MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý Quang Diệu: Đông Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng

10-06-2009 - 12:02 PM | Tài chính quốc tế

Yếu tố dân số già, ngày một thu hẹp và chính sách hạn chế nhập cư sẽ cản trở Nhật trở thành đầu tầu tăng trưởng kinh tế lần này.

Phải đến khoảng thời gian từ cuối năm 2009 và năm 2010, người ta mới có thể biết được ảnh hưởng từ chính sách kinh tế của Tổng thống Obama.

Cho đến nay Bộ trưởng Tài chính Mỹ và Chủ tịch hội đồng tư vấn kinh tế Quốc gia đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội bơm tiền vào các ngân hàng và tổ chức tài chính Mỹ. Thế nhưng đây có thể chỉ là những biện pháp đầu tiên.

Các ngân hàng đã buộc phải chịu trách nhiệm về thua lỗ đối với giá trị tài sản và tình trạng thất nghiệp của nước Mỹ. Sau hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 4/2009, TTCK thế giới tăng điểm, phản ánh khả năng cải thiện của kinh tế toàn cầu. Dù vậy nhiều người Mỹ vẫn thể hiện sự dè chừng.

Kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và phần lớn nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ để phát triển kinh tế. Xuất khẩu hàng sang Mỹ giảm, kinh tế các nước này đi xuống mạnh.

Tổng giá trị thương mại với nước ngoài của Singapore tương đương 360% GDP, mức cao nhất trên thế giới. Hồng Kông đứng thứ 2 với tỷ lệ 350% GDP. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cam kết hỗ trợ Hồng Kông nếu cần thiết.

Malaysia, bất chấp nguồn doanh thu lớn từ xăng và dầu, đã buộc phải sử dụng biện pháp kích thích ngân sách để ngăn tăng trưởng kinh tế xuống mức âm. Xuất khẩu từ châu Á sang Mỹ trong quý 1/2009 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2008.

Thương mại hàng hóa liên vùng của châu Á phát triển tốt, chủ yếu đối với sản phẩm hàng hóa bậc trung. Tính toán của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho thấy khoảng 60% tổng hàng xuất khẩu của châu Á cuối cùng được tiêu thụ tại Mỹ, châu Âu và Nhật. Nhu cầu từ Mỹ giảm, thương mại vì thế trượt dốc.

Kinh tế Nhật và Đức, hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, cũng phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ. Hai nền kinh tế này cần kinh tế Mỹ hồi phục để có thể diễn biến tích cực trở lại. Nhật, với dân số già, ngày một thu hẹp và việc từ chối nhập cư, sẽ không thể là đầu tầu tăng trưởng trở lại khi kinh tế thế giới đi xuống lần này.

Chính phủ châu Âu đang lo lắng về khả năng chi tiêu quá nhiều sẽ dẫn đến lạm phát. Thủ tướng Đức Angela Merkel liên tục phản đối quan điểm cho rằng chi tiêu là cách thức hợp lý để cứu kinh tế.

Bà tin rằng nước Đức an toàn bởi không phải đương đầu với bong bóng nhà đất và vấn đề về cấu trúc nền kinh tế. Thế nhưng ngân hàng Đức có đầu tư vào một số công cụ phái sinh độc hại của Mỹ. Kinh tế Đức tăng trưởng âm, châu Âu hẳn sẽ phải chịu ảnh hưởng. Giới điều hành doanh nghiệp Đức hiện đang kêu gọi chính phủ giải cứu.

Cuối tháng 4/2009, ngân hàng lớn của Mỹ công bố kinh doanh quý 1/2009 có lãi, thế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn hoài nghi liệu đây có phải là dấu hiệu cho việc thời kỳ tốt đẹp sắp tới hay không. Dù vậy, tâm lý nhiều người Mỹ đã lạc quan hơn, sự lạc quan của họ là yếu tố quan trọng khiến chỉ số niềm tin tăng lên.

Kinh tế Mỹ sẽ thực sự hồi phục khi các tập đoàn ngừng thắt chặt chi tiêu và lại tuyển dụng lao động. Người Mỹ sẽ bớt sợ hãi về khả năng mất việc và chi tiêu phóng khoáng hơn – thế nhưng mức chi tiêu như trước khủng hoảng sẽ còn lâu mới trở lại.

Người ta nên cảm thấy được khích lệ với bình luận của ông Paul Volcker – một cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama được đưa ra vào cuối tháng 4/2009: “ Tôi ở đây không phải để nói với bạn rằng kinh tế sẽ nhanh chóng hồi phục trong ngắn hạn. Thế nhưng có lý do để tin rằng mọi thứ đang dần ổn định trở lại.” Một khi người Mỹ tiêu dùng, xuất khẩu từ các nước châu Á sẽ tăng trưởng trở lại.

Ngày 24/04, dịch cúm A H1N1 bắt đầu ảnh hưởng đến Mêhicô, ngày 01/05, nước này đóng cửa. Dường như lúc đó người ta đã tin rằng một dịch bệnh sẽ phá hủy nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới.

Thế nhưng ngày 04/05, Mêhicô bất ngờ tuyên bố đã ứng phó được với dịch bệnh và sẽ cho phép các bảo tàng, thư viện và các nơi công cộng mở cửa trở lại.

Virus cúm A đã ảnh hưởng đến hơn 8.800 người tại 40 nước trên thế giới. Tổ chức y tế thế giới vẫn cảnh báo khả năng một đợt dịch lớn. Nếu điều đó xảy ra, thế giới sẽ phải chịu thảm họa lớn về y tế cũng như kinh tế.

Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng nếu virus phát triển ở khu vực sẽ cản trở rất nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Nomura xếp hạng Singapore như đất nước dễ chịu ảnh hưởng nhất từ đại dịch bởi dân số đông và hoạt động thương mại với nước ngoài sôi động.

Không chỉ có vậy Singapore còn là trung tâm hàng không, hàng hải lớn của khu vực. Nước thứ hai trong khu vực Đông Á dễ chịu ảnh hưởng là Hồng Kông. Mỹ, Nhật, Nauy, Pháp và Đức chịu ảnh hưởng ít hơn.


Dự báo của IMF được trích từ Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới công bố tháng 4/2009.

Dự báo tăng trưởng của Consensus được lấy từ Dự báo kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore.

Lý Quang Diệu - thủ tướng đầu tiên của Singapore

Ông Lý Quang Diệu là thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hoà Singapore, ông đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1959 đến năm 1990. Mặc dù đã rời bỏ chức vụ, hiện nay ông vẫn được xem là chính khách có ảnh hưởng lớn thứ nhì tại đảo quốc này (chỉ sau thủ tướng). Ông tiếp tục phục vụ trong chính phủ của thủ tướng Ngô Tác Đống trong cương vị Bộ trưởng cao cấp. Hiện nay Lý Quang Diệu đang giữ một chức vụ được kiến tạo riêng cho ông, Bộ trưởng Cố vấn (Minister Mentor) dưới quyền lãnh đạo của con trai ông, Lý Hiển Long, thủ tướng thứ ba của Singapore (nhậm chức ngày 12 tháng 8 năm 2004), và là người thứ hai thuộc gia tộc Lý đảm nhiệm cương vị này. 


Theo Forbes

(Ngọc Diệp)


ngocdiep

Trở lên trên