MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý Khắc Cường - Vị Thủ tướng trầm lặng

26-03-2013 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang kêu gọi cải cách càng sớm càng tốt. Và, tất cả phụ thuộc vào Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Giống như hầu hết các lãnh đạo khác ở Trung Quốc, Thủ tướng vừa được bổ nhiệm Lý Khắc Cường phải có đủ kiên nhẫn để có thể từng bước leo lên các bậc thang danh vọng. Giờ đây, sau 30 năm phấn đấu, vị Thủ tướng vừa lên cầm quyền không được bỏ phí thời gian. Quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang kêu gọi cải cách càng sớm càng tốt. Và, tất cả phụ thuộc vào Thủ tướng Lý Khắc Cường. 

Theo cơ cấu bộ máy lãnh đạo Trung Quốc, ông Lý là người quyền lực thứ 2, chỉ đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong khi Chủ tịch nước là người đưa ra đường lối chung trong 10 năm tới, ông Lý mới là người trực tiếp chịu trách nhiệm về phát triển kinh tế. Bởi vậy, vị Thủ tướng 57 tuổi sẽ là người trả lời câu hỏi đã được lặp lại nhiều lần như 1 điệp khúc: mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, giảm bớt vai trò của khu vực nhà nước trong nền kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền và khắc phục nạn tham nhũng. 

Trong thập kỷ vừa qua, thế giới ghi nhận câu chuyện tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích trong nước lại cho rằng đây là "thập kỷ mất mát" đi kèm với những giấc mơ bị vỡ vụn (đặc biệt là đối với tầng lớp trung lưu), giá bất động sản tăng vọt trong khi ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc sẽ phải giải quyết triệt để những vấn đề này.

Về phần mình, dường như ông Lý Khắc Cường đã nhận ra thay đổi là điều cần thiết. Sau buổi họp nội các đầu tiên, tất cả các bộ ngành đều được giao chỉ thị phải thực hiện cải cách mạnh mẽ và kết quả phải được thể hiện qua một loạt các thành tựu thực tế. Nhận định về động thái này, tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho rằng rõ ràng Trung Quốc đã cam kết sẽ tuân theo chương trình cải cách. 

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên vị Thủ tướng mới nhậm chức đưa ra lời hứa sẽ thay đổi. Cách đây 10 năm, ông Ôn Gia Bảo - người tiền nhiệm của ông Lý - cũng đã cam kết sẽ biến đổi nền kinh tế theo hướng công bằng, nhân văn và bền vững hơn. Mặc dù kinh tế Trung Quốc đã phát triển như vũ bão, mục tiêu bền vững và công bằng dường như quá xa vời. 

Các nhà cải cách hi vọng ông Lý sẽ trở thành người giống như Chu Dung Cơ - cựu Thủ tướng trong giai đoạn 1998 - 2003 và cũng là vị "kiến trúc sư" của một số chương trình cải cách mạnh mẽ nhất của Trung Quốc (trong đó có chương trình tư nhân hóa trên diện rộng). Dự đoán này càng được củng cố sau khi ông Lâu Kế Vĩ - người đã từng là cánh tay đắc lực của ông Chu Dung Cơ - làm bộ trưởng tài chính. 

Tuy nhiên, ông Lý cũng có thể tạo nên 1 phong cách lãnh đạo mới. Theo Yang Dali, chuyên gia đến từ Đại học Chicago, ông Lý là vị Thủ tướng đầu tiên được đào tạo về kinh tế 1 cách có hệ thống. 

Sinh năm 1955 tại miền Trung Trung Quốc, ông Lý trưởng thành trong giai đoạn cách mạng văn hóa và cũng được gửi về nông thôn năm 19 tuổi. Tuy nhiên, không giống những người hơn ông một vài tuổi, ông có được cơ hội học lên cao hơn. Năm 1977, ông vượt qua cuộc cạnh tranh khốc liệt và trở thành một trong số 3 người may mắn đỗ vào Đại học Luật Bắc Kinh. 

Bạn bè cho biết ông là 1 người khá trầm tính, cẩn thận và không thích thể hiện bản thân. Có lẽ chặng đường thăng quan tiến chức đã củng cố thêm nét tính cách này. Tuần tự tiến từng bậc một trong môi trường chính trị khá phức tạp, ông đã học cách kiên nhẫn chờ đợi và khá kín tiếng. 

Những người ủng hộ cho rằng ông có thể thăng tiến từ 1 tỉnh nghèo như Liêu Ninh là nhờ vào những thành tựu kinh tế đã đạt được trong thời gian lãnh đạo nhiều địa phương. Tuy nhiên, những người phản đối lại chỉ trích ông vì không ngăn chặn được dịch HIV ở Hồ Nam. Họ cũng cho rằng với vai trò là Phó Thủ tướng. ông cũng đóng góp nhiều vào nhiệm kỳ thứ 2 không mấy thành công của ông Ôn Gia Bảo. 

Cho đến nay, 2 vị trí lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc vẫn nhận được sự ủng hộ từ công chúng. Tuy nhiên, nếu như họ không thể tạo ra bước đột phá, chắc chắn hi vọng của người dân sẽ lụi tàn. 

Thu Hương

huongnt

FT

Trở lên trên