MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Miền đất hứa của các ngân hàng đầu tư

27-05-2013 - 08:10 AM | Tài chính quốc tế

Ở các thị trường mới nổi, các ngân hàng địa phương đang ngày càng lấn lướt các ngân hàng toàn cầu.

Để có được trải nghiệm từ khung cảnh đường phố nhộn nhịp hỗn loạn hòa cùng với nắng nóng à bụi bặm của một thành phố trung tâm châu Phi chuyển sang  những con đường huyết mạch của ngành tài chính toàn cầu, tất cả những điều bạn cần làm chỉ là bước một vài bước chân. Hãy bước từ vỉa hè vào tòa nhà mát lạnh, nơi đặt trụ sở tại Johannesburg của Standard Bank – ngân hàng lớn nhất châu Phi.

Trước khủng hoảng tài chính, Standard Bank tràn ngập khát vọng vươn ra toàn cầu. Vận dụng các kỹ năng ở các thị trường mới nổi, ngân hàng này “đóng đô” ở Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, London và nhiều nơi khác. Có vẻ như chiến lược này đã thành công khi trở thành đối tác tin cậy giúp các công ty địa phương huy động vốn từ thị trường vốn quốc tế. 

Thế nhưng, “với cuộc khủng hoảng, môi trường cạnh tranh đã thay đổi rõ rệt”, Sim Tshabalala – CEO của Standard Bank – khẳng định. Các ngân hàng đầu tư cỡ trung phải đối mặt với chi phí tăng vọt cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ sừng sỏ đến từ địa phương. Bởi vậy, Standard phải chuyển trọng tâm sang châu Phi – nơi có lợi thế quê nhà. 

Sẽ là liều lĩnh khi chối bỏ các kinh nghiệm hoạt động ở các thị trường xa xôi của Standard Bank bởi cái giá phải trả để có được một ngân hàng thành công ở thị trường mới nổi là khá đắt. Tuy nhiên, các ngân hàng toàn cầu đang học được những bài học tương tự với mức giả tương đương. Các thị trường mới nổi có thể tăng trưởng như vũ bão và hứa hẹn sẽ đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn cho các ngân hàng đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn ở nước sở tại cũng như ở khu vực đó đang chứng tỏ họ là những người chiến thắng. 

Cách đây 1 thập kỷ, nhân viên từ các ngân hàng lớn ở Mỹ và châu Âu ồ ạt tấn công vào những nền kinh tế đang phát triển như Nga, Brazil, Trung Quốc. Rượu sâm panh tràn đầy khi các vị lãnh đạo cấp cao cắt băng khánh thành những chi nhánh mới. 

Giờ đây mọi thứ có còn như vậy? Nhìn qua, mức phí mà các ngân hàng thu được ở thị trường mới nổi khá hấp dẫn, chí ít là đến năm ngoái – khi tổng mức phí sụt giảm mạnh ở một phần châu Á, Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, có thể nhận thấy bức tranh được tạo nên nhiều mảng màu sáng tối. 

Ngân hàng đầu tư ở Mỹ tạo ra khoảng một nửa doanh thu của ngành ngân hàng đầu tư toàn cầu. Tận dụng lợi thế lớn về qui mô, tỷ lệ đóng góp về lợi nhuận thậm chí còn lớn hơn. Ngược lại, châu Á chỉ chiếm 20% tổng doanh thu toàn cầu. Thậm chí, tỷ lệ lợi nhuận có thể chỉ ở mức 10% bởi họ phải chịu chi phí quá cao trong một thị trường bị phân tán. 
 
Trung Quốc – nơi đã từng là thị trường hấp dẫn nhất ở châu Á – vẫn chưa cởi mở với nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhiều ngân hàng đầu tư toàn cầu đã bán hết cổ phần tại các đối tác Trung Quốc. Hi vọng về mối quan hệ lâu bền và tiếp cận được với tầng lớp nhà giàu Trung Quốc gần như đã tắt ngấm. Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc nhanh chóng học được cách cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư.

Nhân tài địa phương

Trên thực tế, trên khắp các thị trường mới nổi, sự cạnh tranh  từ ngân hàng nội địa và ngân hàng tầm cỡ khu vực mà các ngân hàng quốc tế phải đối mặt lớn hơn nhiều so với từ các đối thủ truyền thống trên thị trường tài chính quốc tế. Ở Brazil, BTG Pactual – ngân hàng được thành lập từ năm 1983 – hiện đang thống trị một phần thị trường trong nước và tích cực mở rộng mạng lưới thông qua thâu tóm ở các nước láng giềng. Ở Ấn Độ, các ngân hàng nội địa đang thắng thế. 

Còn ở Nga, ngân hàng lớn nhất là ngân hàng trực thuộc nhà nước cũng gây được nhiều sự chú ý. Cách đây 1 năm, ngân hàng này hoàn tất việc thâu tóm Troika Dialog -  một ngân hàng đầu tư nhỏ gây ra nhiều sự tranh cãi. Theo Todd Berman, người phụ trách thương vụ này, cán cân đang nghiêng về phía các ngân hàng nội địa bởi họ đang học cách kết hợp những kỹ năng mới với phong cách phù hợp với địa phương – điều mà các ngân hàng quốc tế chưa học được.

“Cách đây 3 năm, các ngân hàng địa phương có thể cung cấp tín dụng và ngân hàng quốc tế sẽ cung cấp mạng lưới phân phối và nghiên cứu. Giờ đây, ở Brazil, Trung Quốc, Nga… các ngân hàng  lớn có thể thuê được lực lượng lao động đạt chuẩn quốc tế. 

Nhiều ngân hàng đến từ các thị trường mới nổi khác nhau cũng đang bắt đầu liên kết với nhau. BTG đã lập liên minh với VTB (ngân hàng lớn thứ hai ở Nga) và Citic Securities (một ngân hàng đầu tư đến từ Trung Quốc). Và, Ngân hàng Công thương Trung Quốc vừa mới trở thành cổ đông lớn nhất của Standard Bank.

Dẫu vậy, một vài ngân hàng quốc tế vẫn đang sống tốt tại các thị trường mới nổi. Ví dụ, UBS và Credit Suisse vẫn có được vị thế vững trãi ở châu Á. Nhà giàu châu Á ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ quản lý tài sản của hai ngân hàng này. Những ngân hàng như JPMorgan, Citi, HSBC và Standard Chartered vẫn đang hoạt động khá tốt ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh – nơi có mạng lưới sâu rộng. 

Các ngân hàng có khả năng phục vụ tốt người bản địa và các tập đoàn đa quốc gia ở các thị trường mới nổi sẽ có lợi thế. Có chi nhánh ở địa phương cho phép họ cấp tín dụng đối  với các doanh nghiệp ở thị trường mới nổi, trong khi mạng lưới toàn cầu giúp họ huy động tiền từ bên ngoài.

Như vậy, mô hình quốc tế của nhiều ngân hàng đầu tư đang đứng trước thách thức lớn. Trong quá khứ, nhiều người sẽ bay từ những vùng trung tâm như Singapore hay London đến các thị trường mới nổi để thực hiện những thương vụ lớn. Chỉ với một vài vùng trung tâm như vậy, Morgan Stanley hay Goldman Sachs có thể bao phủ toàn cầu. Giờ đây, điều đó là không thể. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên