MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mario Draghi hãy mạnh dạn lên!

04-09-2014 - 16:03 PM | Tài chính quốc tế

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu liên tục phát đi những tín hiệu tốt xấu đan xen, đây là thời điểm thích hợp để các NHTW tụ họp nhằm tìm ra chính sách điều hành phù hợp.

Từ ngày 21/8, nhiều nhân vật tài chính quyền lực nhất thế giới đã tụ họp trong ba ngày tại Jackson Hole - khu nghỉ mát trên núi ở Wyoming (Mỹ). Có lẽ chưa bao giờ nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương các nước lại lúng túng như lúc này khi nền kinh tế toàn cầu liên tục phát đi những tín hiệu tốt xấu đan xen. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng trung ương tụ họp nhằm tìm ra chính sách điều hành phù hợp.

Kinh nghiệm của Anh, Mỹ

Tại Mỹ và Anh, sản lượng và việc làm đã vượt qua mức đỉnh trước khủng hoảng và đang phát triển vững chắc. Nhưng hình ảnh của hai nền kinh tế lớn khác lại ảm đạm hơn. Trong quý II sản lượng của Nhật Bản đã giảm mạnh, chủ yếu là do người tiêu dùng đã tăng mua trong quý đầu tiên để tránh thuế tiêu dùng tăng. Khủng hoảng khu vực đồng euro (Eurozone) cũng khó có thể bỏ qua: sản lượng quý II gần như không tăng trưởng và vẫn không cải thiện so với năm ngoái.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu cần nghiên cứu đồng nghiệp của mình. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kích thích kinh tế khác thường như nới lỏng định lượng (QE), mua trái phiếu chính phủ để tạo ra luồng tiền mới. Họ cũng không lo ngại về việc lạm phát có thể hồi sinh và trấn an thị trường rằng sẽ sớm tăng lãi suất. Họ đã chứng minh được rằng các biện pháp này là chính xác: lạm phát ở cả hai nước vẫn ở dưới mức mục tiêu 2%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã có phản ứng nhanh chóng đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng cũng kể từ đó, họ đã không có bước tiến xa nào nữa.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp các thống đốc ngân hàng trung ương hàng đầu ở Jackson Hole, Wyoming, Chủ tịch ECB - ông Mario Draghi bày tỏ sự tin tưởng rằng các biện pháp chính sách gần đây của ECB sẽ giúp kinh tế Eurozone tái "đứng vững trên đôi chân" của mình.

Ông cũng cho biết, ECB sẵn sàng hành động nếu thấy cần thiết để tạo đà hồi phục tăng trưởng hiện còn yếu, do rủi ro từ việc thực thi các biện pháp này là tương đối thấp trong bối cảnh lạm phát hiện ở mức 0,4% và tỷ lệ thất nghiệp vẫn dai dẳng ở mức cao 11,5%.  Tuy nhiên, ông Draghi không nêu rõ khi nào ECB sẽ hành động. Điều này cho thấy sự không quyết đoán của ECB và trên hết là người đứng đầu ngân hàng này.

Con quỷ giảm phát

Tình trạng kinh tế trì trệ của Eurozone không thể đổ lỗi cho ECB, bởi những chính sách tài chính thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt cũng như sự mong manh của hệ thống ngân hàng - cả hai đều đã làm tê liệt tăng trưởng. Nhưng ECB phải chịu trách nhiệm đối với lạm phát khi tỷ lệ này đang ở mức 0,4%, mức cận giảm phát và thấp hơn nhiều so mục tiêu của ECB là gần 2%.

Niềm tin của thị trường vào mục tiêu lạm phát của Eurozone trong 5 năm tới đang bị xói mòn khiến thị trường tài chính có cảm giác lo sợ rằng, đây là một căn bệnh thâm căn cố đế, rất khó có thể chữa trị. Lạm phát thấp và đáng lo ngại hơn là giảm phát đẩy lãi suất thực đi lên và các doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ phải cắt giảm chi tiêu để giữ gánh nặng nợ nần không tăng thêm.

Mặc dù Eurozone dường như đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng và bước đầu hồi phục tăng trưởng, song hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) còn yếu, khiến cho khu vực này chưa thể có được sự bứt phá trong tăng trưởng kinh tế.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ECB đã bơm một lượng lớn tiền mặt vào hệ thống ngân hàng trong năm 2011 và 2012, nhưng thay vì sử dụng nguồn tiền này để cho các doanh nghiệp vay, các ngân hàng thương mại trong khu vực có xu hướng gửi tiền tại ECB. Nhằm ngăn chặn tình trạng này tái diễn, trong cuộc họp hồi tháng Sáu vừa qua, ECB đã hạ lãi suất tiền gửi xuống mức âm, theo đó các ngân hàng thương mại có thể mất phí nếu để tiền tại ECB, đồng thời dự kiến sẽ tung ra Chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu (TLTRO) vào tháng Chín năm nay, để khuyến khích các ngân hàng cho nhiều SMEs vay tiền.

Đúng là ECB phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn các đồng nghiệp của mình. Mario Draghi, Chủ tịch ECB không nhận được sự ủng hộ chính trị đối với chính sách nới lỏng tiền tệ như các đồng nghiệp của mình tại Mỹ, Anh và Nhật Bản. Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) phản đối ý tưởng này.

Rất nhiều vấn đề lớn của khu vực như thuế khóa nặng nề, quá nhiều quy định, thị trường lao động cứng nhắc đều không nhận được sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ. Hơn nữa, nếu ECB mua trái phiếu chính phủ bây giờ, thì một số người cho rằng, điều này sẽ làm giảm áp lực đối với chương trình cải cách mang tính cơ cấu của chính phủ Italy và Pháp.

Đây là suy nghĩ sai lầm. Cải cách cơ cấu là cần thiết và chắc chắn là sẽ làm cho công việc của ECB dễ dàng hơn. Nhưng sự thất bại của các chính trị gia  không phải là cái cớ để ECB trốn tránh nhiệm vụ. Dù sao, những cải cách như vậy sẽ mất nhiều năm mới mang lại kết quả và Eurozone hiện nay cần một chương trình kích thích kinh tế.

Những kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là bài học. BoJ cũng rất rụt rè trước những vòng nới lỏng tiền tệ vào năm 2001 và 2010, nhưng năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện chương trình kích thích kinh tế với một quy mô lớn và sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ với kỳ vọng đưa đất nước thoát ra khỏi vòng giảm phát. Kết quả ban đầu của chương trình này cũng rất đáng được khích lệ: sự kỳ vọng dường như thay đổi - điều kiện tiên quyết cho sự phát triển nhanh hơn.

Bài học cho ECB là nới lỏng tiền tệ và một cam kết đáng tin cậy rằng sẽ không hoảng sợ khi lạm phát tràn đến. Đây có lẽ là một biện pháp đòi hỏi sự dũng cảm nhưng các đối tác của ECB như Anh và Mỹ đã cho thấy sự dũng cảm đã được đền bù xứng đáng.

Theo Hạnh Nguyên

huongnt

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên