MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt trời Sing bừng chói ở phương Đông

30-03-2011 - 15:41 PM | Tài chính quốc tế

Singapore có trường học và bệnh viện tốt hơn, đường phố an toàn hơn phần lớn các nước Tây Âu.

Bài viết nằm trong chuỗi Báo cáo đặc biệt của tạp chí The Economist về tương lai của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Khi nói về kỳ tích giáo dục của Singapore, người ta thường nghĩ tới hàng loạt những nhà toàn học trẻ tài năng. Các trung tâm thời trang tóc và chăm sóc sức đẹp tại Viện giáo dục chuyên môn (Institute of Technical Education, ITE) lại hơi khác một chút.

Tường treo đầy những người mẫu ưỡn ẹo, quảng cáo của L’Oreal và màn hình vô tuyến. Có một spa và một salon tóc đầy đủ tiện nghi.

Dù cho những thợ cắt sửa móng tay, mát xa chân, chuyên gia mỹ phẩm và thợ cắt tóc ở đây có làm việc cực kỳ chăm chỉ thì trông họ vẫn giống với phim “Sex and the City” hơn là các giá trị Á Đông.

Khi được hỏi liệu có muốn vào đại học, chén thánh của phần lớn các gia đình Á Đông, hay không, anh thợ cắt tóc trẻ tuổi tên Noel đáp anh thà mở tiệm cắt tóc còn hơn.

Mei Lien muốn mở cơ sở chăm sóc sắc đẹp của riêng mình; Shuner muốn làm việc trong một khách sạn ở nước ngoài.

Gần đây ITE còn là mảng tối trong nền giáo dục Singapore và bị các bậc phụ huynh trung lưu giàu tham vọng đặt cho cái biệt danh “It’s The End” (Thế là hết).

Singapore rèn học sinh rất nghiêm khắc và công khai o bế cho tầng lớp tinh hoa: một trường từng tuyên bố mình đào tạo ra nhiều học sinh theo học các trường đại học trong nhóm Ivy League hơn bất kỳ trường cấp 2 nào trên thế giới.

Nhưng một hệ thống như thế cũng sinh ra những kẻ bại trận, nhiều người trong số 1/3 phía cuối từng không vào được đại học và tới học ở ITE.

Kể từ thập niên 1990, chính phủ đã nỗ lực thay đổi hình ảnh của ITE. Họ không chỉ chi nhiều tiền cho cơ sở vật chất và giáo viên mà còn tốn nhiều tâm sức khi đi khắp các nước phương Tây tìm kiếm cách đào tạo nghề tốt nhất.

Trường khuyến khích các học viên từng thất bại biết tự hào về công việc của mình. Kỷ luật chặt chẽ (có một danh sách viết tên những người trốn học) nhưng cũng có giải trí (ITE cũng có dàn nhạc và các đội thể thao như bất kỳ trường đại học nào khác).

Sự tận tâm tới từng chi tiết ấy đã cho kết quả. Nhiều học viên mới tốt nghiệp phải cạnh tranh với lao động nhập cư giá rẻ, đặc biệt là ở ngành dịch vụ, nhưng phần lớn bọn họ đều vượt lên nhanh chóng.

Thợ cắt tóc và nhân viên chăm sóc sắc đẹp được gửi tới các casino mới, hay các “khu nghỉ dưỡng liên hợp” như họ vẫn gọi.

Singapore vốn gần như đứng đầu mọi bảng xếp hạng giáo dục nay lại có thêm một cơ sở đào tạo xuất sắc thu hút sự chú ý của người nước ngoài nữa.

Singapore hiện là bài học quan trọng đối với bất kỳ một chính phủ nào, cả Tây lẫn Đông. Phần là vì họ làm mọi thứ đều rất tốt, gần tương tự với các nước Scandinavi.

Nhưng cũng là vì có một luận thuyết đang nổi lên về một mô hình chính phủ Á Đông vượt trội vốn nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nhân phương Tây đang thất vọng và các nhà sử học Á Đông ngạo mạn.

Tóm gọn lại thì luận thuyết trên gồm bốn điểm sau đây.

Thứ nhất, Singapore quản trị tốt (nhìn chung là đúng).

Thứ hai, bí quyết thành công là sự kết hợp giữa các giá trị toàn trị với chủ nghĩa tư bản theo sự chỉ đạo của nhà nước (nhìn chung là hoang đường).

Thứ ba, Trung Quốc đang cố học tập Singapore (chắc chắn là đúng).

Cuối cùng, chính quyền Trung Quốc vốn đã hiệu quả hơn các chính phủ mục ruỗng ở phương Tây (vớ vẩn, đón đọc bài tiếp theo trong loạt bài này sẽ rõ).

Thực tế hay chỉ là huyền thoại?

Bất chấp những lời chế nhạo xung quanh “Disneyland với án tử hình” (mượn lời William Gibson), Singapore có trường học và bệnh viện tốt hơn, đường phố an toàn hơn phần lớn các nước Tây Âu và nhà nước chỉ tiêu tốn có 19% GDP.

Đúng là tỷ lệ ấy có thấp đi vì không tính tới các “cơ sở” khác của chính phủ trong hệ thống kinh tế như nắm giữ cực nhiều đất đai, Quỹ tiết kiệm trung ương (bắt buộc) và Temasek (công ty đầu tư của chính phủ).

Đúng là phục vụ có 5 triệu người trong một hòn đảo nhỏ bé dễ hơn 309 triệu người trải khắp nước Mỹ rộng lớn.

Đúng là họ dựa vào dân nhập cư, vấn đề đang gây căng thẳng và sẽ là chủ đề chính trong cuộc bầu cử tiếp theo).

Đúng là quan chức Singapore có thể mắc sai lầm, ví dụ như để sổng một tên khủng bố Hồi giáo hồi năm 2008.

Nhưng nhìn chung chính phủ đã hoạt động rất tốt.

Người Trung Quốc rất hào hứng với điều đó. “Trật tự xã hội ở Singapore rất tốt,” Đặng Tiểu Bình nhận xét năm 1992. “Chúng ta nên học tập kinh nghiệm của họ và sau này làm còn tốt hơn họ.” Trung Quốc gửi rất nhiều quan chức tới thăm Singapore.

Một trong những điều đầu tiên Tập Cận Bình làm sau khi được chọn làm lãnh đạo kế cận của Trung Quốc năm 2010 là (lại) tới thăm Lý Quang Diệu, Bộ trưởng Cao cấp của Singapore, người từng lãnh đạo đảo quốc này từ năm 1959 tới năm 1990 và con trai ông, Thủ tướng Singapore từ năm 2004 Lý Hiển Long.

Người Trung Quốc cũng tìm đến những nơi khác, nhất là Hong Kong, một thiên đường có chính phủ nhỏ nữa. Nhưng khó có vị lãnh đạo của bất kỳ một nước giàu nào được Trung Quốc kính trọng như ông Lý Quang Diệu.

Vậy Trung Quốc đã học được những gì? Có một sự khác biệt kỳ lạ giữa những gì Singapore và các nước khác vẫn ồn ào và lý do thực sự đất nước này lại thành công đến thế.

Đặc biệt, cái “giá trị Á Đông” của Singapore, tức chủ nghĩa toàn trị và chính sách ngành, mà Trung Quốc thấy đặc biệt phù hợp lại kém quan trọng hơn với sự thành công của Singapore so với hai thứ thật nhàm chán: dịch vụ công tốt và nhà nước tương đối nhỏ.


Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên