MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ: Đối tượng nợ nần nhiều nhất chính là các ngân hàng

12-04-2009 - 10:21 AM | Tài chính quốc tế

Người Mỹ nổi tiếng với vay tiêu dùng. Tuy nhiên trong suốt nửa thế kỷ qua, lĩnh vực tài chính mới chìm sâu nhất trong các khoản nợ.

50 năm sau khi cựu giám đốc điều hành tại Bank of America đưa ra một ý tưởng hết sức thông minh – phát hành thẻ tín dụng cho người tiêu dùng. Tổng số nợ của người tiêu dùng, xét trên tương quan đối với quy mô toàn bộ kinh tế Mỹ, đã bắt đầu giảm.

Tuy nhiên trong suốt nửa thế kỷ qua, không phải người tiêu dùng vay nợ nhiều nhất. Đối tượng chìm sâu nhất trong nợ nần chính là lĩnh vực tài chính. Những ngân hàng cung cấp các khoản vay sẵn sàng vay nợ nhiều hơn khách hàng của họ, dù đối tượng đó là doanh nghiệp hay người tiêu dùng.

Và tỷ lệ vay nợ của họ cho đến nay chưa giảm bớt bất chấp tỷ lệ phá sản tại phố Wall tăng cao và nỗ lực của các tổ chức tài chính trong việc giảm tỷ lệ nợ của chính họ.

Cuối năm 2008, theo số liệu thống kê từ FED, tổng số nợ trong lĩnh vực tài chính lên tới 17,2 nghìn tỷ USD tương đương 121% GDP Mỹ. Mức nợ này cao hơn 1 nghìn tỷ USD so với 1 năm trước đó khi tổng số nợ tương đương 115% GDP.

Nửa thế kỷ trước, tổng số nợ của ngành tài chính mới chỉ là 21 tỷ USD tương đương 6% GDP.

Ngược lại, tỷ lệ nợ tiêu dùng đứng ở mức 13,8 nghìn tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2007 và năm 2008, mức nợ này tương đương 97% đến 98% GDP.

Ông Peter L. Bernstein, chuyên gia kinh tế học và tài chính, nhấn mạnh đến xu thế này trong ấn phẩm “Economics and Portfolio Strategy” “Kinh tế học và chiến lược đầu tư” của ông công bố vào tháng trước. Ông nhận định các hộ gia đình Mỹ sẽ tiếp tục hạn chế vay nợ ngay cả khi kinh tế bắt đầu hồi phục : “Thời kỳ vay tiền vô tội vạ từ năm 2000 đến năm 2007 sẽ không lặp lại.”

Ông nói thêm khi việc vay tiền giảm như vậy phản ánh người dân cũng bớt ham muốn tiêu dùng trong khi tiêu dùng là động lực tăng trưởng kinh tế chính trong suốt 15 năm qua. Điều này hẳn sẽ kéo lùi tăng trưởng kinh tế trong khoảng thời gian bao lâu chưa ai có thể dự đoán được.

Tỷ lệ nợ của doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính tăng trong khoảng thời gian lợi nhuận cao đầu thế kỷ này và tiếp tục tăng trong năm 2008. Nợ quá nhiều, các công ty gặp không kịp trở tay khi họ phải đương đầu với cú sốc kép : suy thoái kinh tế và thắt chặt tín dụng vào năm 2007.

Chính phủ đã vay tiền rất nhiều trong năm 2008, xu thế này sẽ còn tiếp tục khi họ còn cần ngày một nhiều tiền dành cho kế hoạch giải cứu. Tuy nhiên xét trong dài hạn, xu thế trên không biến đổi nhiều. Năm 1958, tổng số nợ của chính phủ, từ cấp liên bang cho đến cấp thị trấn chiếm tới 60% GDP. Nửa thế kỷ sau, tỷ lệ đó không thay đổi.

Nói cách khác, vào năm 1958, cứ 100USD tiền vay thì có 44USD là tiền chính phủ vay. Đến cuối năm 2008, lượng tiền vay của chính phủ chỉ chiếm 17USD/100USD tổng lượng tiền vay, tỷ lệ tiền vay của các công ty và người tiêu dùng đã tăng lên cao hơn.

Điều này phản ánh thay đổi sâu sắc trong hệ thống tài chính của Mỹ những năm qua. Đó là tín dụng tiêu dùng trở nên ngày một phát triển, thẻ tín dụng của Bank of America và Visa vì thế phổ biến hơn. Thị trường thẻ tín dụng ngày càng có nhiều đối thủ mới, cách các ngân hàng cấp tiền cho các khoản vay cũng thay đổi.

Năm 1958, 75% số nợ trong lĩnh vực tài chính thuộc về tổ chức tài chính truyền thống, đó là ngân hàng, tổ chức tiết kiệm và công ty tài chính. Tỷ lệ này hiện nay là 18%.

Nửa thế kỷ qua, rất nhiều tổ chức và sản phẩm tài chính đã ra đời để phục vụ cho nhu cầu vay tiền và sở hữu tài sản của người dân, vì thế một khoản vay đến tay người tiêu dùng có thể bao gồm nhiều khoản nợ đã được chuyển vào một quỹ bao gồm chứng khoán được bán lại cho những người mua, chính những người này cũng vay tiền để mua loại mặt hàng này. Loại hình nợ này lúc bình thường giúp lợi nhuận tăng cao tuy nhiên đẩy các tổ chức tài chính vào thế dễ chịu ảnh hưởng xấu nếu giá trị tài sản bắt đầu hạ.

Vấn đề lớn của khủng hoảng tài chính hiện nay là liệu còn bao nhiêu những sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính sẽ còn tồn tại và chúng sẽ thay đổi như thế nào khi khủng hoảng chấm dứt. Nhiều khả năng tỷ lệ vay nợ trong lĩnh vực tài chính sẽ giảm bớt, thế nhưng cho đến nay chưa có số liệu chính thức nào về điều này.

Ngọc Diệp

Theo Nytimes

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên