MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua lại nợ của thế giới thứ ba?

02-03-2009 - 10:36 AM | Tài chính quốc tế

Hầu hết nợ Ecuador phát sinh từ mưu mẹo của các sát thủ kinh tế nhằm làm giàu cho các công ty dầu mỏ, cơ sở thương mại của Mỹ, một vài quan chức địa phương tham tiền.

Liên minh Pachamama (TPA) được thành lập sau chuyến hành trình tới Amazon năm 1994. Vào ngày cuối cùng của chuyến đi, những người tham gia đã đóng góp 118.000 đôla để giúp đỡ các bộ lạc Amazon bảo vệ vùng đất của họ chống lại các công ty dầu mỏ.

 

Bill Twist - chồng của Lynne Twist - người gây quỹ phi lợi nhuận, tới Guatemala, tình nguyện đứng ra chỉ đạo chiến dịch vận động và trở thành một vị Chủ tịch hoạt động rất tích cực. Năm 2006, Pachamama đã huy động được khoảng 1,5 triệu đôla. Tổ chức này đã trang bị các máy thu phát hai chiều và một máy bay, nhờ vậy cộng đồng người bản địa không còn gặp phải những trở ngại trong việc gặp gỡ và giao tiếp với nhau.

 

Pachamama cũng thuê luật sư tiến hành các vụ kiện phản đối sự xâm lấn của các công ty khai thác dầu mỏ vào vùng đất của người bản địa; đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo và sản xuất phim nhằm mục đích tạo điều kiện cho người dân Mỹ có thể trở thành tác nhân tạo ra sự thay đổi. Và rồi Pachamama đã nảy ra một kế hoạch mang tính đột phá thực sự.

 

John Perkins - một trong những sát thủ kinh tế của Mỹ nhớ lại: "Một ngày, trong khi chúng tôi đi bộ mệt nhoài băng qua cánh rừng Amazon ở Ecuador, Bill Twist đã hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đầu cơ vào những khu rừng này - giữ nguyên, không khai thác - để mua lại những khoản vay nước ngoài của Ecuador?

 

Chúng tôi ngồi xuống khúc gỗ trong khoảng rừng đầy nắng cạnh một cây bông gạo khổng lồ. Những cái rễ to lớn xiên từ thân cây vào lòng đất giống như những bức tường ốp hình rồng bay trong các thánh đường châu Âu thời trung cổ. Chúng tôi bàn về tầm quan trọng của rừng nhiệt đới đối với tất cả chúng ta. Chúng hấp thụ cácbon điôxit, nhả ra khí ôxy, tác động tới khí hậu toàn cầu, tạo ra nguồn nước ngọt, là nơi cư trú của hàng triệu loài động thực vật, cá, côn trùng, chim muông.

 

Các loài cây cỏ trong rừng cũng là những phương thuốc rất hữu hiệu điều trị các bệnh ung thư, AIDS và những căn bệnh khác. Chúng tôi tiếp tục bàn về nợ nước ngoài của Ecuador, một trong những nước mắc nợ nhiều nhất tại Mỹ Latinh, trên 18 tỷ đôla, gấp đôi ngân khố quốc gia. Trả lãi khoản vay này sẽ ngốn hết ngân sách cần thiết để đầu tư cho sức khỏe, giáo dục, nhà ở, các chương trình môi trường và xã hội khác.

 

Tôi đã chỉ rõ hầu hết nợ của Ecuador đều phát sinh từ những mưu mẹo của các sát thủ kinh tế nhằm làm giàu cho các công ty dầu mỏ cũng như các cơ sở thương mại khác của Mỹ và một vài quan chức địa phương tham tiền. Lại một lần nữa, các chính sách của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế phục vụ cho lợi ích của “tập đoàn trị” trên mồ hôi nước mắt của người dân Ecuador.

 

Bill nhận định: “Lúc này, cách duy nhất để Ecuador trả hết nợ là bán dầu thô cho các công ty dầu lửa của chúng ta. Cùng lúc đó thì những cánh rừng nhiệt đới này sẽ bị chiếm đoạt”. Anh ta ngừng lại khi một chú bướm nhỏ màu xanh nhạt - cỡ một chiếc bánh kếp - bay vào khoảng rừng chúng tôi đang ngồi. Nó lởn vởn cạnh vai Bill rồi vẫy cánh đậu vào đám cây họ dứa đỏ thẫm. “Ý tưởng của tôi là sử dụng những cánh rừng nguyên sinh này như một nguồn tài nguyên để gửi tới bức thông điệp rằng, đối với thế giới rừng còn quý giá hơn cả dầu lửa, một hình thức thế nợ. Ecuador sẽ bảo vệ nguồn tài nguyên thiết yếu này cho tất cả chúng ta. Đó chính là một sự thế nợ”.

 

“Thật là một ý tưởng hay”, Tôi nói. “Nhưng sẽ rất tốn kém”.

 

“Tất nhiên”. Bill ném về tôi một nụ cười đầy ranh mãnh khiến tôi chợt hiểu ra anh ta hết sức nghiêm túc. Tốt nghiệp đại học Stanford, từng là nhà cung cấp các dịch vụ tài chính, cho thuê những phương tiện vận tải, và cố vấn nghiệp vụ quản lý, anh ta hẳn là người có những suy nghĩ ở tầm vĩ mô.

 

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi diễn ra vào năm 2001. Những năm sau đó, Bill đã cống hiến hết sức mình để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Tháng 8/2006, những người đại diện TPA đã ký hiệp định với Bộ Môi trường và Bộ Kinh tế Tài chính Ecuador xúc tiến một nghiên cứu mang tính khả thi cho “Kế hoạch xanh” tại Amazon. Hiệp định cung cấp nguồn tài chính nhằm mục đích tạo ra sự phát triển bền vững cho khu vực, trong đó bao gồm cả việc phân tích những tác động tiêu cực của việc khai thác dầu, xác định giá trị của những cánh rừng nhiệt đới và đánh giá những lợi ích tiềm năng của các đột phá khoa học trong tương lai có thể làm gia tăng nhu cầu gỗ.

 

Định lượng được những giá trị này sẽ giúp Ecuador dự tính được sự bảo tồn môi trường thiên nhiên. Lấy ví dụ nếu một phần đất của một khu rừng hiện nay trị giá một tỷ đôla, Ecuador có thể cam kết bảo vệ khu vực đó, cho phép các nhà nghiên cứu y học và những nhà nghiên cứu khác sử dụng nó một cách bền vững, đổi lại số nợ nước ngoài của đất nước này sẽ được trừ đi một tỷ đôla. Một hệ thống kiểm tra đồng thời đóng vai trò làm cán cân sẽ không cho phép các công ty dầu mỏ - hay những hoạt động mang tính đe dọa khác được xâm nhập vào khu đất này. Hệ thống đó bao gồm những nghĩa vụ của bên chủ nợ và các tổ chức giám sát buộc phải thực hiện.

 

Là một thành viên ban quản trị TPA, tôi đã theo dõi quá trình phát triển của tổ chức này từ cuộc gặp gỡ vào bữa điểm tâm năm 1994 đến lúc trở thành một lực lượng có tầm ảnh hưởng đáng kể tới chính phủ Ecuador và các công ty dầu lửa khổng lồ. “Kế hoạch xanh là bước khởi đầu”. Mới đây, Bill đã nói với tôi. “Trong quá trình xây dựng những phương thức mới để giải quyết vấn đề nợ nần, chúng tôi đang tạo ra một mô hình mà những nước khác có thể sử dụng để bảo vệ vùng đất của họ khỏi bị khai thác. Chúng tôi nhìn nhận điều này như một bước đi có tính chất đổi mới nhằm cung cấp ngân sách phục vụ cho sự phát triển cân bằng và bền vững”.

 

Ngoài ra TPA đã đào tạo gần ba trăm tập huấn viên tại 5 quốc gia để giảng các chuyên đề Đánh thức kẻ mơ mộng nhằm mục đích trao cho mọi người sức mạnh để tác động tới thế giới thông qua những hoạt động và lựa chọn hàng ngày của mình. Mục tiêu là sẽ có vài nghìn tập huấn viên tuyên truyền tới hàng triệu người trong vài năm tới. Đây là một phần trong tầm nhìn xa trông rộng của Lynne Twist. “Chúng tôi muốn xử lý những triệu chứng - sự phá hủy rừng và những khoản nợ bất công - nhưng chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề là cần phải chữa trị tận gốc cả căn bệnh; đó là cách nhìn nhận thế giới dựa trên chủ nghĩa duy vật thiển cận của chúng tôi”. Bà nói với tôi.

 

Lynne, Bill và tôi thường thảo luận về ý tưởng tấn công trực diện vào nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng đang đe dọa chúng ta. Làm điều này đòi hỏi chúng ta phải trả lời câu hỏi thứ ba được đặt ra ngay phần mở đầu của phần này: Chúng ta công nhận giá trị những hành động của mình dựa trên nguyên tắc nào?

 

Những người Mỹ đi khai hoang trước kia đều có một nguyên tắc thống nhất. Họ phản đối sự chuyên quyền và quyết tâm giành lại độc lập và tự do. Tới thời chúng ta, những nguyên tắc này vẫn tiếp tục soi đường cho mọi hành động. Nhưng, có quá nhiều những quan điểm và tập tục khác nhau trên thế giới ngày nay vì thế chúng ta cần một mục tiêu mang tính phổ quát hơn. Những từ như chuyên chế, tự do, độc lập tùy thuộc vào cách hiểu.

 

Như chúng ta thấy, trong những phần đầu cuốn sách này, có những người dân châu Phi xem Mỹ như một thể chế chuyên quyền; lại có những người Mỹ Latinh, châu Á, và Trung Đông tin rằng người Mỹ ủng hộ cho những thể chế đàn áp nền độc lập tự do của họ. Chúng ta phải trả lời câu hỏi thứ ba thế nào đây?

 

Làm thế nào chúng ta có thể tìm hiểu chắc chắn rằng thay vì việc tìm mọi cách để áp đặt những giá trị triết lý, đạo đức, tín ngưỡng lên những người khác thì chúng ta nên tạo ra một điều gì đó có giá trị thực sự và bền vững?".

 

(Trích cuốn "Bí mật lịch sử nước Mỹ" do Công ty Alpha Books phát hành)

ngocdiep

Trở lên trên