MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ đã phá hỏng quan hệ với ông Putin như thế nào?

25-04-2014 - 19:13 PM | Tài chính quốc tế

Vì quá tự tin, lơ là và vụng về, Washington đã phá hỏng quan hệ với Moscow.

Tháng 9/2001, khi Mỹ choáng váng trước sự kiện khủng bố tấn công Trung tâm thương mại thế giới và Lầu Năm Góc, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng ủng hộ việc Washington đem quân vào Afghanistan. Nhớ về tình trạng căng thẳng giữa Nga và Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, không ai có thể nghĩ rằng Nga sẽ có thái độ như vậy.

Khi đó, ông Putin đã đồng ý rằng những chiếc máy bay của Mỹ chở hàng viện trợ nhân đạo có thể bay qua không phận Nga. Quân đội Mỹ cũng có thể sử dụng căn cứ không quân của các nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Đông. Tổng thống Nga thậm chí còn lệnh cho các tướng dưới quyền chia sẻ kinh nghiệm ở Afghanistan trong những năm 1980.

Hai tháng sau, trong chuyến thăm của ông Putin tới cựu Tổng thống George W. Bush ở bang Texas, ông Bush phát biểu rằng người đồng cấp Nga là "một lãnh đạo kiểu mới, một nhà cải cách ... người sẽ tạo nên sự khác biệt lớn khiến thế giới hòa bình hơn, bằng cách hợp tác với Mỹ". 

Dường như, những ngờ vực và ác cảm trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh đã biến mất. 

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, Tổng thống Bush tuyên bố Mỹ rút quân khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo để có thể xây dựng một hệ thống ở Tây Âu nhằm bảo vệ các đồng minh của NATO và căn cứ quân sự của Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông Putin cảnh báo động thái này sẽ làm suy yếu khả năng kiểm soát quân sự và nỗ lực chống hạt nhân hóa.

"Động thái của Mỹ không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng tôi tin rằng đây là một sự nhầm lẫn", ông nói. 

Câu chuyện về thời kỳ đầu trong mối quan hệ giữa phương Tây và Putin phản ánh điều đã kéo dài dai dẳng trong suốt 14 năm qua và trong cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine: vô tình hay hữu ý, chính những hành động của Mỹ đã khiến ông Putin nổi giận.

Khi Nga triển khai hàng chục nghìn quân dọc theo biên giới với Ukraine, Putin đang cản trở thứ mà điện Kremlin gọi là "âm mưu bao vây Nga bằng cách kích động những nước láng giềng thù địch". Các chuyên gia cho rằng ông cũng đang thúc đẩy "Putinism" trở thành thứ thay thế cho chủ nghĩa dân chủ kiểu phương Tây.

Một số quan chức Mỹ (đang đương nhiệm và đã nghỉ hưu) cho rằng điều này phản ánh thất bại của Mỹ trong việc nhận ra rằng mặc dù hệ tư tưởng Xô Viết đã tan rã, Nga vẫn có được quyền lực và muốn nhận được sự chú ý như các đối trọng khác trên chính trường thế giới. 

James F. Collins - người từng là đại sứ Mỹ tại Moscow trong cuối những năm 1990 - không cho rằng Mỹ đã thực sự chú ý tới Nga. Quan hệ song phương Nga - Mỹ từng không được coi trọng đúng mức.

Tổng thống Nga Putin chưa bao giờ là một đối tác dễ đoán biết. Giống như những người tiền nhiệm trong hàng thế kỷ qua, ông là người theo chủ nghĩa dân tộc với xu hướng cứng rắn luôn ẩn chứa sự nghi ngờ sâu sắc đối với phương Tây. Phần lớn quan điểm của ông về thế giới được hình thành khi ông là sĩ quan tình báo KGB trong những năm Chiến tranh lạnh và là quan chức chính phủ trong thời kỳ hậu Xô Viết trong những năm 1990. Rất nhiều người Nga cho rằng những năm 1990 là thời kỳ mà Mỹ đã liên tục tận dụng điểm yếu của Nga để vươn lên. 

Kể từ khi trở thành Tổng thống Nga năm 2000, Putin đã một phần nào đó lấy lại sức mạnh của Nga và giành lại tầm ảnh hưởng trên thế giới luôn là mục tiêu quan trọng nhất. Ông cũng sử dụng nguồn cung năng lượng làm lá bài gây sức ảnh hưởng lên các nước láng giềng. 

Nhiều quan chức trong nội các của cựu Tổng thống Bush cũng như Tổng thống đương nhiệm Obama cho rằng trước đó Mỹ đã đánh giá quá cao những lĩnh vực Mỹ có thể hợp tác với Putin. Và, vì quá tự tin, lơ là và vụng về, Washington đã phá hỏng quan hệ với Moscow...

Thu Hương

huongnt

Reuters

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên