MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Margaret Thatcher – Người phụ nữ thay đổi cả thế giới

09-04-2013 - 15:42 PM | Tài chính quốc tế

Mặc dù Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh, ông không thể tạo ra “chủ nghĩa Churchill” giống như “chủ nghĩa Thatcher” mà “bà đầm Thép” đã tạo nên.

Chỉ có một số ít chính trị gia trong thời bình có thể được coi là người thay đổi cả thế giới và “bà đầm Thép” Margaret Thatcher đã làm được điều ấy. Bà không chỉ biến đổi đảng Bảo thủ mà bà lãnh đạo mà còn biến đổi cả nền chính trị của nước Anh. Thái độ khuyến khích tư nhân hóa của bà khơi nguồn cho cuộc cách mạng trên phạm vi toàn cầu. Cùng với cựu Tổng thống Mỹ Reagon, bà Thatcher tạo nên một liên minh vững mạnh trước phe Liên Xô và là một trong những nhân tố khiến Liên minh Xô Viết sụp đổ. Mặc dù Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh, ông không thể tạo ra “chủ nghĩa Churchill” giống như “chủ nghĩa Thatcher” mà “bà đầm Thép” đã tạo nên. 

Tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Thatcher là đứng lên chống lại hiện trạng và vươn tới tự do. Bà cho rằng các quốc gia chỉ có thể phát triển nếu như các cá nhân được tự do: các cá nhân có quyền điều hành cuộc sống của chính họ. 

Ở nước Anh, cuộc chiến chống lại phe cánh tả - đặc biệt là những người thợ mỏ - gợi nhớ đến hình ảnh của Nữ hoàng Boadicea – người phụ nữ có trí tuệ vượt trội. Bà sẵn sàng phản bác chính đảng phái của mình, loại bỏ những kẻ nhu nhược trong Đảng Bảo thủ. Thatcher đã nhiều lần trực tiếp chỉ trích đảng Bảo thủ với thái độ cứng rắn. “Các bạn cứ thay đổi nếu muốn. Bà đầm không thay đổi”.  Câu nói trước các thành viên của đảng Bảo thủ khi số người thất nghiệp vượt quá 2 triệu người đã trở thành một trong những câu nói kinh điển của bà. 

Những thành tựu mà Thatcher đạt được là không thể phủ nhận. Bà đã đảo ngược những gì mà người cố vấn của bà là Keith Joseph gọi là “hiệu ứng bánh cóc” (ratchet effect). Theo hiệu ứng này, nếu như nhà nước gặp thất bại trong điều hành kinh tế, họ sẽ được trao thêm quyền lực. Ngoại trừ các biện pháp khẩn cấp được thực hiện trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 2007 – 2008, nước Anh chưa bao giờ thực hiện động thái tái quốc hữu hóa các ngành công nghiệp. Nhờ có Thatcher, nền chính trị nước Anh đã chuyển hướng. 

Trong những năm 1990, Đảng New Labourites đã rút ra kết luận họ có thể giải cứu đảng Lao Động bằng cách áp dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Thatcher. “Tốt nhất thì khu vực tư nhân nên gánh vác các hoạt động kinh tế”, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã từng tuyên bố như vậy.  Tony Blair và những người kế nhiệm ông không bao giờ mơ tưởng đến một ngày nào đó nước Anh lại quay trở lại thực hiện quốc hữu hóa.  

 “Bà đầm Thép” của nước Anh cũng có được tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Sự cứng rắn trong hệ tư tưởng và tầm ảnh hưởng trên chính trường quốc tế của Thatcher giúp đảm bảo nước Anh củng cố được vị thế. Bà là chính trị gia người Anh đầu tiên được lãnh đạo của các nước lớn kính trọng đến như vậy (kể từ thời Winston Churchill). Bà là vị nữ anh hùng của các chính trị gia đối lập ở Đông Âu. Thái độ sẵn sàng kề vai sát cánh chống lại sự bành chướng của liên minh Xô Viết đã hối thúc các lối suy nghĩ mới ở điện Kremlin. Giữ vững lập trường Mikhail Gorbachev là người mà Tây Âu có thể hợp tác, bà cũng là người giúp chiến tranh lạnh chấm dứt. 

Các nước đã đi theo con đường của Thatcher. Đến năm 1996, Nga thực hiện tư nhân hóa ở 18.000 doanh nghiệp. Ấn Độ dỡ bỏ Raj – huyền thoại của học thuyết Fabian (học thuyết quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội) và tạo ra nhiều công ty tư nhân thành công. Trên khắp Mỹ Latinh, các chính phủ theo đuổi tự do hóa thị trường. Dù họ có thành công hay không, tất cả các nước đều lấy nước Anh làm ví dụ điển hình. 

Tuy nhiên, ngày nay, dường như “con lắc dao động” đang rời khỏi những nguyên lý của chủ nghĩa Thatcher. Ở hầu hết các nước phát triển, chính phủ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng bị ràng buộc bởi nhiều luật lệ. Thêm vào đó, với sự trỗi dậy của Trung Quốc vốn là nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng của nhà nước, các nước mới nổi cũng coi Trung Quốc là 1 mô hình đáng học tập. 

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế là điều cấp thiết như hiện nay, có vẻ như đây là hướng phát triển không phù hợp. Châu Âu sẽ không bao giờ có thể gượng dậy nếu không tự do hóa thị trường. Nước Mỹ cũng sẽ không thể hồi phục trừ khi tránh được việc áp đặt quá nhiều luật lệ. Trung Quốc không thể tăng trưởng bền vững nếu không bắt đầu tự do hóa nền kinh tế. Điều mà thế giới cần đến là chủ nghĩa Thatcher được phát triển nhiều hơn, chứ không phải lụi bại đi như hiện nay. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên