chẳng có liên can gì đến, và không thể giải thích tại sao tên mình xuất hiện trong hồ sơ thương mại được công bố của Panama.

Theo Đinh Công Thành

huongnt

CATPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên