MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý giải nào cho việc các "đại gia" bóng đá thắt chặt hầu bao?

29-08-2010 - 09:22 AM | Tài chính quốc tế

Mùa hè năm ngoái họ đã tiêu quá bạo tay trong khi quỹ lương phình lên buộc ngân sách chuyển nhượng phải co lại.

Với Barcelona, mùa hè vừa qua vừa thành công cũng vừa gian khó.

Họ bảo vị thành công ngôi vô địch quốc gia hồi tháng 5 và mới đây bắt đầu cuộc chinh phục cú ăn ba bằng việc mua về cây ghi bàn David Villa. Tháng 7, đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha vô địch World Cup với hầu hết các cầu thủ trụ cột đều đến từ Barca.

Nhưng chẳng có hoa giấy hay chai sâm banh nào bật mở khi Chủ tịch mới Sandro Rosell ccuar Barca công bố những thông tin đáng báo động.

Một cuộc kiểm toán độc lập cho thấy Barca không thành công về mặt tài chính như trên sân cỏ: năm 2009-10, họ đã lỗ 95 triệu đôla thay vì lãi 13,5 triệu đôla như ước tính sơ bộ trước đó. Nợ đã tăng lên 544 triệu đôla từ con số 405 triệu đôla một năm trước đó.

Dù năm ngoái CLB có doanh thu 513 triệu đôla nhưng họ thiếu tiền mặt đến nỗi mùa hè này phải vay khẩn cấp 189 triệu đôla để trả lương cho các ngôi sao của mình; thậm chí một số cầu thủ còn bị bán vội bán vàng.

Barca từng được coi là mẫu mực về mặt tài chính trong một môn thể thao mà người ta vẫn thường thấy sự hoang phí hơn là lợi nhuận. Nhưng mọi chuyện đáng lẽ đã không bất ngờ đến thế.

Hồi tháng 5, khi đang vận động tranh cử chức Chủ tịch CLB, Rosell đã nói với TIME rằng ông ngờ rằng “chúng ta sẽ thấy nợ là một vấn đề lớn, và có lẽ sẽ chẳng có tiền để mua các tên tuổi lớn."

Với các fan của Barca, có lẽ họ cũng được an ủi phần nào vì không phải duy nhất CLB mình phải chịu cảnh cơ hàn. Chưa có một vụ chuyển nhượng bom tấn nào ở Châu Âu mùa hè này, một dấu hiệu cho thấy các CLB hàng đầu hiện đã biết tiêu tiền hơn.

Chưa có vụ chuyển nhượng nào vượt quá 40 triệu đôla, so với 94 triệu đôla Barca đã bỏ ra để mua tiền đạo Zlatan Ibrahimovic năm ngoái hay 117 triệu đôla đối thủ truyền kiếp Real Maldrid mua Cristiano Ronaldo và 92 triệu đôla mua Kaka.

Luôn có những khoản chi điên rồ làm méo mó diện mạo của bóng đá. Năm nay đó là những tỷ phú A rập của Manchester City. Mùa hè này Man xanh đã chi hơn 195 triệu đôla, trong đó có 37 triệu đôla cho tiền vệ Yaya Toure của Barca.

Nhưng những đội bóng vốn có hầu bao lớn đột nhiên trở nên tằn tiện: Manchester United thuộc sở hữu của nhà Glazer vẫn chưa có vụ chi đậm nào. Một số cổ động viên vì bất bình với bảng cân đối kế toán của đội nên đã thử mua lại đội bóng nhưng không thành công.

Chelsea của tỷ phú Nga Roman Abramovich đã bán đi vài cái tên lớn. HLV Aston Villa Martin O’Neil giận dữ vì ông chủ Randy Lerner từ chối cấp tiền mua thêm cầu thủ. Thay vào đó, Villa bán tiền vệ James Milner cho Man xanh với giá 41 triệu đôla.

Số cầu thủ được đăng ký ở Premiership đã bị giảm xuống 25 để hạ thấp chi phí và ngăn không cho các đội bóng lớn tích trữ cầu thủ. Real Madrid vốn là đội nổi tiếng chi bạo tay nhất năm nay cũng khá im hơi lặng tiếng.

Liệu rút cục thói vung tay quá trán cùng suy thoái kinh tế toàn cầu đã buộc ông chủ các CLB cư xử hợp lý hơn?

“Đừng tin vào chuyện đó”, Giám đốc khối doanh nghiệp thể thao thuộc công ty vư vấn Deloitte Alan Switzer nói. “Các fan vẫn trung thành, doanh thu bán vé và tài trợ vẫn tốt nên tổng doanh thu có thể phục hồi cực nhanh”.

Ông dẫn ra ví dụ về Liverpool đã ký hợp đồng tài trợ trong vòng 4 năm trị giá 103 triệu đôla với Standard Chartered Bank vào mùa giải thảm họa 2009-10. “Các CLB hàng đầu nằm trong số những thương hiệu lớn nhất thế giới,” Switzer nói, và nhà tài trợ sẵn sàng chi những khoản hậu hĩ.

Điều đó giải thích vì sao người ta vẫn thích mua lại CLB bóng đá: dù thua lỗ và nợ nần của Liverpool ngang với Barca, nhưng gần đây đội bóng này đã nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư đến từ Canada, Kuwait và New York.

Một lý do số vụ chuyển nhượng bom tấn mùa hè này có giảm đơn giản là vì thị trường chỉ tự điều chỉnh sau mùa hè 2009 hoang phí.

“Năm đó có cái gì đó thật quái lạ,” cựu Chủ tịch Barca Joan Laporta nói với TIME hồi tháng 5. “Một số tên tuổi lớn nhất đột ngột cùng một lúc xuất hiện trên thị trường.”

Và các cầu thủ giỏi nhất cũng nhận mức lương cao nhất nên chi tiêu của CLB nào cũng bị hạn chế.

Mùa giải 2008-09, trung bình, lương tại các CLB tại Premier League chiếm 67% doanh thu. Với Manchester City, con số này còn lên tới 95%. Con số này năm ngoái có lẽ còn cao hơn. Tiền lương tại Barca 3 năm vừa qua đã tăng gấp đôi lên mức 375 triệu đôla.

Không giống như các ngành khác, trên con đường dẫn tới thành công trong bóng đá không có khái niệm “giảm lương”.

Simon Kuper, đồng tác giả cuốn Kinh tế học bóng đá, chỉ ra rằng các đội bóng có cầu thủ được trả lương cao nhất thường chiến thắng hơn. “Vì vậy, nếu một CLB muốn hạn chế chi tiêu, thay vì cắt giảm tiền lương, họ sẽ cắt giảm ngân sách chuyển nhượng,” ông nói.

Để ngăn ông chủ các đội bóng chi tiêu vô độ, UEFA sắp đưa ra hướng dẫn “fair play về tài chính” để ngăn các CLB lớn nhất củng cố thế độc quyền trong môn thể thao này. Dù bộ quy tắc vẫn đang trong quá trình soạn thảo nhưng một số CLB đã bắt đầu chú tâm tới bảng cân đối kế toán của mình.

Barca là một trong số đó. Rõ ràng lỗi làm đang được đổ cho Laporta, người tiền nhiệm của Rosell. Mỉa mai thay ông này lại được tiếng là đã cứu Barca khỏi sự trì trệ cả về mặt tài chính lẫn trên sân cỏ sau khi thắng cử chức Chủ tịch vào năm 2003.

Bí quyết thành công của Laporta là thay vì chi đậm để mua ngôi sao từ các CLB khác, ông bồi dưỡng cho các cầu thủ từ đội trẻ, trong đó có cả Lioenl Messi. Chiến thuật này đạt tới đỉnh vinh quang vào mùa giải 2008-09 khi Barca với một đội hình chủ yếu từ lò đào tạo trẻ giành được tới 6 chiếc Cúp, một thành tích chưa từng có.

Laporta được ca ngợi vì đã cho các CLB bạo chi như Chelsea hay AC Milan thấy thành công trong bóng đá mua được, nhưng cũng có thể tự xây dựng được.

Nhưng trong năm cuối cùng tại vị, Laporta từ bỏ chiến lược của mình.

Ông mua Ibrahimovic từ Inter Milan với giá 66 triệu đôla tiền mặt cộng thêm tiền đạo người Cameroon Samuel Eto’o khi ấy được định giá 29 triệu đôla. Ông cũng mua cầu thủ ít tên tuổi Dmytro Chygrynskiy từ CLB Ukraina Shakhtar Donetsk với giá 36 triệu đôla, cái giá quá cao cho một hậu vệ.

Đúng như dự đoán của mình, giờ Chủ tịch mới Rosell không còn ngân sách để mua các ngôi sao mới.

Thực tế, Barca đang bán ròng cầu thủ khi chia tay với Thierry Henry và Rafael Marquez (chuyển tới New York Red Bulls) và Chygrynskiy. Họ còn cho AC Milan mượn Zlatan Ibrahimovic để có tiền trả lương cho Javier Mascherano sắp chuyển tới.

Thử thách của Rosell hiện giờ là giảm nợ của Barca nhờ cắt giảm chi phí và tìm thêm các nguồn thu nhập mới.

Có một nguồn thu rõ ràng nhưng họ lại không đụng tới đó là tiền tài trợ áo đấu, trong số các CLB lớn, chỉ có Barca không thu khoản này mà mang logo của UNICEF. Các quan chức của CLB đã đề xuất một số ý tưởng kiếm tiền như mở thêm học việc Barca tại các nước Châu Á.

Một lựa chọn khác là đừng lo lắng nữa và họ yêu món nợ. Các khoản cho vay của ngân hàng với các CLB như Barca thường có các điều khoản rất hào phóng và linh hoạt hơn nhiều cho một doanh nghiệp bình thường vay.

Thật dại dột về mặt quan hệ công chúng nếu một tổ chức cho vay nào đó lại mạnh tay với Barca. “Chẳng ngân hàng nào dám liều lĩnh nói, “Chúng tôi sẽ đóng cửa Barca,”” Kuper nói.

Ông nói thêm, các CLB lớn không nên coi nợ nần là gánh nặng. “Nợ ít thì không tối đa hóa được cơ hội."

Trong khi các chủ nợ của Barca có lẽ sẽ nhượng bộ, nhưng các fan của Barca sẽ không “hiền lành” như thế nếu ông không kéo dài được mạch chiến thắng của đội bóng.

“Các fan đã quen với thành công,” ông nói với TIME. “Họ sẽ không chấp nhận cái gì ít hơn thế đâu.”

Bất kể có tốn kém đến thế nào.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên