MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ có động cơ chính trị trong cáo buộc Standard Chartered "rửa tiền"?

09-08-2012 - 07:04 AM | Tài chính quốc tế

Bắt đầu có dư luận cho rằng Mỹ đang tỏ ra chống lại London thông qua những mũi tấn công hướng vào các ngân hàng, không loại trừ đây là một hình thức tinh tế của chủ nghĩa bảo hộ trong lĩnh vực ngân hàng.

Standard Chartered vừa nhận được một số hậu thuẫn từ thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh hôm qua (8/8) trong cuộc chiến chống lại các cáo buộc phát đi từ New York với tội danh “rửa tiền” và câu kết với các tổ chức Iran.

Standard Chartered sau cơn sóng lớn và đầy bất ngờ đánh ập vào hôm đầu tuần đã mất hơn 1/4 giá trị thị trường chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ do cổ phiếu lao dốc. Tuy nhiên, thông tin mới từ phía ngân hàng này cho biết sẽ chiến đấu đến cùng để chứng minh sự thật đã khiến cổ phiếu của ngân hàng này tăng giá trở lại trong phiên ngày thứ 4 (8/8), lên mức 13,32 bảng/cổ phiếu, cao hơn 8,3% so với mức đáy 3 năm vừa lập cách đây 2 ngày.

Trước đó, Standard Chartered liên tục phủ nhận hành vi phi pháp bị buộc tội, khẳng định rằng 99,9% các giao dịch với đối tác Iran là tuân theo quy định của luật pháp và tổng giá trị của các giao dịch này không quá 14 triệu USD – tức là dưới mức chính quyền Mỹ được phép xử phạt. Ngoài ra, Standard Chartered cũng nhấn mạnh đã dừng phát triển các giao dịch với khách hàng Iran hơn 5 năm qua.

Để tỏ rõ quan điểm trong sự việc này, thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mervyn King ngày hôm qua đã thu hút dư luận khi nhận định rằng cáo buộc của Mỹ là thiếu khách quan và lấy một dẫn chứng từ bê bối thao túng lãi suất của một ngân hàng Anh khác là Barclays PLC.

Mervyn King nhấn mạnh, trong vụ Barclays, phía giới chức Anh và Mỹ cùng phối hợp điều tra, do đó có thể loại trừ khả năng thiếu khách quan. Tuy nhiên trong vụ Standard Chartered, phía Mỹ đã đơn phương đưa ra cáo buộc và không hề tham khảo ý kiến của các đối tác để tránh gây ra những hạn chế theo hướng chủ quan. 

Ông cũng cho rằng tất cả các cơ quan tư pháp của Anh trong trường hợp này sẽ tỏ ra chuyên nghiệp hơn người Mỹ, cố gắng điều tra rõ sự việc, nỗ lực hợp tác với các bên liên quan và tránh gây ra những thông tin gây nhiễu cho giới truyền thông cho tới khi nào toàn bộ quá trình điều tra được hoàn thành.

Chủ tịch BoE tỏ rõ những chia sẻ, thông cảm với những khó khăn mà Standard Chartered đang phải trải qua, đồng thời dấy lên những quan ngại rằng động thái cáo buộc này của Mỹ là một phần trong kế hoạch làm suy yếu uy tín và vai trò trung tâm tài chính thế giới của London. Một nhà lập pháp thuộc quốc hội Anh cùng chung quan điểm ấy và khẳng định đây là một kiểu “tấn công thương mại có động cơ chính trị" của người Mỹ.

Người ta bắt đầu nhận thấy một xu hướng thiên vị Mỹ và chống lại London trong những động thái gần đây của Mỹ, không loại trừ đây là một hình thức tinh tế của chủ nghĩa bảo hộ trong lĩnh vực ngân hàng. Một số nghĩ sỹ Anh đang kêu gọi một cuộc điều tra khác từ quốc hội nhằm làm rõ toàn bộ sự việc cũng như động cơ nằm sau đó.


Đan Phong

lienph

Reuters

Trở lên trên