MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mark Mobius và ngày tàn của các cổ phiếu trên thị trường mới nổi

11-05-2015 - 12:42 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều nhà quản lý phụ trách các thị trường mới nổi đã khốn đốn vì kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong khi Nga và Brazil tăng trưởng ở tốc độ đáng thất vọng.

Nội dung nổi bật:

- Thời kỳ huy hoàng của Mark Mobius có lẽ sẽ sớm kết thúc. Giống như Bill Gross, trong mấy năm gần đây, Mobius (năm nay 78 tuổi) chỉ nhận được những con số xoàng xĩnh và phải chứng kiến nhà đầu tư rời xa ông.

- Nhiều nhà quản lý phụ trách các thị trường mới nổi đã khốn đốn vì kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong khi Nga và Brazil tăng trưởng ở tốc độ đáng thất vọng.


Suốt gần 1/4 thế kỷ vừa qua, cái tên Mark Mobius luôn gắn liền với việc đầu tư vào các thị trường đang phát triển. Người đàn ông sinh ra ở New York tràn đầy năng lượng với cái đầu hói và thường xuyên mặc những bộ vest trắng xuất hiện trên các kênh truyền hình ở khắp nơi trên thế giới. Từ St. Petersburg tới São Paulo, ông kêu gọi và khuyến khích nhà đầu tư bỏ tiền vào các nền kinh tế mới nổi đang phát triển với tốc độ như vũ bão.

Năm 2007, một cuốn sách viết về Mark Mobius đã được xuất bản ở châu Á. Ở Mỹ, ông được bầu chọn vào danh sách top 10 nhà đầu tư vĩ đại nhất của thế kỷ 20, sánh ngang với những cái tên nổi tiếng như  Warren Buffett, Julian Robertson và George Soros. Nếu Bill Gross là “vua” trái phiếu, Mobius là vua của thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, thời kỳ huy hoàng của Mobius có lẽ sẽ sớm kết thúc. Giống như Gross, trong mấy năm gần đây, Mobius (năm nay 78 tuổi) chỉ nhận được những con số xoàng xĩnh và phải chứng kiến nhà đầu tư rời xa ông. Dù vẫn có thể kiếm được tiền, 11 trong số 13 quỹ lớn nhất mà Mobius đang quản lý tại Franklin Templeton Investments luôn bị tụt lại so với mức trung bình của ngành trong suốt 5 năm qua. Ở thời kỳ đỉnh cao, các quỹ này nắm giữ tổng cộng 39 tỷ USD (năm 2011), ngày nay con số giảm xuống còn 26 tỷ USD.

Tháng 12 năm ngoái, quỹ “lá cờ đầu” của Mobius  là Asian Growth Fund đã mất đi vị trí quỹ đầu tư lớn nhất châu Á vào tay First State Investments’ Asia Pacific Leaders Fund.

“Ông ấy là một trong số ít các nhà quản lý quỹ nổi tiếng ở các thị trường mới nổi”, Todd Rosenbluth, giám đốc nghiên cứu về các quỹ tương hỗ và ETF tại S&P Capital IQ, nhận định. “Không may là tình hình đang diễn biến xấu và các nhà đầu tư ngày càng bối rối”.

Mobius từng nói trong một email rằng chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu bị định giá thấp hơn giá trị của ông có thể thất bại trong những môi trường “bị chi phối bởi tâm lý”, nơi nhà đầu tư tập trung vào bức tranh kinh tế tổng thể nhiều hơn là những chỉ số cơ bản của công ty đó.

“Là những nhà đầu tư giá trị, chúng tôi phải kiên nhẫn và kiên định để thích ứng với thời kỳ biến động. Chúng tôi đi vào thị trường khi tất cả những người khác dang tháo chạy, và mặc dù một số quỹ đang gặp rắc rối, chúng tôi vẫn tin rằng cách tiếp cận của mình và trong dài hạn các cổ đông sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng”.

Nhiều nhà quản lý phụ trách các thị trường mới nổi đã khốn đốn vì kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong khi Nga và Brazil tăng trưởng ở tốc độ đáng thất vọng. 17 trong số 33 quỹ của Mỹ đầu tư vào các TTCK mới nổi với hơn 1 tỷ USD tài sản đã ghi nhận diễn biến dưới mức trung bành ngành trong 5 năm qua.

Sinh ra ở Hempstead (New York) với bố là người Đức và mẹ là người Puerto Rico, Mobius lấy bằng tiến sĩ từ MIT. Ông gia nhập Templeton năm 1987, khi đầu tư vào các thị trường mới nổi vẫn còn là một ý tưởng hoang đường. Sau khi được John Templeton giao nhiệm vụ quản lý Templeton Emerging Markets Fund, quỹ đầu tiên của Templeton đầu tư vào lĩnh vực này, Mobius đã tạo được danh tiếng nhờ phát hiện được nhiều cổ phiếu có mức giá thấp hơn đáng kể so với tiềm năng tăng trưởng của chúng.

Cho đến nay ông vẫn thường xuyên đi lại giữa các lục địa 250 ngày/năm, công bố các nghiên cứu tới một nhóm gồm 50 nhà quản lý tiền tệ, chuyên gia phân tích và nhà nghiên cứu đang hoạt động ở 18 văn phòng được đặt ở khắp nơi trên thế giới. Hàng ngày ông vẫn tham gia công việc điều hành ở hơn 30 quỹ đầu tư.

5 năm vừa qua là thời kỳ hết sức khó khăn với nhóm này bởi họ đã chọn không đúng thời điểm để đầu tư vào các công ty năng lượng và khai mỏ trong khi rút bớt vốn khỏi mảng công nghệ. Tính đến ngày 31/3, Templeton Asian Growth có tới 33% tài sản trong các cổ phiếu công nghệ và nguyên vật liệu thô. 5 năm qua, quỹ này chỉ tăng trưởng 4,3% mỗi năm trong khi chỉ số MSCI AC Asia ex Japan index có mức tăng trưởng 8,1%.

Một trong những cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất ở Templeton Asian Growth là Sesa Sterlite (nhà sản xuất nhôm hàng đầu Ấn Độ) đã giảm 51% trong 5 năm qua. Một cổ phiếu khác là Yanzhou Coal Mining (Trung Quốc) đã giảm 66% kể từ cuối tháng 4/2000 mặc dù TTCK Trung Quốc đang tăng điểm mạnh.

Dẫu vậy, một khoản đầu tư ban đầu 100.000 USD vào Templeton Emerging Markets Fund cách đây 28 năm vẫn có giá trị lên tới 3,3 triệu ở thời điểm hiện tại (theo số liệu của Bloomberg). Mobius vẫn chưa thông báo bất kỳ kế hoạch nào về việc nghỉ hưu hay thu hẹp hoạt động kinh doanh.

Trong những ngày cuối tháng 4, ông đã viết một bài blog nói về dự trữ ngoại hối, bình luận về tình hình tài chính của Hy Lạp trên CNBC và tham dự lễ ra mắt một quỹ mới của Templeton trên sàn chứng khoán London. Theo Mobius, các nước như Romania và Mongolia sẽ là những miền đất mới làm giàu cho các nhà đầu tư.

Thu Hương

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên